Tìm kiếm

Điểm sách - Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh

Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Tôi muốn chọn một chủ đề mà tất cả mọi người chúng ta đều lưu tâm tới: đó chính là chủ đề cầu nguyện, đặc biệt là lời cầu nguyện Kitô giáo, nghĩa là lời cầu nguyện mà chính Đức Giêsu và Giáo hội vẫn tiếp tục dạy chúng ta. Quả thật, chính nhờ Đức Giêsu mà con người có khả năng đến gần Thiên Chúa một cách sâu sắc thân tình trong tương quan hiền phụ và tình con thảo.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh

Tác giả: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Nguyên tác: L’uomo in Preghiera

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

Kính thưa quý độc giả,

Lời của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI

Tôi muốn chọn một chủ đề mà tất cả mọi người chúng ta đều lưu tâm tới: đó chính là chủ đề cầu nguyện, đặc biệt là lời cầu nguyện Kitô giáo, nghĩa là lời cầu nguyện mà chính Đức Giêsu và Giáo hội vẫn tiếp tục dạy chúng ta. Quả thật, chính nhờ Đức Giêsu mà con người có khả năng đến gần Thiên Chúa một cách sâu sắc thân tình trong tương quan hiền phụ và tình con thảo.

Trong các chương sách sắp tới, qua tiếp cận Kinh Thánh, truyền thống vĩ đại của các Giáo phụ trong Giáo hội, của những Bậc Thầy về linh đạo và về Phụng vụ, chúng ta hãy học cách sống mối tương quan của mình với Chúa, một cách mãnh liệt đặc biệt hơn nữa trong “trường học cầu nguyện”. Quả thật, chúng ta cần biết rõ rằng, việc cầu nguyện thì không được coi như là tự nhiên mà có được. Cần phải học cách thức cầu nguyện, như thể đón nhận nghệ thuật cầu nguyện một cách đầy tươi mới; ngay cả những người đã rất tiến bộ trong đời sống tâm linh, cũng luôn cảm thấy cần phải đến học cầu nguyện nơi Thầy Giêsu một cách chân thực nhất.

Nhận xét của độc giả

Cuốn sách Cầu Nguyện trên nền tảng Kinh Thánh này chính là một lộ trình dẫn tới sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa! Cuốn sách này có thể được ví như một bản đồ chỉ đường, một chiếc la bàn, một ngọn hải đăng cho đời ta. – Anna Paolicelli

Tuyển tập những giáo huấn này là một lời mời gọi để gia tăng kiến thức về cầu nguyện trong đời sống Giáo hội. Vì tình yêu chỉ có thể có được qua sự hiểu biết, cuốn sách này lôi cuốn chúng ta bước vào một đời sống sâu sắc hơn trong cầu nguyện và thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. – Plinio Almeida Barbosa

Cuốn sách này chính là một bản tổng lược các giáo huấn phong phú của ngài về cầu nguyện. Khi được đọc cuốn sách này, thì những lời cầu nguyện của tôi sẽ trở nên tốt hơn, và hướng tới kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Nếu bạn đang tìm kiếm một điều gì đó tương tự, thì cuốn sách này sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. – Jerry Dwyer

Nội dung (Chương I, II – Lời cầu nguyện Ki-tô giáo & Lịch sử cầu nguyện)

Con người thuộc mọi thời đại đều biết cầu nguyện, bởi vì họ không ngừng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc sống, điều vẫn còn mờ tối và làm cho họ trăn trở. Cuộc sống con người mà không có cầu nguyện thì sẽ trở nên vô nghĩa và mất định hướng.

Trong chương đầu tiên này, tác giả muốn đưa ra một vài gương mẫu về việc cầu nguyện trong các nền văn hóa cổ xưa, để chứng tỏ rằng con người hầu như ở mọi thời mọi nơi đều biết cách quy hướng về Thượng Đế như thế nào.

Với nền văn minh Ai Cập cổ xưa. Một người mù, qua việc cầu xin thần linh phục hồi thị lực cho mình, chứng tỏ một điều gì đó phổ quát của loài người, đó là một lời cầu nguyện trong sáng và đơn sơ của một con người đang chịu khổ đau. Người ấy đã cầu nguyện rằng: “Lòng tôi mong ước được thấy ngài… Ngài đã làm cho tôi cảm nhận sự tối tăm, xin hãy tạo ra ánh sáng cho tôi, để tôi có thể được thấy ngài! Xin hãy ghé mắt yêu thương của ngài xuống trên tôi”. Xin cho tôi được thấy ngài; đó chính là trọng tâm của lời cầu nguyện!

Trong các tôn giáo vùng Mesopotamia, người ta ý thức được sự trầm trọng của các tội lỗi làm cho ra tê liệt, nhưng cũng không thiếu niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu chuộc và giải thoát. Điển hình, lời cầu nguyện của một tín hữu như sau: “Lạy Thiên Chúa là Đấng nhân từ ngay cả đối với những tội lỗi trầm trọng nhất, xin tha thứ mọi tội lỗi cho con... Xin hãy bẻ gãy gông cùm cho con, xin hãy tháo cởi những xiềng xích đang trói buộc con”. Tất cả những cách diễn tả trên cho thấy, dù còn rất mơ hồ, nhưng một đàng, con người đã trực giác được về các tội lỗi của mình, đàng khác, trực giác được về một vị Thiên Chúa xót thương và nhân từ.

