Tìm kiếm

Châu Phi Châu Phi  (ANSA)

Các Giám mục Anh giáo phản đối việc khoan dầu ở lưu vực Nambia

Ba mươi bốn Giám mục và ba Tổng Giám mục Anh giáo từ khắp nơi trên thế giới đã ký một bản kiến nghị, yêu cầu công ty ReConAfrica của Canada chấm dứt ngay việc khoan dầu ở lưu vực Kavango, Nambia.

Ngọc Yến - Vatican News

Bản kiến nghị đã được gửi đến chính phủ và lãnh sự quán Nambia ở Cape Town, trụ sở ReconAfrica ở Vancouver, Canada, và Thanh tra viên Canada về Doanh nghiệp có trách nhiệm.

Sáng kiến này được thực hiện sau khi Đức cha Luke Pato, Giám mục của Nambia cho biết việc thăm dò đã bắt đầu tiến hành.

Công ty ReconAfrica đã mua quyền khai thác tại lưu vực Kavango với 38.000 km2, một khu vực được bảo vệ và nhạy cảm đối với môi trường, vì là nơi cung cấp nước cho châu thổ Okavango. Lưu vực này là di sản thế giới, một khu đất ngập nước (khu Ramsar), đa dạng sinh học, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của châu Phi, nơi sinh sống cuối cùng lớn nhất của quần thể voi châu Phi, có 400 loài chim và là khu bảo tồn của nhiều loài động vật khác. Khu vực được bảo vệ bởi Nghị định thư của Ủy ban thường trực về nước của lưu vực sông Okavango.

Theo bản kiến nghị của các Giám mục, việc khai thác vi phạm quyền của người dân bản địa theo Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc: “Nước là một mặt hàng quý hiếm ở Namibia, quốc gia khô hạn nhất phía nam sa mạc Sahara”, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Tại lưu vực này, công ty ReConAfrica có thể tạo ra hàng tỷ thùng dầu, và trong tương lai ở đây sẽ là nơi có hoạt động khai thác dầu lớn nhất trong thập kỷ. Nhưng theo các Giám mục, với tiềm năng năng lượng mặt trời dường như vô hạn, khai thác hàng tỷ thùng dầu ở Nambia không có ý nghĩa gì, bởi vì giảm lượng khí thải carbon là trách nhiệm toàn cầu.

Cùng lên tiếng với các Giám mục có giáo sư Ioan Sauca, Tổng Thư ký của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC). Giáo sư nói: “Chúng ta không thể hy sinh quyền của các cộng đồng bản địa và phá hủy hồng ân công trình sáng tạo của Thiên Chúa để lấy dầu mỏ. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu quốc tế là giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050, chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các hệ thống năng lượng tái tạo ngay từ bây giờ”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng ba 2021, 11:50