Tìm kiếm

Nước là quyền cơ bản của con người Nước là quyền cơ bản của con người 

Tòa Thánh: Nước không phải hàng hóa, nhưng là một quyền cơ bản của con người

Phát biểu tại cuộc Đối thoại tương tác về nước và vệ sinh trong bối cảnh phiên họp thứ 48 của Hội đồng Nhân quyền, được tổ chức hôm thứ Tư 15/9, Đức ông John Putzer, đặc phái viên của Ủy ban Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Genève, nói: “Nước không phải là hàng hóa, nhưng là một biểu tượng phổ quát và là nguồn sống và sức khỏe. Do đó, cần phải đảm bảo nước uống và vệ sinh cho tất cả mọi người”.

Ngọc Yến - Vatican News

Bài phát biểu của vị đại diện Tòa Thánh được thực hiện sau Báo cáo của Tường trình viên đặc biệt về nhân quyền đối với nước uống và vệ sinh. Báo cáo nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu về nước mà nhân loại đang phải đối phó. Và điều này càng trở nên trầm trọng hơn do tài chính hóa nước, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đại dịch Covid-19.

“Tiếp cận phổ quát với nước uống là điều cơ bản nhằm thúc đẩy nhân phẩm luôn là ưu tiên của Tòa Thánh”, Đức ông Putzer khẳng định, đồng thời nhắc lại lời của Đức Thánh Cha: “Tiếp cận nước uống là quyền cơ bản và phổ quát của con người, vì nó cần thiết cho sự sống còn của con người và như vậy, là điều kiện để thực hiện các quyền khác của con người”. Đức ông nói thêm: “Thế giới của chúng ta có một món nợ xã hội nghiêm trọng đối với người nghèo, những người không được tiếp cận với nước uống, vì họ bị từ chối quyền được sống phù hợp với phẩm giá không thể chuyển nhượng của họ”.

Sau đó đi vào thực tế, đại diện Tòa Thánh nhấn mạnh rằng “mặc dù có tiến bộ về công nghệ”, việc tiếp cận nguồn nước uống “không có trong tầm tay của tất cả mọi người”. Một “khoảng cách” hiện đang “ngày càng trầm trọng hơn do tác hại của biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19, vốn đã làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và kinh tế, làm nổi bật thiệt hại do thiếu hoặc kém hiệu quả của các dịch vụ nước giữa những người nghèo”.

Từ điểm này, Đức ông Putzer nhắc lại thực tế rằng “khả năng tiếp cận phổ cập nước uống và vệ sinh không chỉ là ưu tiên cấp bách, xét về nhu cầu giảm thiểu rủi ro của các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”, nhưng còn là “trách nhiệm nghiêm trọng được chia sẻ bởi tất cả mọi người, để mỗi anh chị em chúng ta được hưởng một cuộc sống xứng nhân phẩm”.

Cuối cùng, đại diện Tòa Thánh hy vọng “tất cả các bên quan tâm thực hiện hành động phối hợp và đồng bộ”, để “đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được tiếp cận với nước sạch và phù hợp”. (CSR_6272_2021)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng chín 2021, 11:21