Tìm kiếm

Điểm sách - Đức Kitô của cuộc biến hình

Đức Giêsu biến hình “trước mặt các ông”. Ngài đã không biến hình trước mặt mọi người, không phân biệt, trong tiếng ồn ào của đám đông, mà chỉ trước một vài người, trước những người đã bỏ lại dưới chân núi cha mẹ, bạn bè, công việc, và đã đáp lại lời kêu gọi nhập đoàn với Ngài, tách riêng.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Đức Ki-tô của cuộc biến hình

Tác giả: ĐHY. Raniero Cantalamessa

Chuyển ngữ: Lm. Trần Đình Quảng

Cuộc Biến Hình của Đức Kitô trong những trang sách này sẽ được xem xét trong một khía cạnh đặc biệt, không phải như một trình thuật Phúc Âm thuần túy cho bằng như một mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô. Qua “mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô” - phù hợp với ý nghĩa truyền thống của linh đạo Latinh – tác giả muốn nói đến một biến cố Lịch sử trong cuộc đời Đức Giêsu mang một ý nghĩa cứu độ, nghĩa là có giá trị gương mẫu và nguồn ơn cho các chi thể trong thân thể của Ngài là Giáo Hội.

Tác giả: Nếu theo dõi các kỳ tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Roma cho ĐTC, các hồng y, giám mục, linh mục và một số nhân viên, quý vị sẽ nhìn thấy hình ảnh ĐHY Raniero Cantalamessa trong vai trò người hướng dẫn kỳ tĩnh tâm.

Nội dung

“Người biến hình trước mắt các ông”

Câu hỏi 1: “Đức Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình” là có nghĩa gì?

Tác giả miêu tả như sau, Đức Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình và “đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao” (Máccô). Ba chi tiết này nhấn mạnh khía cạnh khác thường của biến cố, nó tách khỏi lĩnh vực tự nhiên và nhịp sống hằng ngày, và trong một chiều kích khác, được tạo ra do sự thinh lặng, quạnh hiu, cách xa mọi sự.

Chúng ta có thể hỏi, vậy đâu là “chỗ ở” của chúng ta mà chúng ta phải ra khỏi, đâu là những thực tại và bận tâm mà chúng ta phải loại bỏ? Mỗi người sẽ không khó để xác định, cho chính mình. Nhưng cần có điểm dừng. Hãy xem Giacob: trước khi vật lộn với Thiên Chúa, ông đã một mình vượt qua sông Yabboq, để các bà vợ, các nữ tỳ, các đàn vật và mọi sự khác ở bên kia (x. St 32,23).

Như chúng ta thấy, Đức Giêsu biến hình “trước mặt các ông”. Ngài đã không biến hình trước mặt mọi người, không phân biệt, trong tiếng ồn ào của đám đông, mà chỉ trước một vài người, trước những người đã bỏ lại dưới chân núi cha mẹ, bạn bè, công việc, và đã đáp lại lời kêu gọi nhập đoàn với Ngài, tách riêng.

Câu hỏi 2: “Chúng con xin dựng ba lều” có ý nghĩa gì?

Đề nghị dựng ba lều thường được thánh Augustinô giải thích rằng sau khi được hưởng niềm vui chiêm ngắm, Phêrô muốn không còn phải quay trở lại với những công việc và sự náo động đang chờ đợi mình ở dưới đồng bằng. Augustinô khám phá ra nơi Phêrô, như cảm nghiệm trước, những cảm giác - nếu không nói là cám dỗ - mà một giám mục trải qua khi suy niệm về đoạn Phúc Âm này.

“Mệt mỏi và buồn chán với đám đông, Phêrô tìm thấy lợi ích của cô tịch trên núi, nơi Đức Kitô là bánh nuôi linh hồn ông. Vậy tại sao ông phải xuống để lại phải mệt mỏi và buồn chán, khi ông cảm thấy mình được tràn đầy tình yêu thánh thiện đối với Thiên Chúa và cảm xúc của ông gợi hứng cho ông một lối sống thánh thiện?”30

Những lời bây giờ thánh Augustinô nói với Phêrô là những lời ngài nói với chính mình và với từng giám mục trong cùng hoàn cảnh:

“Này ông Phêrô, xin ông xuống núi; hẳn ông muốn nghỉ ngơi trên núi: xin ông xuống núi. Xin ông công bố lời Chúa, sửa chữa, khuyên nhủ, khích lệ, với tất cả sự kiên nhẫn và quyền giảng dạy của ông. Xin ông làm việc, đừng quản ngại mệt nhọc, thậm chí chấp nhận những đau khổ, cực lòng (...). Bài ca bác ái nói rằng “bác ái không tìm tư lợi” (...). Này ông Phêrô, hạnh phúc này, Đức Kitô để dành cho ông sau khi chết. Còn bây giờ Ngài bảo ông: “Hãy xuống núi để ra sức làm việc cho thế gian, để phục vụ thế gian, để bị khinh khi, bị đóng đinh ở thế gian”.

