Điểm sách - Như lằn rẽ sóng của một con tàu đẹp
Văn Cương, SJ - Vatican News
Tác phẩm: Như lằn rẽ sóng của một con tàu đẹp
Tác giả: ĐHY Raniero Cantalamessa
Nguyên tác: Comme Le Sillage D’un Beau Vaisseau
Chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng
Kính thưa quý độc giả,
Tác phẩm nhỏ này tập hợp những bài suy niệm của tác giả ở Phủ Giáo hoàng, trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong các Mùa Vọng năm 2010 và 2011, với mục đích góp một phần nhỏ vào nỗ lực tái Phúc Âm hóa thế giới, một công cuộc ngày nay đang huy động toàn lực Giáo hội.
Tựa đề mà tác giả chọn cho cuốn sách nhỏ này lấy cảm hứng từ một hình ảnh của Charles Péguy nói về kinh nguyện Kitô giáo như lằn rẽ sóng của một con tàu xinh xắn, bắt đầu bằng một điểm - hai bàn tay chắp lại của Đức Giêsu, và mở rộng cho đến khi mất hút tận chân trời. Hình ảnh này áp dụng ở đây cho việc rao giảng của Giáo Hội, cũng bắt đầu bằng một điểm - việc loan báo Phúc Âm, là việc phát triển theo thời gian và không gian, cho đến khi cung cấp cho chúng ta hôm nay một nguồn rất phong phú về giáo lý, luật pháp và thể chế, nhưng phải không ngừng bắt đầu lại từ điểm này.
Nội dung
Gieo hạt, rồi… đi ngủ
Điều mà các sử gia nghiên cứu về nguồn gốc Kitô giáo đã không ghi nhận, hoặc coi là không quan trọng, là sự tin chắc không lay chuyển mà những Kitô hữu ngày xưa, ít ra những phần tử ưu tú trong số họ, đã có về sự tốt đẹp và chiến thắng cuối cùng cho chính nghĩa của họ. “Các ông có thể giết chết chúng tôi, nhưng làm hại được chúng tôi thì không bao giờ”, thánh Giustinô tử đạo đã nói trong tác phẩm Apologia gửi hoàng đế Rôma. Cuối cùng, chính sự tin chắc thanh thản này đã bảo đảm cho họ chiến thắng, đã thuyết phục giới cầm quyền chính trị hiểu rằng những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ đức tin Kitô giáo là vô ích.
Theo tác giả, đây là điều chúng ta cần nhất ngày nay: đánh thức nơi các Kitô hữu, ít nhất nơi những người muốn hiến mình cho công cuộc tân Phúc Âm hóa này, sự tin chắc thâm sâu về chân lý của những gì họ loan báo.
Chúng ta phải là những người đầu tiên tin vào những gì chúng ta loan báo, thật sự tin vào điều đó. Cùng với Phaolô, chúng ta phải có thể nói được rằng: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2Cr 4,13). Sự thành công của công cuộc tân Phúc Âm hóa sẽ tùy thuộc vào phẩm chất đức tin mà cuối cùng người ta gây dựng được trong Giáo Hội, nơi chính những người rao giảng Phúc Âm.
Đúng là chúng ta đang thấy trước mắt một thế giới bị chủ thuyết thế tục giam hãm, say sưa với những thành công của kỹ thuật và những khả năng do khoa học cung cấp, chống lại bất cứ việc công bố Phúc Âm nào. Nhưng thế giới như những Kitô hữu đầu tiên đã thấy, tức văn hóa Hy Lạp đầy khôn ngoan và Đế quốc Rôma đầy quyền lực, liệu có ít chắc chắn hơn về bản thân và ít dị ứng hơn với Phúc Âm không?
Nhiệm vụ cụ thể, mà Đức Giêsu giao phó cho chúng ta qua hai dụ ngôn trên, là gieo hạt. Gieo đầy tay, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Người gieo trong dụ ngôn ra đi gieo hạt không quan tâm đến việc một phần hạt giống rơi trên đường và một phần khác rơi vào bụi gai. Cứ nói thẳng ra người gieo giống này, bên ngoài dụ ngôn, là chính Đức Giêsu! Vì trong trường hợp này, người ta không thể biết trước đâu sẽ là mảnh đất tốt, hay cứng như nhựa đường và bóp nghẹt như bụi gai. Chính đây là chỗ tùy thuộc vào sự tự do của con người, mà con người không thể tiên liệu và Thiên Chúa lại không muốn vi phạm.
