Tìm kiếm

Cầu nguyện Cầu nguyện 

Vi phạm quyền của các Kitô hữu gia tăng ở Iran

Theo báo cáo năm 2023 về “Vi phạm quyền của các Kitô hữu ở Iran” được công bố gần đây bởi bốn tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo, trong năm vừa qua, tại Iran gia tăng các vụ vi phạm quyền của các Kitô hữu, với 134 Kitô hữu bị bắt vào năm 2022 vì các vấn đề liên quan đến đức tin.

Ngọc Yến - Vatican News

Mặc dù việc các Kitô hữu Iran bị giết vì đức tin không còn phổ biến, nhưng theo báo cáo của Article18, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở London, và ba tổ chức khác, cho đến nay, ở Iran vẫn không có tự do tôn giáo. Trong năm vừa qua, có 134 Kitô hữu bị bắt giữ vì các vấn đề liên quan đến đức tin, nhiều gấp đôi so với 59 trường hợp được ghi nhận vào năm 2021 và ít nhất 30 Kitô hữu đã phải nhận án tù hoặc buộc phải sống lưu vong.

Cho đến cuối năm 2022, ít nhất 17 Kitô hữu vẫn ở trong tù, chịu các bản án lên đến 10 năm với các tội danh như “chống an ninh quốc gia” và “tuyên truyền chống chế độ”. Như báo cáo đã nhấn mạnh, thực hành một tôn giáo khác với Hồi giáo Shia bị “coi là mối đe dọa đối với Cộng hòa Hồi giáo và các giá trị của chế độ này”. Đây là lý do tại sao, trong năm qua hai Kitô hữu người Armenia gốc Iran đã bị kết án 10 năm tù vì tổ chức các cử hành tại nhà riêng.

Hơn nữa, trong năm 2022 báo cáo đã ghi nhận 49 trường hợp tra tấn tâm lý và 98 khiếu nại về lạm dụng - mặc dù con số thực tế lớn hơn nhiều vì nạn nhân thường không tố cáo - và 468 cá nhân - bao gồm cả người thân không phải là Kitô hữu của các bị cáo - đã bị bắt theo luật Iran.

Một khía cạnh khác được báo cáo xem xét liên quan đến các nơi thờ phượng: chỉ có bốn nhà thờ nói tiếng Farsi vẫn được phép hoạt động trong lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, hiện các nhà chức trách vẫn chưa cho phép mở cửa trở lại sau khi các cử hành tôn giáo bị trực tiếp đình chỉ trong đại dịch COVID-19.

Cộng đoàn Kitô giáo được chính thức công nhận của Iran bao gồm các cộng đoàn Armenia và Syriac, có khoảng 300.000 người trên tổng dân số hơn 87 triệu dân. Nhưng gần đây con số này đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây do tình trạng di cư.

Mặc dù Bộ luật Hình sự của Iran không quy định hình phạt tử hình đối với tội bội giáo, nhưng điều 167 của Hiến pháp quy định các thẩm phán, dựa vào các nguồn Hồi giáo, có thẩm quyền trong các vấn đề không được đề cập bởi luật được hệ thống hóa. Theo đó, thẩm phán có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt của luật Hồi giáo đối với tội bội giáo.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng ba 2023, 10:45