Tìm kiếm

Điểm sách - Thần học Mattheu – Thần học về Tin mừng Mattheu

Tin mừng Mátthêu là một tài liệu Kitô giáo gốc Do Thái ý nghĩa nhất của Tân Ước. Đối với Mátthêu, câu truyện của Chúa Giêsu là một chuyện kể căn bản về cộng đoàn của ông từ lúc được Chúa Giêsu đang sống triệu tập cho tới khi gắn bó với sứ mạng cho Dân ngoại sau khi bị Israel loại bỏ. Câu truyện Chúa Giêsu của Mátthêu vì được cắm sâu trong cộng đoàn của ông chẳng khác gì lễ Ngũ tuần trong Israel – nên cũng là nền tảng nặng tính Do Thái của nền thần học của ông.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Thần học Mattheu – Thần học về Tin mừng Mattheu

Nguyên tác: New Testament Theology - The Theology of the Gospel of Matthew

Tác giả: Ulrich Luz - Giáo sư nghiên cứu về Tân Ước Viện Đại học Bern

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR.

Ngày nay các Tin mừng rất hiếm khi được đọc trong sự trọn vẹn của chúng, từ đầu đến cuối. Thay vì đọc hết, giáo dân thích chọn các đoạn văn họ dành riêng cho việc đọc Kinh thánh hằng ngày của mình, có lẽ lấy từ quyển sách các bài giảng. Các mục tử cũng y như thế: họ cần các đoạn văn trích từ các Tin mừng để giảng hay dạy dỗ. Các thần học gia thường sử dụng các Tin mừng như một thứ nguồn tài liệu hay “trung tâm tài liệu”, sử dụng các đoạn văn từ các tài liệu ấy để chứng minh chân lý thần học này hay chân lý thần học khác. Người ta vẫn có thể cảm được tình hình này trong việc nghiên cứu Tin mừng: đó đây các Tin mừng vẫn bị mô tả là các sách gồm các đoạn văn hay sách các bài đọc, nghĩa là, như các sưu tập các truyền thống về Chúa Giêsu.

Có một số lý do vì sao hiếm khi người ta đọc các Tin mừng từ đầu đến cuối. Một lý do rất quan trọng là chúng ta biết rõ các sách ấy - hay nghĩ rằng mình biết. Các sách ta biết rõ ấy thiếu hẳn yếu tố hồi hộp ta cảm được khi đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn. Thay vào đó, người ta lại thích đọc từng đoạn riêng hơn để làm sống lại hồi ức. Nhưng như thế là đã coi nhẹ một nghiên cứu rất quan trọng: mọi Tin mừng đều có một “tiến trình phát triển” nội tại từ đầu tới cuối. Mỗi Tin mừng đều có những xung đột cơ bản nảy sinh trong quá trình kể chuyện, đạt tới cao điểm và cuối cùng đưa tới một quyết định nào đó.

Tin mừng Mattheu

Đó cũng là một trong những lý do hình thành cuốn sách “Tin mừng Mattheu – Thần học về Tin mừng Mattheu”. Tin mừng Mátthêu là một tài liệu Kitô giáo gốc Do Thái ý nghĩa nhất của Tân Ước. Đối với Mátthêu, câu truyện của Chúa Giêsu là một chuyện kể căn bản về cộng đoàn của ông từ lúc được Chúa Giêsu đang sống triệu tập cho tới khi gắn bó với sứ mạng cho Dân ngoại sau khi bị Israel loại bỏ. Câu truyện Chúa Giêsu của Mátthêu vì được cắm sâu trong cộng đoàn của ông chẳng khác gì lễ Ngũ tuần trong Israel – nên cũng là nền tảng nặng tính Do Thái của nền thần học của ông.

Trong tác phẩm này, tác giả Ulrich Luz vừa phác họa vừa làm sáng tỏ nội dung và bố cục của trình thuật Mátthêu, nhấn mạnh tới những điểm chính: Bài giảng trên Núi, các Phép lạ, các dụ ngôn, việc từ bỏ của cải, cánh chung. Người ta chú ý đặc biệt đến nền thần học về phán xét của Mátthêu qua các việc làm, một ý tưởng ngay tức khắc thách thức và đè nặng các Kitô hữu hiện nay và cũng là một kết quả tự nhiên của một sự phân chia đau đớn giữa cộng đoàn của Mátthêu với đại đa số dân Israel.

Kỹ thuật văn chương

Bên cạnh đó, kỹ thuật văn chương được sử dụng trong Tin mừng Mattheu như dấu chỉ, lời ngôn sứ, các từ khoá, việc lặp lại, tính bao hàm. Tất cả những kỹ thuật văn chương này chỉ những độc giả nào chọn đọc Tin mừng này như một câu truyện liên tục chứ không đọc từng đoạn lẻ, mới có thể nhận ra được. Nhiều người rất khó nhận ra rằng những kỹ thuật ấy chỉ rõ ràng sau nhiều lần đọc.

