ĐHY Sako lo ngại các Kitô hữu ở Iraq có nguy cơ biến mất
Ngọc Yến - Vatican News
Trong bài diễn văn khai mạc Công nghị của Giáo hội Công giáo Canđê, tại Baghdad từ ngày 21 đến 27/8, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako đã đưa ra một lời cảnh báo mới về tương lai của cộng đoàn Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng “Di sản Hồi giáo biến các Kitô hữu trở thành công dân hạng hai” và dung túng “việc chiếm đoạt tài sản của họ”. Đây là lý do tại sao các quy tắc cơ bản của sự chung sống phải được viết lại, bắt đầu từ Hiến pháp theo các nguyên tắc và ý tưởng được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định tại Iraq vào tháng 3/2021. Cụ thể, phải thay đổi cách nghĩ, thay đổi chính sách của chính phủ, xã hội và kinh tế. Và phải tránh xa cám dỗ cho rằng sự hiện diện của Kitô hữu ở Trung Đông phụ thuộc vào các giải pháp kỹ thuật.
Ngỏ lời với các Giám mục, Đức Thượng Phụ nhắc lại lời kêu gọi chung “mang trách nhiệm của Giáo hội, con người và quốc gia với tinh thần của Chúa Giêsu và tình cảm người”. Ơn gọi chỉ có thể được nuôi dưỡng bởi một “tương quan sống động với Chúa Kitô, nhờ Người chúng ta được thánh hiến, như chính Người đã tự thánh hiến”. Chỉ kinh nghiệm ân sủng được Chúa Kitô trao ban mới có thể hỗ trợ các Giám mục Canđê thực hiện sứ vụ và phục vụ với lòng quảng đại và không vụ lợi, trong tinh thần hiệp nhất, tránh xa thái độ cá biệt, ham muốn thống trị và danh vọng.
Về việc hướng dẫn mục vụ các giáo phận, Đức Hồng Y xác nhận rằng không thể thi hành mục vụ nếu không có quyền bính, nhưng ngài cũng nhấn mạnh: “Việc thực thi này không được đưa đến sự chuyên quyền và độc tài”. Phải xác định rằng quyền giám mục được thiết lập dựa trên các Tông đồ và được thực thi qua một tập thể mở rộng đến mọi thành phần Dân Chúa, các linh mục, tu sĩ, giáo dân.
Đức Hồng Y khuyến khích các giám mục Canđê có sự đồng hành với các linh mục như người cha, không độc đoán. Ngài nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận có sự chia rẽ, đây là mối nguy lớn nhất cho sự hiệp nhất của giáo phận và chứng tá linh mục. Khi điều này xảy ra chúng ta phải xử lý tế nhị, diện đối diện. Như thời các Tông đồ, Giáo hội luôn có những vấn đề, nhưng những vấn đề này phải trở thành cơ hội để phát triển bác ái, tình bạn và để củng cố lòng tin. Kỷ luật là quan trọng vì vô trật tự là phá hoại”.
Nói về tầm quan trọng của các gọi linh mục và đan sĩ, Đức Thượng Phụ nhắc lại rằng “tương lai của Giáo hội chúng ta dựa trên ơn gọi linh mục và đan sĩ. Giám mục có nghĩa vụ phải coi trọng các ơn gọi.”
Về phụng vụ, Đức Hồng Y nói: “Phụng vụ phải tuân theo các quy tắc do Thượng Hội đồng Canđê thiết lập liên quan đến bản sắc phương đông và đích thực hơn của chúng ta. Linh mục cử hành phải hiểu rằng các nghi lễ là sự cầu nguyện, không chỉ là một thực hành cứng nhắc và đơn điệu; nghĩa là ai cầu nguyện thì phải sống theo nghi lễ”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.