Tìm kiếm

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh  

ĐHY Parolin thăm Thuỵ Sĩ dịp kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Thuỵ Sĩ

Nhận lời mời của ông Ignazio Cassis, phó tổng thống kiêm ngoại trưởng của Thuỵ Sĩ, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đến thăm Thuỵ Sĩ để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Thuỵ Sĩ.

Hồng Thủy - Vatican News

Nối lại quan hệ ngoại giao

Từ năm 1586 đến 1873, Đức Giáo hoàng đã có một đặc sứ tại Thuỵ Sĩ, dù rằng vị này chỉ ở Lucerna và chính thức là “người đối thoại” với các bang công giáo. Nhưng quan hệ ngoại giao giữa Thuỵ Sĩ và Toà Thánh bị gián đoạn trong thế kỷ 19 bởi Kulturkampf - cuộc xung đột giữa nhà nước Đức và Giáo hội Công giáo tại Đức và vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức. Và vào năm 1920, theo quyết định của Hội đồng Liên bang và sự can thiệp của một số Hồng y, các quan hệ chính thức giữa Toà Thánh và Thuỵ Sĩ đã được thiết lập.

Thêm vào đó, cũng nhờ đại học Fribourg và trên hết là sự hợp tác nhân đạo trong thời Đại chiến, theo đề nghị của Đức Hồng y Léon Amette của Paris, Toà Thánh đã nối lại liên lạc với Thụy Sĩ, với ý định là chữa bệnh cho những người bị thương và bệnh nhân tại Thuỵ Sĩ. Cuối cùng, nhờ Uỷ viên Hội đồng Liên bang Giuseppe Motta - lúc đó là Tổng thống liên bang - Tòa Sứ thần mới đã được mở cửa hoạt động tại Bern.

Ngược lại, về phía Thụy Sĩ, phải đợi đến năm 1991 - sau các cuộc thảo luận giữa Tòa thánh và Đức cha Haas về tình hình ở giáo phận Coira - Hội đồng Liên bang mới quyết định chấm dứt sự đơn phương trong quan hệ ngoại giao bằng việc bổ nhiệm một đại sứ với nhiệm vụ đặc biệt tại Tòa thánh. Cho đến thời điểm đó, các đại diện duy nhất của Thụy Sĩ tại Roma thực tế là Đội Vệ binh Thụy Sĩ.

Viếng đền thánh Đức Mẹ ở Einsiedeln

Chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh là đền thánh Đức Mẹ của dòng Biển Đức ở Einsiedeln vào ngày 7/11/2021. Đan viện nằm ở trung tâm của Thuỵ Sĩ và nổi tiếng với “Đức Mẹ Đen”. Thánh Gioan Phaolô II đã thăm nơi này vào ngày 16/6/1984.

Đan viện phụ của đan viện nhấn mạnh: “Einsiedeln kể cho chúng ta nghe về nhiều thế hệ đan sĩ và tín hữu đã tìm thấy nơi nương tựa và sức mạnh mới trong Mẹ của Chúa Giêsu”.

Thăm Flüeli-Ranft

Đức Hồng Y Parolin cũng đến thăm một địa điểm hành hương quan trọng khác ở Thụy Sĩ, đó là Flüeli-Ranft, nơi thánh Nicholas thành Flüe, bổn mạng của Thụy Sĩ, đã sinh sống và làm việc cách đây 550 năm. Nhà huyền bí và ẩn sĩ này được coi là người đối thoại quan trọng về các vấn đề địa chính trị-ngoại giao khi đó. Cách thức của ngài ngày nay vẫn được đánh giá cao như một hình mẫu cho những người kiến tạo hòa bình và có đức tin sâu sắc vào Giáo hội.

Hội nghị 2 ngày

Từ thứ Hai 8/11/2021, tại đại học Fribourg, diễn ra hội nghị kéo dài hai ngày về việc đánh giá lại mối quan hệ ngoại giao mang tính lịch sử. Vào chiều thứ Hai, có buổi giới thiệu cuốn sách “Giáo hoàng và Hội đồng Liên bang: từ sự tan rã năm 1873 đến việc mở lại tòa sứ thần ở Bern vào năm 1920”, của nhà sử học Lorenzo Planzi.

Vào thứ Ba sẽ 9/11/2021, diễn ra hội nghị nghiên cứu “Thụy Sĩ và Tòa Thánh: một lịch sử căng thẳng, từ thời Trung cổ đến cam kết chung về hòa bình”. Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu sẽ trình bày về 5 lĩnh vực chuyên đề: “Từ thời Trung cổ đến cải cách”, “Toà Sứ thần tại Lucerne”, “Xã hội học và thần học về sự chung sống giữa các hệ phái Kitô ở Thụy Sĩ”, “Một thế kỷ các mối quan hệ giữa Thụy Sĩ và Tòa Thánh” và, “Ngoại giao và những thách thức hiện nay” trong cuộc thảo luận bàn tròn kết thúc, với sự tham dự của Sứ thần Tòa thánh tại Bern, Đức tổng giám mục Martin Krebs, và Đại sứ Denis Knobel.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

08 tháng mười một 2021, 11:23