Đó là thứ độc giả duy nhất hẳn thánh Mátthêu đã chờ mong, và chắc họ cũng đã hiện hữu vào thời của ông. Nhưng để là thứ độc giả ấy giả thiết phải có trình độ văn hóa cao ít ra nơi một số thành viên của cộng đoàn Mátthêu. Ai là độc giả Mátthêu nghĩ tới để đọc tác phẩm của mình? Có lẽ đó là các “hiền triết” hay các “ký lục” Kitô giáo (x. 23, 34; 13, 52), nhiệm vụ của họ bao gồm việc truyền lại “cái cũ” và “cái mới” cho cộng đoàn. Qua cái cũ, Mátthêu muốn nói tới Kinh thánh, qua cái mới, ông muốn nói tới các bản văn Kitô giáo như Tin mừng của ông. Bất kể trường hợp nào đi nữa, ông cũng không thể muốn nói tới toàn bộ cộng đoàn, vì đối với việc ăn học là điều tương đối hiếm trong thế giới xưa.

Nội dung

Bài Giảng Trên Núi Nhắm Vào Ai?

Bài giảng trên Núi có phải là một nền đạo đức mới cho thế giới này không? Hay đó có phải là một nền đạo đức chỉ dành cho cộng đoàn, chỉ dành cho các Kitô hữu thực hành chứ không dành cho những người nắm các chức vụ trần thế?

Đoạn kết của Tin mừng này cho thấy rằng Mátthêu không mô tả cảnh này cách tình cờ, hay bừa bãi: chính các môn đệ được chỉ thị phải chuyển giao cho Dân ngoại “mọi điều Thầy truyền dạy anh em” (28, 20). Những lời cuối cùng này trước hết ám chỉ tới Bài giảng trên Núi. Vậy Bài giảng trên Núi ấy chính là trung tâm của Nhiệm vụ Quan trọng trong việc giảng dạy cho Dân ngoại. Trong lãnh vực ấy, nhiệm vụ này cách chính xác không nhắm đến việc bị giới hạn vào trong Hội thánh. Nhưng, những người đầu tiên lãnh nhận Bài giảng trên Núi là các môn đệ. Mátthêu đặc biệt nhấn mạnh đến họ, nhưng không phải vì Bài giảng trên Núi chỉ áp dụng cho một mình họ, nhưng muốn nói đến bài giảng ấy phải được thực hiện trong các phạm vi của cộng đoàn. Cũng không phải ông nhấn mạnh tới họ chỉ vì chỉ mình họ mới phải quảng bá các mệnh lệnh của Chúa Giêsu trên trần gian. Đúng ra, ông nhấn mạnh thế là vì họ là những người đầu tiên thực hiện Bài giảng trên Núi ấy.

Như vậy, bài giảng trên Núi không phải là một nền đạo đức nội bộ của một giáo phái nào đó, thành viên của nhóm đó có cách hành xử với người ngoài khác với người trong cuộc.

Bài giảng trên Núi, đối với Mátthêu, không phải là một bài diễn văn thuộc loại một sử gia Hy Lạp có lẽ đã viết rồi. Bài ấy không nhằm mô tả “hiện tình”, không nhằm mô tả những gì Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tôn giáo vĩ đại có lẽ đã nói với các môn đệ Ngài và các đám đông người Galilea vào lúc khởi sự thừa tác vụ công khai của Ngài. Đúng ra, động lực chính của Bài giảng trên Núi là việc rao giảng của Chúa Giêsu như đang áp dụng cho hiện tại. Bài giảng ấy cung cấp nội dung của sứ vụ phải được cộng đoàn rao giảng cho thế giới này và là nguyên tắc hướng dẫn, nhờ đó cộng đoàn đo lường các công việc của mình. Bải giảng ấy không thuật lại một hồi của quá khứ có tính lịch sử, giống như một diễn văn của một chính trị gia vĩ đại trong các sách lịch sử xưa. Thay vào đó, bài giảng ấy “nói với gió” trực tiếp nhắm đến các độc giả của ngày hôm nay.

Đặc biệt, toàn bộ Bài giảng trên Núi là việc công bố ý của Thiên Chúa đối với con người là con cái Ngài và là những người được phép cầu nguyện với Cha họ vì Ngài gần gũi họ và luôn nghe họ. Bải giảng này không chỉ là một lời hứa về ơn cứu độ, cũng không phải chỉ khơi lên những đòi hỏi. Thay vào đó, bài giảng ấy trình bày một mối tương quan liên tục, đặt con người này đối diện với những người Thiên Chúa chuẩn bị để họ bước đi với những đòi hỏi Thiên Chúa áp đặt trên họ. Đồng thời, chính vì những đòi hỏi ấy, mà họ được đưa tới chỗ cảm nhận lời hứa từ chính Thiên Chúa, Đấng luôn ở giữa con người trước khi họ ở với Ngài.

