Tìm kiếm

Displaced Sudanese families wait to receive food from a charity kitchen, in the city of Omdurman

Vì nội chiến, sự hiện diện của Giáo hội dường như không còn ở Sudan

Cuộc nội chiến diễn ra lần thứ ba ở Sudan đã gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn đất nước, đặc biệt là Giáo hội Công giáo. Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết hiện nay ở đất nước Phi châu này không có chủng sinh và hầu như không có sự hiện diện của Giáo hội Công giáo.

Vatican News

Từ ngày 15/4/2023, các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra giữa quân đội do tổng thống Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF), do phó tổng thống đứng đầu đã làm cho hơn 13.900 người thiệt mạng và hơn 8,1 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết, tình trạng bi thảm này đã làm giảm sự hiện diện của Giáo hội Công giáo ở Sudan “gần như không còn gì”. Bà Kinga Schierstaedt, người đứng đầu dự án của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Sudan, lưu ý rằng trước chiến tranh, người Công giáo chỉ chiếm 5% dân số. Bà cho biết mặc dù không được phép tuyên xưng đức tin một cách công khai, Giáo hội Công giáo có thể điều hành một số bệnh viện và trường học.

Người dân Sudan luôn coi Giáo hội là “nơi trú ẩn an toàn” và khi chiến tranh nổ ra, nhiều người đến ở trong các nhà thờ. Tuy nhiên, nhiều nhà truyền giáo và cộng đoàn tu trì đã buộc phải rời khỏi đất nước nên các giáo xứ, bệnh viện và trường học đã ngừng hoạt động.

Chủng viện dự bị Khartoum cũng đóng cửa. Một số chủng sinh đã tìm cách trốn sang quốc gia láng giềng Nam Sudan, để được tiếp tục đào tạo. Nhiều Kitô hữu đã phải đi bộ hoặc vượt sông Nile để rời quê hương, và cuối cùng phải vào các trại tị nạn, nơi cuộc sống còn “là một trận chiến hàng ngày”.

Trong khi đó, Đức cha Michael Didi, Giám mục Khartoum vẫn chưa thể trở lại thành phố, còn Đức cha Tombe Trile, Giám mục El Obeid hiện sống trong thánh đường vì nhà cửa đã bị phá hủy một phần.

Tuy nhiên, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hy vọng Giáo hội vẫn có thể tiếp tục tồn tại trước sự tàn phá do xung đột. Dấu hiệu cụ thể đó là trong Đêm Vọng Phục sinh vừa qua, 16 người đã được rửa tội tại Port Sudan, và 34 người lớn đã được Thêm sức ở Kosti. Đó là niềm hy vọng giữa bóng tối.

Sudan và Nam Sudan có chung hội đồng giám mục. Từ dấu chỉ hiệp nhất này, Tổ chức tiếp tục hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và những nạn nhân của bạo lực chiến tranh. Bà Schierstaedt nói: “Giáo hội ở Nam Sudan đang chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai bằng cách giúp đỡ các Kitô hữu Sudan chuẩn bị cho hòa bình ngày mai”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

15 tháng tư 2024, 10:56