Tìm kiếm

Sinh viên Sinh viên 

Hội nghị thường niên các đại học Công giáo Đông Nam Á và Đông Á

Hội nghị thường niên lần thứ 28 của Hiệp hội các trường đại học Công giáo Đông Nam Á và Đông Á đã được tổ chức từ ngày 23 đến 27/8 vừa qua tại Học viện Thánh Phaolô ở tỉnh Takéo, miền nam Campuchia (Aseaccu). Trong dịp này, các tham dự viên đã thảo luận về một chủ đề đặc biệt quan trọng và nhạy cảm đối với nước chủ nhà: “Ký ức và Bản sắc”.

Ngọc Yến - Vatican News

Những khoảnh khắc đào sâu ký ức lịch sử và chính trị của Campuchia, sự phát triển xã hội của đất nước và nhiều thực tế, bản sắc và các vấn đề xã hội khác của châu Á trong khuôn khổ hiện tại là một số trong nhiều điểm đã làm linh động bốn ngày họp và thảo luận bởi các tổ chức giáo dục Công giáo hàng đầu ở Đông Nam Á và Đông Á.

Hiệp hội có trụ sở tại Philippines, là một diễn đàn khu vực được Toà Thánh công nhận và thuộc Liên đoàn Quốc tế các trường đại học Công giáo. Hiệp hội có 86 thành viên, bao gồm cả Học viện Thánh Phaolô, thực thể cao nhất và duy nhất của Công giáo hiện diện trên lãnh thổ Campuchia. Diễn đàn Á châu - Thái Bình Dương được thành lập để thúc đẩy giáo dục đại học Công giáo và đóng góp vào đối thoại sư phạm ở cấp độ quốc tế, vượt ra ngoài các khu vực mà Hiệp hội hiện diện.

Liên quan đến các điểm thảo luận về bản sắc, văn hóa và sự hòa giải ở Campuchia và ở các nước trong khu vực, Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông toà ở Phnom Penh, Campuchia nhấn mạnh: “Trước các nền văn hóa khác nhau, chúng ta phải luôn ghi nhớ bản sắc của mình, vì đó là điểm xuất phát. Trong bốn ngày làm việc, cuộc họp đã mang lại một giá trị đặc biệt cho xã hội Campuchia, vẫn đang tham gia vào quá trình tái thiết sau chế độ Khmer Đỏ”.

Đức cha Olivier kết luận: “Đó là lý do tại sao Hội nghị phải thúc đẩy mọi người khám phá văn hóa và thế giới, và giúp chúng ta sống trong thế giới, lưu giữ ký ức và lịch sử để xây dựng bản sắc và định hình tương lai của chúng ta”.

Tại Hội nghị, cũng có sự hiện diện của ông Naron Hangchuon, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia. Theo ông, trong bối cảnh thế giới hiện nay, cần phải tìm ra những cách thức mới để cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho học sinh. Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư tiếp tục định hình nền kinh tế toàn cầu và lực lượng lao động, những người trẻ phải chuẩn bị một kịch bản thế giới mới và các trường thay đổi chương trình để đạt được các mục tiêu trong tương lai. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

30 tháng tám 2022, 11:26