Tìm kiếm

Tonga sau thảm hoạ núi lửa Tonga sau thảm hoạ núi lửa 

ĐHY Czerny chủ sự giờ cầu nguyện cho Tonga sau thảm hoạ núi lửa

Chiều tối thứ Hai 24/1/2022, Đức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng tạm thời của Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện, đã chủ sự giờ cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ ở khu vực Trastevere của Roma để cầu nguyện cho Tonga, sau khi nước này gánh chịu thảm họa núi lửa dưới nước phun trào gây ra một trận sóng thần kinh hoàng.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong giờ cầu nguyện được tổ chức bởi Cộng đoàn thánh Egidio, Đức Hồng y nói: “Tonga là một cái tên ít được biết đến, và đối với chúng ta, đó là một thực tế xa vời. Tuy nhiên, những người đau khổ không bao giờ ở xa chúng ta, những người trong Chúa Giêsu nhận mình là ‘những người con luôn được Chúa Cha yêu thương’, được mời gọi để cùng chia sẻ với gia đình nhân loại một số phận duy nhất, trong ngôi nhà chung là trái đất.”

Vụ núi lửa phun trào ở Tonga, quốc gia ở Nam Thái Bình dương hôm 15/1 được xem là vụ phun trào lớn nhất trên thế giới trong ba thập kỷ. Đức Hồng y Czerny nhắc rằng phần lớn dân chúng thoát chết cách kỳ diệu nhưng thiệt hại vật chất quá lớn và cần nhiều thời gian để trở lại cuộc sống bình thường.

Bé nhỏ và mỏng manh

Đức Hồng y nói rằng xã hội đang sống dưới hai ảo tưởng lớn trong những thập kỷ gần đây. “Một mặt, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong lời cầu nguyện của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô trong thời kỳ đại dịch, chúng ta đã tự huyễn hoặc bản thân rằng ‘vẫn luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh tật,’ trong một thế giới bị tổn thương bởi sự bóc lột rình rập; mặt khác, chúng ta cũng đã tự huyễn hoặc rằng chúng ta gần như toàn năng, rằng chúng ta thống trị thiên nhiên, thế giới, như thể đó là công trình của chính chúng ta.”

Và Đức Hồng y đã giải thích về đoạn Kinh Thánh trích từ chương 38 của Sách Gióp, Đức Hồng y Czerny nói: “Trong đoạn sách chúng ta vừa nghe, Đức Chúa nói với ông Gióp về cơn bão, đặt ông dưới áp lực của sự biến động bất ngờ của các hiện tượng khí quyển, và thách thức ông, như một con người, trả lời cho những câu hỏi cơ bản về sự hiện hữu”. Thiên Chúa khiến ông Gióp phải nhận ra sự bất lực của bản thân trong việc đưa ra câu trả lời và kiểm soát mọi thứ.

Đau khổ và cảm thông

Theo Đức Hồng y, cuốn sách và nhân vật Gióp cũng dạy chúng ta rất nhiều về chiều kích của sự đau khổ mà chúng ta đang trải qua trong thời đại đại dịch này. Nó dạy chúng ta rằng đau khổ “là một thảm kịch không chấp nhận những khán giả trung lập: con người, thiên nhiên, Thiên Chúa đều tham gia vào nó với mức độ giống nhau”; rằng “đau khổ không phải là một khía cạnh ngẫu nhiên trong cuộc sống của con người, mà là một khía cạnh của cuộc sống của mỗi người nam nữ. Đó là một sự thật của thực tại cho phép chúng ta đương đầu với sự hữu hạn của con người chúng ta”; đó là một “cơ hội không chỉ để từ bỏ những hình ảnh dễ dãi về Thiên Chúa và về chính chúng ta, mà còn để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn: khi chúng ta chiến đấu chống lại đau khổ cùng với những người đau khổ, chúng ta bước vào kinh nghiệm liên đới của sự trao tặng và hiệp thông”.

Cống hiến nguồn lực để cứu con người khỏi nghèo đói

Và Đức Hồng y cầu nguyện "xin Chúa đánh động trái tim của những người nam nữ, để họ cống hiến các nguồn lực của khoa học để giải cứu các dân tộc khỏi thảm kịch thiên nhiên, biến đổi khí hậu, bệnh tật, nghèo đói, bị loại trừ. Xin cho lời cầu nguyện của chúng ta vượt qua mọi khoảng cách, chứng tỏ mình thuộc về một gia đình Thiên Chúa ”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

25 tháng một 2022, 17:09