Người ta có thể nói rằng Bài giảng trên Núi trước hết có liên quan tới lời cầu nguyện của những người tích cực hay động lực chính của bài giảng ấy là sự công chính hóa nhờ một mình ân sủng của những người theo đuổi sự công chính.

Cuộc Phán Xét

Bài giảng trên Núi kết thúc với một cái nhìn hướng đến cuộc Phán Xét Cuối cùng. Vậy cuộc phán xét ta đang bàn tới ở đây là cuộc phán xét dựa trên điều gì?

Cuộc phán xét ta đang bàn tới ở đây là cuộc phán xét về việc làm. Vấn đề là việc phải quyết định chặt cây nào có dựa trên nền tảng hoa quả của cây ấy chăng (7, 20). Mátthêu không phân biệt giữa việc làm của Kitô hữu, những người không vượt qua được thử thách của cuộc phán xét với các Kitô hữu khác, là những cá nhân, có thể thoát khỏi việc xét xử “như thể trải qua lửa vậy”.

Trái lại, chỉ các việc họ làm thôi mới quyết định số phận của họ với tư cách cá nhân. Điều này rõ ràng trong ví dụ về các tiên tri giả, tác giả Tin mừng này không đồng ý với họ trong câu kết: “Không phải những người kêu ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào nước trời đâu mà chỉ những ai làm theo ý Cha tôi trên trời mới được vào thôi” (7, 21). Mối tương quan đích thân của ta với Đức Giêsu Kitô trên trời, sự hứng khởi Ngài ban cho ta làm ngôn sứ, đặc sủng Ngài ban cho ta để thực hiện các việc quyền năng và trừ quỷ - không việc nào trong các việc ấy có tính quyết định vào Ngày Chung thẩm, trừ những công việc của ta.

Hơn nữa, điều này áp dụng cách bình đẳng cho các Kitô hữu lẫn những người không phải là Kitô hữu; điều đáng để ý là phần kết của Bài giảng trên Núi không phân biệt các thành viên của Hội thánh với phần còn lại của nhân loại.

Mục lục

Chương 1: Quyển sách – Tin Mừng Mátthêu Với Tư Cách Là Một Quyển Sách Mạch Lạc, Cộng đoàn Mattheu chống lại Do thái giáo.

Chương 2: Lời tựa – Lời tựa là lời báo trước câu chuyện của Chúa Giêsu, Việc ứng nghiệm lời Kinh thánh.

Chương 3: Diễn từ trên núi – Bài giảng trên núi nhắm vào ai, Ý của Thiên Chúa.

Chương 4: Thừa tác vụ của Đức Mêsia và các môn đệ ngài trong Israel – Tin mừng Mattheu là một câu chuyện có tính bao hàm về Chúa Giêsu, Các truyện phép lạ, con David là người làm phép lạ.

Chương 5:Các nguồn gốc của cộng đoàn môn đệ trong Israel – Các cuộc rút lui khỏi Israel của Chúa Giêsu, Diễn từ thứ ba của Chúa Giêsu, Hội thánh trong Israel.

Chương 6: Đời sống của cộng đoàn môn đệ - Con đường từ đỉnh núi xuống thung lũng, việc từ bỏ của cải.

Chương 7: Việc tính toán cuối cùng với Israel và việc xét xử của cộng đoàn – Cánh chung học của Mattheu, Cuộc phán xét của cộng đoàn.

Chương 8: Cuộc khổ nạn và phục sinh – Việc chối bỏ của Israel, con đường của các môn đệ đến với dân ngoại.

Chương 9: Các ý tưởng kết thúc – Mattheu và lịch sử Hội thánh, Mattheu và các Ki-tô hữu hôm nay.

Tác phẩm “Thần học Mattheu” nhằm đào sâu các chủ đề và các vấn đề thần học trong Thần học Mattheu mà không bị ràng buộc với khuôn khổ của sách chú giải hay với cấu trúc theo chủ đề được cung cấp từ những nơi khác. Tập sách này sẽ vừa tìm cách mô tả nền thần học của mỗi tài liệu vừa tham gia về mặt thần học vào tài liệu đó, khi cũng lưu ý đến bối cảnh qui điển của sách ấy và bất cứ ảnh hưởng đặc biệt nào tài liệu ấy có thể có đối với lịch sử của đức tin và đời sống Kitô giáo. Tập sách nhắm tới những ai đã có ít là một hay hai năm học trọn thời gian về Tân Ước và thần học trước đó.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

18 tháng mười một 2022, 12:51