Tìm kiếm

INDIA HIROSHIMA DAY

Các Giám mục Mỹ và Nhật ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân

Một nhóm Giám mục Công giáo Nhật Bản và Hoa Kỳ đã hoan nghênh cuộc họp tuần này của các quốc gia đã chính thức tham gia Hiệp ước của Liên Hợp quốc về cấm vũ khí hạt nhân như “một bước lịch sử khác trên hành trình hướng tới hy vọng, hướng tới ánh sáng, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Hồng Thủy - Vatican News

Nhóm giám mục bao gồm các Tổng Giám mục người Mỹ John Wester của Santa Fe và Paul Etienne của Seattle; hai vị đều lãnh đạo các tổng giáo phận có liên quan đến việc sản xuất và triển khai vũ khí hạt nhân. Nhóm cũng bao gồm Đức Tổng Giám mục Nhật Bản Peter Michiaki Nakamura của Nagasaki, Giám mục Alexis Mitsuru Shurahama của Hiroshima, và Đức Tổng Giám mục Joseph Mitsuaki Takami, nguyên Giám mục của Nagasaki, là những vị lãnh đạo các giáo phận Nhật Bản đã bị Mỹ ném bom vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.

Cuộc họp lần thứ hai của các quốc gia tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu vào ngày 27/11/2023 tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York và sẽ kéo dài đến ngày 1/12/2023, được chủ trì bởi ông Juan Ramón de la Fuente Ramírez, Đại diện thường trực của Mexico.

Trọng tâm của cuộc họp, theo thông cáo báo chí từ chính phủ Mexico, là đánh giá tình trạng thực thi hiệp ước và thảo luận về tác động nhân đạo của vũ khí hạt nhân. Ngoài đại diện của các quốc gia-dân tộc đã tham gia hiệp ước, cuộc họp cũng sẽ có sự hiện diện của những người sống sót sau vụ thử bom nguyên tử và thử nghiệm hạt nhân, đại diện của các tổ chức quốc tế và các đại diện khác của xã hội dân sự và cộng đồng khoa học.

Các Giám mục ủng hộ Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

Các Giám mục Nhật Bản và Hoa Kỳ nói trong tuyên bố chung hôm 27/11/2023: “Nhiệm vụ của các giáo phận của chúng tôi là hỗ trợ Hiệp ước này trong khi nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, có thể kiểm chứng được. Chúng tôi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Cuộc họp lần thứ hai của các quốc gia thành viên Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Các giám mục gọi đây là cuộc họp lịch sử bất chấp những hạn chế của nó, vì những người tham gia chỉ bao gồm những quốc gia đã ký hiệp ước. “Sức mạnh pháp lý quốc tế của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân chỉ giới hạn ở những quốc gia đã chính thức tham gia Hiệp ước, nhưng sức mạnh đạo đức của nó không bị giới hạn bởi biên giới giữa các quốc gia cũng như các đường trên bản đồ - sức mạnh đạo đức của Hiệp ước này có tính chất toàn cầu và phổ quát”.

Các ngài cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được tiến bộ rõ rệt hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân nhân dịp kỷ niệm 80 năm vụ Mỹ thả bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki, vào tháng 8/2025.

Vatican là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân khi mở đầu việc ký Hiệp ước vào tháng 7 năm 2017. Hiệp ước có hiệu lực vào tháng 1 năm 2021. Cho đến nay, Hiệp ước đã được 69 quốc gia ký và phê chuẩn, trong khi 24 quốc gia khác đã ký nhưng chưa phê chuẩn. (Crux 28/11/2023)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng mười một 2023, 12:03