Tìm kiếm

Cha Joseph Igweagu Cha Joseph Igweagu 

Hơn 100 linh mục và tu sĩ bị bắt cóc, giam giữ và sát hại trong năm 2022

Trong năm 2022, có hơn 100 linh mục và tu sĩ bị bắt cóc, giam giữ hoặc bị sát hại. Trong số đó, ít nhất có 12 linh mục và 5 nữ tu bị sát hại trong khi thi hành sứ vụ.

Ngọc Yến - Vatican News

Số linh mục và tu sĩ bị sát hại

Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (Acs), với 4 linh mục bị giết, Nigeria là quốc gia có số nạn nhân cao nhất. Tiếp đến là Mexico, có 3 linh mục bị giết trong khi làm mục vụ bởi các thành viên của băng đảng ma túy, và Cộng hòa Dân chủ Congo 2 linh mục bị bắn chết ở miền đông.

Trong năm 2022, có 5 nữ tu bị sát hại. Đứng đầu danh sách là sơ Luisa Dell'Orto, ở Haiti, vào tháng 6; sơ Mary Daniel Abut và sơ Regina Roba, ở Nam Sudan, vào tháng 8; sơ Maria de Coppi, ở Mozambique, vào tháng 9; sơ Marie-Sylvie Vakatsuraki, bị giết vào tháng 10 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Số linh mục và tu sĩ bị bắt cóc

Cũng trong năm 2022, có 42 linh mục bị bắt cóc và tới nay đã có 36 vị được tự do. Ba trong số các linh mục bị bắt cóc ở Nigeria đã bị giết và Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ không thể có được thông tin về tình trạng của hai trong số các linh mục Nigeria bị bắt cóc. Số phận của linh mục thừa sai người Đức, cha Hans-Joachim Lohre, bị bắt cóc vào tháng 11 ở Mali vẫn chưa có tin tức. Hai linh mục bị bắt cóc vào năm 2019, cha Joel Yougbaré ở Burkina Faso, và cha John Shekwolo của Nigeria, vẫn không có tin tức, nâng tổng số linh mục mất tích lên 5 vị.

Nigeria là quốc gia xảy ra nhiều vụ bắt cóc nhất, với tổng số 28 vụ. Tiếp đến là Cameroon với 6 vụ và Haiti với 5 linh mục bị bắt cóc nhưng đã được tự do. Ethiopia, Philippines và Mali mỗi nơi có một linh mục bị bắt cóc, tất cả đều được tự do, ngoại trừ cha Hans-Joachim Lohre ở Mali.

Nigeria cũng chiếm phần lớn các nữ tu bị bắt cóc vào năm 2022, với 7 trường hợp. Tiếp đến là Burkina Faso và Cameroon, mỗi nơi có một vụ bắt cóc nữ tu. Tất cả các nữ tu này sau đó đã được tự do.

Số giáo sĩ bị giam giữ

Ít nhất 32 giáo sĩ bị giam giữ, được cho là một biện pháp đe dọa và ép buộc. Các trường hợp gần đây nhất liên quan đến 4 linh mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina làm việc trong lãnh thổ Ucraina nhưng Nga chiếm đóng, đã bị bắt trong lúc hoạt động mục vụ. Hai trong số này sau đó đã được trả tự do và “trục xuất” về lãnh thổ Ucraina, nhưng hai vị khác vẫn bị giam giữ.

Nicaragua là một quốc gia đáng lo ngại. Mười một giáo sĩ đã bị bắt giam trong cuộc đàn áp của chính phủ đối với Giáo hội Công giáo. Trong đó bao gồm 2 chủng sinh, 1 phó tế, 1 giám mục và 7 linh mục.

Một trường hợp khác gần đây liên quan đến việc bỏ tù một giám mục và hai linh mục ở Eritrea. Hai tháng đã trôi qua kể từ khi các vị bị bắt nhưng không có lời giải thích nào từ chính quyền.

Gần như không thể biết chính xác số linh mục và giám mục Công giáo bị giam giữ tại Trung Quốc trong năm 2022. Theo thông tin mà Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ thu thập được, các giáo sĩ của Giáo hội hầm trú nhiều lần bị chính quyền bắt cóc trong một thời gian để buộc họ phải gia nhập Giáo hội được nhà nước công nhận. Một ví dụ là sự mất tích của ít nhất 10 linh mục, tất cả đều thuộc cộng đoàn hầm trú Baoding (Hà Bắc), từ tháng 1 đến 5/2022.

Ngoài những trường hợp này, một linh mục đã bị bắt ở Myanmar trong các cuộc biểu tình chống lại chế độ. Một số nữ tu và hai phó tế cũng đã bị bắt ở Ethiopia trong cuộc xung đột Tigray vào cuối năm 2021, nhưng được tự do trong năm 2022.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng mười hai 2022, 11:08