Tìm kiếm

Tường "before I die..." tại Genova, Ý Tường "before I die..." tại Genova, Ý 

Khi tôi thở, tôi hy vọng

Tiêu ngữ tiếng Latin “Dum spiro spero” (tạm dịch là “Khi tôi thở, tôi hy vọng”), một tiêu ngữ từ thời Hy Lạp cổ, đã trở thành khẩu hiệu cho nhiều nơi và tổ chức, trong đó, lớn nhất là Tiểu bang South Carolina, Hoa Kỳ. Từ lâu, “hy vọng” được xem như nguồn oxy cho nội lực sống, và động lực thức dậy mỗi buổi sớm mai, bắt đầu một ngày mới, một cơ hội mới.

Những mơ ước, khát vọng, tâm nguyện hướng đến tương lai tươi sáng hơn giúp con người bước qua những ngổn ngang, khó khăn của hiện tại. Đây cũng là kết quả khảo sát dựa trên 100,000 đáp viên từ hơn 100 quốc gia vào năm 2013 của Tiến sĩ Matthew Gallagher thuộc đại học Houston.

Mỗi người trong cuộc đời mình có thể có đến vài ước mơ, hoặc cũng có khi chỉ mang lấy cho mình một ước vọng lớn cho suốt cả cuộc đời. Có những ước mơ trở thành bước ngoặt của cuộc đời, có những ước mơ đưa cuộc sống bình yên lên một tầm cao mới, lại có những mơ ước đính kèm nhiều thử thách nhưng thành quả thì ngọt ngào. Chẳng vậy mà năm 2011, trào lưu Bức tường “Before I die I want…” của Candy Chang, bắt đầu bằng một bức tường của căn nhà bỏ hoang đã được phủ đầy những mơ ước của người đi đường chỉ trong một ngày. Trào lưu này đã “viral” đến 76 quốc gia, với 36 ngôn ngữ, ghi lại hàng triệu những khát vọng của những người ẩn danh đi qua cuộc đời. Tuy vậy, những ước nguyện giây phút cận kề sinh tử có khi lại đơn giản đến bất ngờ.

Cuối tháng 5 năm 2021, Sài Gòn bất chợt đứng trước nguy cơ bùng dịch COVID-19 sau hơn 9 tháng tái ổn định, các trường học được chỉ thị phải kết thúc năm học trước thời gian dự kiến. Có nơi thi cử, tổng kết, liên hoan và phát bằng diễn ra chỉ trong một buổi sáng. Đến 0g ngày đầu tháng sáu, Sài Gòn hạn chế giao thông liên tỉnh, kéo theo sau đó là một loạt những lần ra chỉ thị 15, 16, 16+,... Tỉ lệ thuận với thời hạn giãn cách kéo dài, là số người nhiễm và bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng cao, không có dấu hiệu giảm sút, bất chấp các nỗ lực của giới chức thành phố và hơn hết, là nỗ lực ngang qua muôn vàn khó khăn, vất vả của lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viên y tế tại các bệnh viện dã chiến trên toàn thành phố.

Những câu chuyện chia sẻ đầy nước mắt của những gia đình mất đi người thân, những câu chuyện góp nhặt từ những tình nguyện viên tiếp tế vòng ngoài, và cả những ghi chép của những người ở tuyến đầu liệu có khiến những người được đóng dấu “sống sót qua đại dịch” sống khác đi, tử tế hơn, và yêu thương chân thành hơn sau khi COVID-19 qua đi?

Tôi nói chuyện với bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ phòng Điều trị Tích cực (ICU) tại Cơ sở điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Ung Bướu 2. Bác sĩ Khoa và các cộng sự đã ở đây hơn hai tháng, mỗi ngày Khoa phải gọi những cuộc điện thoại khó khăn để cho gia đình bệnh nhân được nhìn mặt người thân lần cuối, hoặc cũng có khi chỉ để báo với họ rằng người thân của họ vừa ra đi. Với sáng kiến “tâm nguyện cuối cùng”, bác sĩ Khoa đưa cho mỗi bệnh nhân tờ giấy và cây viết để họ ghi lại di nguyện của mình, hoặc bất cứ điều gì họ muốn để lại. Có hôm là tờ giấy nhàu với dòng chữ xô lệch của một bệnh nhân nữ ghi rằng “tôi không có chết, tôi không bỏ con tôi được” hay như dòng tâm nguyện cuối cùng của một nữ tu xin được linh mục đang làm thiện nguyện ban ơn xá giải trong giờ sau cùng.

Một vài tâm nguyện cuối cùng
Một vài tâm nguyện cuối cùng

Hy vọng được sống tiếp cuộc đời này hay hy vọng được sống đời sau; có lẽ không dừng lại ở câu chữ, hay tờ giấy viết vội trước cơn hấp hối, nhưng có khi là điều gì đó để cho bất kỳ ai còn có cơ hội sống tiếp cuộc đời này đặt lại vấn đề về thái độ sống, chọn lựa sống ngay trong cuộc lữ hành trần thế này. Chỉ có như vậy, mỗi nhịp thở quý giá mà biết bao những y bác sĩ xa lạ đang giành giật từng ngày mới chất chứa những hy vọng vào một khởi đầu mới, một lần bắt đầu lại.

Ngang qua những đau thương của cơn đại dịch này, chúng ta xin “chấm từng chấm đúng, đường sẽ thẳng; sống từng phút đẹp, đời sẽ thánh” (Bậc Đáng Kính ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận). 

Phải chăng đây là lúc để mỗi người ngồi lại hỏi lòng và hỏi Chúa từng dấu chấm tiếp theo trong cuộc đời mình?

-ViCao-

Đọc thêm:

Martin, K., Mar. 09, 2021, 4 ways to improve your health by rebuilding your hope, InspireMore, https://www.inspiremore.com/4-ways-to-rebuild-hope/

Dastagir, A., Oct. 10, 2020, Why it’s so important to hope, USA Today, https://www.usatoday.com/story/news/nation/2020/10/10/hope-essential-mental-health-and-well-being-psychologists-say/5942107002/

Chang, C., Sep. 04, 2012, Before I die I want to, TED, https://youtu.be/uebxlIrosiM

Trần, H. Đ. Khoa, August 2021, Facebook, https://www.facebook.com/heou.tytr

 

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

16 tháng chín 2021, 22:05