Tìm kiếm

120920_9aem.jpg

ĐTC tiếp các Cộng đoàn “Laudato Sì”

Sáng thứ Bảy 12/9, Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn các “Cộng đoàn Laudato Sì”, một phong trào nảy sinh từ ý tưởng của Đức cha Domenico Pompili, Giám mục Rieti và ông Carlo Petrini, chủ tịch của Slow Food. Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đã ca ngợi những sáng kiến của các Cộng đoàn. Đó là những sáng kiến tập trung vào hệ sinh thái toàn diện được đề nghị từ Thông điệp Laudato Sì.

Ngọc Yến - Vatican News

Sau khi giải thích tại sao chúng ta phải quan tâm đến hệ sinh thái toàn diện, Đức Thánh Cha chia sẻ với các tham dự viên hai từ chính khi nói về sinh thái học toàn diện: chiêm ngắm và lòng trắc ẩn.

Trước hết chiêm ngắm. Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay, thiên nhiên bao quanh chúng ta không còn được chiêm ngưỡng, nhưng bị ‘ngấu nghiến’. Chúng ta trở thành những người ‘phàm ăn’, bị lệ thuộc vào lợi nhuận và kết quả tức thời bằng mọi giá. Nhìn vào thực tế chúng ta thấy rõ điều này: các hoạt động nhanh hơn, mất tập trung, hời hợt. Chúng ta bị bệnh tiêu thụ, chúng ta quan tâm đến mệt mỏi với các ‘ứng dụng’ mới nhất, nhưng không biết tên những người hàng xóm, càng không biết phân biệt cây này với cây kia xung quanh chúng ta. Và với lối sống này, điều làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn đó là chúng ta quên mất cội nguồn, không còn biết ơn đối với những gì chúng ta đã lãnh nhận”.

Theo Đức Thánh Cha để không quên, chúng ta phải trở lại chiêm ngắm; để không bị phân tâm bởi một ngàn thứ vô ích, cần tìm lại sự tĩnh lặng; để tâm hồn không bị bệnh, cần phải dừng lại. Điều này không dễ. Ví dụ, chúng ta cần phải giải thoát mình khỏi sự giam cầm của chiếc điện thoại, để nhìn vào đôi mắt của những người xung quanh và thụ tạo đã được ban tặng cho chúng ta.

Từ thứ hai là lòng trắc ẩn. Theo Đức Thánh Cha đây là hoa trái của sự chiêm ngắm. Và một người có lòng trắc ẩn là người có cái nhìn của Thiên Chúa, vượt lên trên những lý thuyết, để nhìn thấy nơi người khác là những anh chị em cần phải trân trọng. Tất cả đều là anh chị em của một gia đình duy nhất, sống trong cùng một ngôi nhà. Dưới ánh mắt của Chúa, chúng ta không bao giờ là những người xa lạ. Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa trái ngược với sự thờ ơ của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Lòng trắc ẩn của chúng ta là vacxin tốt nhất chống lại đại dịch của sự thờ ơ. ‘Điều đó không liên quan đến tôi’. Đây là câu nói của sự thờ ơ. Trái lại, những người có lòng trắc ẩn đi từ ‘Tôi không quan tâm đến bạn’ đến ‘Bạn quan trọng đối với tôi’. Nhưng lòng trắc ẩn không phải là một cảm giác tốt, lòng trắc ẩn phải tạo ra một liên kết mới với người khác, như người Samaritanô nhân hậu, động lòng trắc ẩn, chăm sóc người bất hạnh không hề quen biết (Lc 10,33-34).

Thế giới cần lòng bác ái sáng tạo và hiệu quả này, thế giới cần những người không đứng trước màn hình để bình luận, nhưng dấn thân để xóa bỏ sự xuống cấp và khôi phục nhân phẩm. Có lòng trắc ẩn là một sự lựa chọn: đó là lựa chọn không có kẻ thù và nơi mỗi người đều nhìn thấy người thân cận của tôi.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Điều này không có nghĩa là trở nên mềm yếu và từ bỏ đấu tranh. Những ai có lòng trắc ẩn bước vào cuộc chiến đấu khó khăn hàng ngày chống lại sự lãng phí và vứt bỏ. Thật đau lòng khi nghĩ đến việc có bao nhiêu người bị loại bỏ không thương tiếc: người già, trẻ em, công nhân, người khuyết tật… Và những thứ lãng phí gây tai tiếng. FAO đã ghi nhận, trong một năm ở các nước công nghiệp phát triển, hơn một tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Chúng ta hãy giúp nhau chống lãng phí và vứt bỏ, chúng ta yêu cầu những lựa chọn chính trị kết hợp giữa tiến bộ và công bằng, phát triển và bền vững cho tất cả mọi người, để không ai bị tước đoạt đất đai mà họ đang sống, không khí tốt mà họ thở, nguồn nước mà họ có quyền uống và thực phẩm có quyền ăn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

12 tháng chín 2020, 15:40