Tìm kiếm

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 

Tiếng nói của Tòa Thánh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, được tổ chức từ 25 đến 29/01. Kể từ năm 1970, cuộc gặp gỡ hàng năm này, quy tụ các vị lãnh đạo thế giới và các chuyên gia kinh tế để thảo luận về vấn đề kinh tế chung cho toàn thế giới. Năm nay, trong bối cảnh của đại dịch dẫn đến khủng hoảng kinh tế, Diễn đàn càng trở nên quan trọng và được mọi người quan tâm. Đại diện Tòa Thánh, Đức Hồng y Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện đã tham dự và có bài tham luận tại Diễn đàn này.

Ngọc Yến - Vatican News

Hiện diện hai thế giới

Trong bài tham luận, trước hết Đức Hồng y nói đến ảnh hưởng của đại dịch Covid đã làm đảo lộn hành tinh và làm cho thế giới hiểu rằng tình liên đới là điều không thể thiếu cho nhân loại. Vì vậy, theo Đức Hồng y Bộ trưởng, khi nói đến vấn đề kinh tế, các vị lãnh đạo thế giới phải quan tâm và ủng hộ phẩm giá con người một cách đặc biệt hơn. Bởi vì hiện nay, “có một thế giới, trong đó người ta có thể mua sắm tại nhà, nhằm tránh những nguy hiểm của đám đông, và có một thế giới khác, nếu muốn mua đồ dùng, thực phẩm, người ta phải đi trực tiếp đến những khu chợ, nơi không có khoảng cách an toàn. Đơn giản hơn, có một thế giới, mọi người đều có một ngôi nhà để giữ cho gia đình được an toàn, và một thế giới khác không có được sự an toàn này vì họ không có, hoặc không còn nhà nữa, một ngôi nhà xứng với tên gọi là nhà và một công việc để có thể chi trả cho ngôi nhà này. Đó là thế giới của nghèo đói”.

Covid, khám phá các liệu pháp thay thế

Đề cập đến vắc-xin, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện cho rằng, mục tiêu này vẫn còn rất mơ hồ. Hiện nay, các chính phủ chỉ tập trung vào người dân của họ. Một số quốc gia cũng có khả năng sản xuất thuốc và nếu quyền sở hữu trí tuệ được nới lỏng, họ có thể sản xuất vắc-xin tại địa phương và điều này sẽ giúp giảm tác động của sự lây nhiễm. Đức Hồng y Turkson nói: “Hiện có những chủng virus mới đáng lo ngại, ví dụ như ở Nam Phi, và nếu người ta có thể khám phá một số liệu pháp thay thế, thì điều này có thể giúp quản lý tình trạng khẩn cấp và giảm tỷ lệ tử vong”.

Các nhóm phong trào quần chúng

Bên cạnh vắc-xin, Đức Hồng y nhấn mạnh đến việc cần phải ngăn chặn tình trạng nghèo đói trước khi nó trở thành “một loại virus”.  Chính vì điều này, Tòa Thánh đã có bước ứng phó nhanh chóng nhờ Ủy ban Covid-19 do Đức Thánh Cha thành lập, một đội đặc nhiệm gồm các chuyên gia với nhiệm vụ nghiên cứu những gì đang xảy ra và đề xuất tầm nhìn cho tương lai. Đức Hồng y giải thích: “Trong một thời gian, chúng tôi đã tham gia vào cái mà chúng tôi gọi là ‘các nhóm phong trào quần chúng’. Chúng tôi đã xác định ba lĩnh vực chính: đất đai, công việc và nhà cửa. Ba mục tiêu này là những gì chúng ta đang theo đuổi hiện nay để đảm bảo rằng mọi người có một nơi để ngủ, và điều này cũng có nghĩa là bảo vệ gia đình và sự an toàn và hạnh phúc cho các gia đình”.

Tình liên đới tạo nên anh chị em

Để đạt được điều này, Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia ý thức đặt “con người ở trung tâm”. Vì vậy, phải quan tâm cách đặc biệt đến phẩm giá con người. Đó là một vấn đề cần phải được chú ý và trở thành một lựa chọn chính trị và một hướng cho hành động. Tại một thời điểm nhất định  chúng ta cố gắng tạo ra một nền tảng với các chính sách kinh tế xã hội có khả năng chăm sóc lẫn nhau, bởi vì gia đình nhân loại là một gia đình liên kết duy nhất. Và khi chúng ta thực hành tình liên đới, chăm sóc nhau, thì tình huynh đệ nhân loại sẽ nảy sinh và được lan truyền.

Mọi người đều có quyền tiếp cận vắc-xin

Những nội dung được vị đại diện Tòa Thánh, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện nói đến trong bài tham luận, cũng đã được các nhà lãnh đạo thế giới đề cập đến trong các bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.

Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức tái khẳng định quyền tiếp cận vắc-xin là của mọi người. Theo thủ tướng Đức, với “vết thương mới, ký ức mới” ở chân trời của cuộc khủng hoảng virus đòi hỏi “tính minh bạch, chủ nghĩa đa phương, các quy tắc chung về môi trường và công việc”. Bà  Angela Merkel chỉ ra các mục tiêu và ưu tiên đối với nền kinh tế và thị trường, và nhận định rằng sự phục hồi của thế giới bị khựng lại do đại dịch, nhất thiết phải đi từ một cách tiếp cận đa phương, minh bạch và công bằng cho mọi người. Bắt đầu với sự tiếp cận của tất cả các cộng đồng trên thế giới đối với vắc-xin. Bà nói: “Càng ngày tôi càng thấy rõ rằng chúng ta cần một cách tiếp cận đa phương và sự tự cô lập sẽ không giải quyết được các vấn đề của chúng ta”. Bà Merkel cảnh báo: “Chúng ta không được ảo tưởng. Vấn đề về khả năng tiếp cận vắc-xin trên thế giới rõ ràng sẽ để lại những vết thương và ký ức mới. Bởi vì ai nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp này sẽ ghi nhớ nó. Điều quan trọng sẽ là sự phân phối liều lượng hợp lý. Vấn đề không phải là tiền, vấn đề là sự phân phối công bằng”.

Điều thủ tướng Đức nhấn mạnh đã được lặp lại bởi Cyril Ramaphosa, tổng thống Nam Phi và đương kim chủ tịch Liên châu Phi: việc phân phối vắc-xin theo thị trường không thể khiến các nước nghèo hơn bị loại ra ngoài lề. Nhà lãnh đạo Nam Phi, một quốc gia đã ghi nhận có gần một nửa số ca tử vong trên tổng số của toàn lục địa, lưu ý rằng “các quốc gia giàu có trên thế giới đã cố gắng có được tất cả các liều thuốc. Một số thậm chí đã mua gấp bốn lần nhu cầu”. Ông kết luận: “Chúng ta sẽ không bao giờ an toàn nếu một số quốc gia tiêm chủng cho toàn dân và những quốc gia khác thì không thể”.

Mô hình kinh tế

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về một cuộc tấn công vào mô hình tư bản hiện tại. Ông khẳng định mô hình chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường không còn hoạt động được nữa. Tuy nhiên, chắc chắn mô hình này không thể ra đi nhanh chóng, vì chúng đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ. Mặt trái của nó là cùng lúc đó đã trục xuất khỏi chu kỳ sản xuất hàng trăm triệu công dân khác, những người đã phải chịu những cú sốc kinh tế liên quan đến việc tái định cư, mất việc làm và cảm thấy mình mất đi sự hữu ích. Sau đó, ông Macron chỉ ra “sự không kết nối giữa tài chính hóa và chuỗi giá trị” và nhấn mạnh rằng “mạng xã hội đã toàn cầu hóa trí tưởng tượng, khiến mọi người đối đầu với nhau trên quy mô chưa từng thấy trước đây”. Bằng cách này, chúng ta đã tạo ra hai bộ mặt của hệ thống, người sản xuất và người tiêu dùng, và cái giá phải trả đặt lên vai người lao động. Và điều này đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng dân chủ.

Thách đố toàn cầu và hành động toàn cầu

Tại Diễn đàn, chuyên gia kinh tế Franco Bruni, giáo sư tại đại học Bocconi đã nói về những cách khả thi của các hành động toàn cầu. Giáo sư Bruni nhấn mạnh rằng không chỉ những vấn đề cấp bách nhất phải được giải quyết cùng nhau, mà đó còn là cách duy nhất để tránh việc cuối cùng tất cả mọi người đều bị trừng phạt. Ông quả quyết: bắt đầu với G20 mà năm nay do Ý chủ trì. Theo chuyên gia kinh tế, vấn đề toàn cầu đầu tiên phải được giải quyết, không thể trì hoãn thêm nữa, đó là nợ của các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh phải tìm ra cách để xóa các khoản nợ hoặc trong mọi trường hợp biến chúng thành một thứ gì đó bền vững trong một thời gian dài. Ông nhắc lại cách đại dịch đã làm gia tăng đáng kể gánh nặng nợ nần và xác định vấn đề này không còn có thể hoãn lại được nữa.

Vấn đề bất bình đẳng được đặt lên hàng đầu

Về vấn đề bất bình đẳng, ông Bruni nhận định rằng, hệ thống tư bản trong mười hay mười lăm năm qua đã tạo ra những rạn nứt nghiêm trọng: một số chạy về phía trước nhưng hầu hết đều bị trừng phạt. Đặc biệt, có một khoảng cách về công nghệ cần phải can thiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, cần phải có quan điểm rõ ràng. Chúng ta phải hiểu rằng một số thay đổi hiện nay là không thể đảo ngược và chúng ta phải bảo vệ người lao động, không chỉ riêng công việc. Nó không chỉ có nghĩa là tránh sự sa thải mà thay vào đó là đào tạo và đồng hành cùng người lao động để họ tham gia một cách hiệu quả theo những cách mới.

Khẩu hiệu: phục hồi và hợp tác

Giáo sư kết luận: Mục đích của Diễn đàn lần này là thúc đẩy khởi động lại từ việc suy nghĩ lại các mô hình kinh tế hiện tại để đối diện với những thách đố  toàn cầu lớn, bắt đầu từ đại dịch với những tác động tàn phá của nó đối với nền kinh tế và xã hội. Và khẩu hiệu là “cải thiện các điều kiện của thế giới” thông qua sự phát triển hợp tác giữa các quốc gia, bảo vệ hành tinh, phục hồi kinh tế, số hóa, cuộc chiến chống bất bình đẳng. Niềm tin cơ bản - đại dịch Covid-19, đã chỉ ra rằng không một thể chế hay cá nhân nào, một mình có thể giải quyết những thách thức kinh tế, môi trường, xã hội. Và năm 2021 là một năm quan trọng để xây dựng lại lòng tin.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng hai 2021, 08:53