Tìm kiếm

2019.04.08 Croce, Bibbia, simboli religiosi, cristianesimo

Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà thờ duy nhất được xây dựng trong thời Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại

Ngày 8/10/2023, Thánh lễ đầu tiên đã được cử hành tại nhà thờ Thánh Ephrem của Giáo hội Chính thống Syria ở Istanbul, nhà thờ duy nhất được xây dựng trong thời Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh lễ lẽ ra được cử hành vào ngày 19/2/2023 nhưng bị hoãn lại vì trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 6/2/2023 ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Hồng Thủy - Vatican News

Nhà thờ Thánh Ephrem là nơi thờ phượng duy nhất “được xây dựng mới hoàn toàn” ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ hơn một thế kỷ. Nằm ở quận Yesilkoy, thuộc khu vực châu Âu của thành phố, nhà thờ có sức chứa 750 người này được hoàn thành sau 3 năm xây dựng, với kinh phí khoảng bốn triệu euro.

Mặc dù lễ khởi công với việc đặt viên đá đầu tiên đã diễn ra vào năm 2019, với sự hiện diện của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhưng phải mất gần 10 năm mới hoàn thành các bước khác nhau để hiện thực hóa công trình.

Nhà thờ, được hình thành như một dự án năm tầng trên một khu đất trống của nghĩa trang Công giáo Latinh, nằm ở Yesilkoy thuộc khu vực Châu Âu, nơi sinh sống của phần lớn cộng đoàn Kitô hữu Syria. Một tầng của công trình được dành làm phòng văn hóa cho cộng đoàn, nơi có thể tụ họp sau Thánh lễ hoặc khi kết thúc các nghi lễ như rửa tội, tang lễ và đám cưới, cũng như cho các cuộc họp và hội nghị. Tầng trệt có nơi ở của giám mục, các phòng cho khách và bãi đậu xe.

Thông điệp về tự do và lòng khoan dung

Ông Sait Susinthe, chủ tịch Quỹ Istanbul Syriac Kadim, thay mặt cho toàn thể cộng đoàn bày tỏ sự nhiệt tình và hài lòng đối với lễ khai mạc. Ông hy vọng rằng nhà thờ là một thông điệp về tự do và lòng khoan dung đối với những “định kiến” mà nước ngoài có đối với Đế chế Ottoman cũ.

Trên lý thuyết, tại Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự do thờ phượng, tuy nhiên trong 20 năm qua đã xảy ra một số trường hợp vi phạm việc thực hành tôn giáo, thay đổi cách sử dụng những nơi từng là đền thờ Kitô giáo (như các đền thờ Hagia Sophia và Chora). Đặc biệt, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào việc lựa chọn các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Một số giáo sĩ bị sát hại, cụ thể là Cha Andrea Santoro vào năm 2006 và Đức cha Luigi Padovese vào năm 2010. Một số nhà thờ và tòa nhà của Giáo hội bị tịch thu. Trong những tháng gần đây cũng xảy ra các vụ tranh chấp đất đai, xúc phạm nghĩa trang và tịch thu nơi thờ tự. (AsiaNews 09/10/2023)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng mười 2023, 11:11