Trong các vùng ngoại giáo của Hy Lạp cổ đại, tuy vẫn còn là những lời kêu cứu thần linh trợ giúp trong các tình huống khác nhau của cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, Socrates, được coi là một trong những vị sáng lập ra tư tưởng Tây phương, đã cầu nguyện như sau: “Xin ban cho con vẻ đẹp nội tâm của linh hồn! Còn vẻ bên ngoài, xin cho con chấp nhận những gì con có, để sống hài hòa với con người nội tâm. Xin cho con coi người khôn ngoan là giàu có; và cho con có được sự giàu sang mà chỉ những người biết tự chủ mới có thể gánh vác và chịu đựng nổi mà thôi”.

Cả nơi người dân thành Rôma, Hoàng đế Máccô Aurêliô (Marcus Aurelius) – một triết gia suy tư về những hoàn cảnh của nhân loại – đã khẳng định sự cần thiết phải cầu nguyện để thiết lập một sự hợp tác có hiệu quả giữa hoạt động của thần linh và hoạt động của con người.

Quả thật, trong từng lời cầu nguyện, luôn diễn tả sự thật của bản tính con người, một đàng sống kinh nghiệm sự yếu đuối và bất xứng.

Thưa quý thính giả, trong những mẫu gương về cầu nguyện của nhiều thời đại và nhiều nền văn minh khác nhau này chứng tỏ rằng, con người ý thức được tình trạng thụ tạo của mình, và sự lệ thuộc vào Một Đấng Khác cao trọng hơn mình, và là suối nguồn của mọi sự thiện.

Tác giả viết, tự bản chất, con người là tôn giáo, họ là con người tôn giáo (homo religiosus). Con người tôn giáo không những chỉ liên quan đến thế giới cổ đại, mà còn trải qua toàn bộ lịch sử nhân loại. Về mặt này, lãnh địa phong phú của kinh nghiệm con người đã phát sinh ra các hình thức khác nhau về cảm thức tôn giáo, trong cố gắng đáp ứng ước vọng được sung mãn và hạnh phúc, sự cần thiết của ơn cứu độ, việc tìm kiếm ý nghĩa.

Hơn nữa, một cuộc sống mà không có chân trời siêu việt sẽ không có một ý nghĩa trọn vẹn và niềm hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều hướng tới, tất cả chúng ta đều tìm kiếm, một cách tự nhiên, nhắm thẳng về một tương lai của ngày mai chưa tới. Chúng ta cần mở lòng ra cho một điều gì khác, cho một cái gì đó hay một người nào đó có thể cho họ những gì họ thiếu, có thể thỏa mãn chiều rộng và chiều sâu khát vọng của mình.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức viết tiếp, anh chị em thân mến, chúng ta hãy học cách ở lại lâu giờ hơn trước mặt Thiên Chúa, chúng ta hãy học biết nhận ra trong sự thinh lặng, và trong tận sâu thẳm cõi lòng mình, tiếng nói của Đấng kêu gọi và dẫn đưa chúng ta trở lại tận những nơi sâu thẳm của cuộc sống chúng ta, tới suối nguồn sự sống, tới nguồn ơn cứu độ, để giúp chúng ta vượt thắng những giới hạn của mình, và mở lòng ra cho cho tương quan với Đấng là Tình Yêu Vô Biên.

Mục lục

Tác phẩm gồm 44 chương, trong đó nêu ra những nguyên tắc nền tảng cho đời sống cầu nguyện. Tác giả đã khởi đi từ những điều mà chúng ta có thể học hỏi qua những gương mẫu về cầu nguyện, được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, văn hóa và nhiều thời đại khác nhau.

Tiếp đến, tác giả chuyển qua giáo huấn về cầu nguyện trong Kinh Thánh, bắt đầu từ tổ phụ Ápraham, rồi tới Môsê, các ngôn sứ, các Thánh vịnh, cầu nguyện theo gương Đức Giêsu.

Sau đó, tác giả rút tỉa những kiến thức phong phú từ những bậc thầy thiêng liêng, từ các vị thánh, và trong phụng vụ của Giáo hội.

Qua cuốn sách quý giá này, tác giả không những đưa ra giáo huấn về cầu nguyện, mà chính ngài đã bước vào đời sống ẩn dật, âm thầm lặng lẽ, để sống đời cầu nguyện chiêm niệm tại nội thành Vatican, để cầu nguyện cho mọi người, để đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội và cho thế giới hôm nay.

Tác phẩm “Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh”, đây là một tài liệu không chỉ quý giá mà còn cần thiết. Một món quà thân thương của một người cha hiền gửi đến các con cái. Một bản đồ chỉ đường giúp con người đạt tới Thiên Chúa. Chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ thu lượm được nhiều ân phúc khi đọc và thực hành những lời chỉ dẫn trong sách này. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng một 2023, 00:41