Tác giả tiếp tục, chiêm niệm là một điều tốt, và trong mức độ tùy thuộc vào chúng ta, nó phải được ưu tiên hơn hoạt động. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả hai việc, là bác ái. Bác ái có thể khiến một số người từ bỏ hành động, một số khác từ bỏ chiêm niệm. Trên thực tế, không phải là từ bỏ chiêm niệm, mà là sống nó theo một cách khác. Quả thực, nếu người ta không thể và không được hoạt động trong chiêm niệm (hoạt động, đặc biệt là hoạt động trí óc, làm xáo trộn sự chiêm niệm đích thực), thì mặt khác, người ta có thể và phải chiêm niệm trong hoạt động.

Chắc chắn không thể cứ ở mãi trên Tabor; nhưng người ta có thể... mang nó bên mình. Thánh nữ Catarina Sienna, cũng bị thúc đẩy đi trên những nẻo đường thế giới, “dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, đã xây dựng trong tâm hồn một phòng nhỏ bí mật.

Giữa các hoạt động của chúng ta, ngay cả trong một cuộc trò chuyện hoặc một cuộc họp, như thánh Gioan Thánh Giá đã nói, chúng ta có thể “ra ngoài mà không ai nhìn thấy”, để leo lên Tabor bên trong chúng ta. Không cần rút lui lâu. Một phần giây là đủ, một cái nhìn đơn giản bên trong hoặc một ý nghĩ là đủ để tiếp xúc cứu độ với Đấng vô hình. Sau đó, chúng ta trở lại để lắng nghe, làm việc sẵn sàng hơn trước, giống như người nắn lại bánh lái và lặng lẽ bắt đầu chèo.

Câu hỏi 3: “Họ chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su mà thôi” có nghĩa gì?

“Chỉ một mình Đức Giêsu mà thôi” hiển nhiên không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng Đức Giêsu là nơi duy nhất mà Thiên Chúa Ba Ngôi bày tỏ mình trọn vẹn và hành động có lợi cho loài người.

Cuối cùng, trên bình diện cá nhân, có biết bao chương trình chứa đựng kiểu nói này! Chúng ta có thể đặt biết bao thực tại của cuộc đời mình bên cạnh Đức Giêsu: Đức Giêsu và tiền bạc, Đức Giêsu và nghề nghiệp, Đức Giêsu và tự do cá nhân, Đức Giêsu và những niềm an ủi. Nếu chúng ta làm cho tiếng kêu này vang lên trong chính chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, chỉ một mình Chúa mà thôi!” thì giống như thể chúng ta ném một viên sỏi vào một cây to có rất nhiều chim đang hót. Những ý tưởng, những dự án, những lo lắng vô ích bay đi như bao cánh chim; khi ấy một khoảng lặng an bình tuyệt vời mở ra trong trái tim.

Có lời chép rằng khi Môsê từ Sinai đi xuống, ông không biết bộ mặt mình đã trở nên rạng rỡ “vì ông đã được đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34,29). Hy vọng rằng, khi từ núi Tabor của chúng ta đi xuống, để tiếp tục công việc hằng ngày, bộ mặt của chúng ta cũng giống như vậy mà chúng ta không hay biết, sẽ tỏa ra một chút an bình và thanh thản có được từ những gì chúng ta đã chiêm ngắm trên núi thánh.

Mục lục

Chương đầu tiên sẽ bàn về ý nghĩa và đoạn cuối cuộc hành hương của chúng ta: những chứng nhân tận mắt nhìn thấy sự cao cả của Chúa. Sau đó là hai chương được quan niệm như một buổi sáng lên núi Tabor, nơi chúng ta sẽ dành thời gian để chiêm ngắm Đức Kitô: Người biến hình trước mắt các ông và Vấn đề là biết Ngài

Chương bốn sẽ đề cập về: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Các chương tiếp theo sau sẽ nói về: Ngôi lời đã trở nên người phàm, Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Tác phẩm “Đức Ki-tô của cuộc biến hình” dày 200 trang trên khổ giấy 13.5 x 20.5 cm với mục đích không gì khác hơn là ủng hộ việc chiêm ngắm Đức Kitô, bằng cách giúp cho độc giả có một ước muốn cháy bỏng, và nuôi dưỡng việc chiêm ngắm này nhờ những mạc khải rực rỡ của Kinh Thánh và những trực giác sâu xa nhất của các Giáo Phụ. Cuốn sách nhỏ này muốn bổ túc cho loạt bài suy niệm về “các mầu nhiệm Đức Kitô trong đời sống Giáo Hội”; quả thực nó tiếp tục suy tư về mầu nhiệm Giáng Sinh, phép rửa của Đức Kitô và lời rao giảng của Ngài, về mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm lễ Ngũ Tuần. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

17 tháng mười một 2022, 12:48