Vì vậy, cứ gieo hạt, rồi... đi ngủ! Nói cách khác, cứ gieo hạt nhưng đừng ngồi đó suốt ngày để xem và đánh giá kết quả. Hạt bén rễ và tăng trưởng không phải là việc của chúng ta, nhưng là của Chúa và của người nghe.
Giống như lằn rẽ sóng của một con tàu đẹp
Tác giả viết, tôi đã nói rằng qua nhiều thế kỷ, các người đón nhận lời loan báo đã thay đổi, nhưng chính lời loan báo thì không. Tuy nhiên, tôi phải làm rõ câu quả quyết cuối cùng này. Đúng là điều cốt yếu của lời loan báo thì không thể thay đổi, nhưng cách trình bày, những ưu tiên, điểm phát xuất của chúng ta trong việc loan báo này, có thể và phải thay đổi.
Đức Giêsu không chỉ là đối tượng của lời Giáo Hội loan báo, sự việc được Giáo Hội loan báo. Hãy cẩn thận đừng giản lược Ngài như chỉ có vậy mà thôi! Làm như thế là quên đi sự phục sinh của Ngài. Trong lời loan báo của Giáo Hội, chính Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục nói qua Thần Khí của Ngài; Ngài vẫn còn là chủ thể loan báo. Hãy tưởng tượng lằn rẽ sóng của một con tàu. Lằn rẽ bắt đầu bằng một điểm là mũi tàu, điểm này mở rộng dần dần, cho đến khi mất hút ở chân trời và cuối cùng chạm vào hai bờ biển đối diện nhau.
Vậy lời rao giảng khởi đi từ đâu? Từ bất cứ điểm nào của lằn rẽ nước, hay từ đầu nhọn? Sự phong phú lớn lao về giáo lý và định chế có thể trở thành một bất lợi, nếu chúng ta sử dụng nó để giới thiệu bản thân cho những con người đã hoàn toàn mất liên lạc với Giáo Hội, không còn biết Đức Giêsu là ai. Hẳn giống như mặc cho đứa trẻ một trong những bộ đồ gấm vóc rộng thùng thình và nặng nề mà các giám mục và linh mục mặc trong một số dịp nào đó. Bộ đồ sẽ làm đứa trẻ bị ngộp.
Người ta không chấp nhận Đức Giêsu dựa vào lời của Giáo Hội, nhưng chấp nhận Giáo Hội dựa vào lời của Đức Giêsu.
Mục lục
Trong phần đầu (các bài suy niệm trong Mùa Vọng 2011), tôi muốn xác định bốn thời điểm được đánh dấu bằng sự tăng tốc hoặc nối lại việc dấn thân truyền giáo, đó là: Ba thế kỷ đầu tiên của đời sống Kitô giáo, trong đó chúng ta chứng kiến những tầng lớp lớn của Đế quốc Rôma gia nhập đạo, mà tác nhân chính là các giám mục; từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX: chúng ta chứng kiến một cuộc tái Phúc Âm hóa châu Âu sau các cuộc xâm lăng của dân man di, lần này là nhờ các đan sĩ; thế kỷ XVI, với việc khám phá ra “Tân Thế giới” và các dân ở đây vào đạo, nhờ các thành viên của các dòng tu; thời đại chúng ta, trong đó chúng ta thấy Giáo hội dấn thân vào việc tái Phúc Âm hóa một Tây phương đã tục hóa, nơi mà giáo dân đang ở tuyến đầu.
Trong phần thứ hai (các bài suy niệm trong Mùa Vọng 2010), khi tiếp tục suy tư về việc Phúc Âm hóa thời nay, chúng ta nghiên cứu một số thách thức lớn nhất mà việc loan báo Phúc Âm ngày nay phải đối mặt - chủ thuyết khoa học vô thần, chủ thuyết duy lý và việc thế tục hóa - trong khi vẫn nêu bật giải đáp mà đức tin Kitô cho phép chúng ta đương đầu với mỗi chủ thuyết. Chúng ta cam kết đưa ra chìa khóa cho cuộc đối thoại, hơn là luận chiến, theo tinh thần giống như Phêrô, trong lá thư đầu tiên, khuyên bảo các Kitô hữu trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình “cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,15tt).
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.