Tìm kiếm

Điểm sách - Đau khổ và sự chữa lành

Con người không thể trưởng thành mà không trải qua những đau khổ. Đau khổ có nhiều mặt: nó có thể do sự vô trách nhiệm của con người, do những hoàn cảnh ngẫu nhiên và không lường trước được, nhưng nó đã được khắc ghi trong quy luật của tự nhiên; động lực của sự chia ly là một bất biến trong cuộc sống con người.

Văn Cương, SJ - Vatican News Tiếng Việt

Tác phẩm: Đau khổ và sự chữa lành - làm thế nào để tích cực hóa những mất mát của con người.

Tác giả: Arnaldo Pangrazzi

Nguyên tác: El Duelo: Cómo elaborar positivamente las pérdidas humanas

Chuyển ngữ: Lm. GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD

ĐAU KHỔ. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÍCH CỰC HÓA NHỮNG MẤT MÁT, đối diện với một đề tài căn bản của cuộc sống con người: sự mất mát người thân.

Đó là một kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống nhưng ít được nghiên cứu hoặc thảo luận. Vấn đề không được giải quyết bằng cách cố gắng không nói về nó: đúng hơn, công việc phức tạp đối với những người phải đối diện với nó ngày hôm nay và sự khó chịu cho những người sẽ phải sống với nó trong tương lai, tức là đối với mỗi chúng ta, bởi vì sự chia ly đang và sẽ hình thành luôn tạo thành một phần di sản của chúng ta.

Cuốn sách là kết quả những kinh nghiệm của tác giả, với tư cách là người điều hành các nhóm hỗ trợ khác nhau được sinh ra để giúp đỡ và liên kết với những người đang phải chịu mất mát: cha mẹ thương tiếc đứa con mới sinh, góa phụ có con nhỏ, bệnh nhân ung thư, người thân của những người đã chết trong bệnh viện, người thân của những người tự tử và một nhóm giúp hạn chế những người có ý định tự tử.

Nội dung: Nhiều loại mất mất

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:Một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất” (Gv 3,6).

Lịch sử của mỗi con người chứa đựng vô vàn những mất mát liên tục khắc ghi sự bấp bênh và tạm thời của mọi ràng buộc và mọi thực tại. Rất nhiều trong số những mất mát này không được chú ý đến trong chuỗi sống hàng ngày, những tổn thất khác để lại những vết hằn lớn, những vết hằn này tồn tại suốt cuộc đời. Sự trưởng thành của một người gắn liền với khả năng của họ trong việc xử lý những mất mát trong cuộc sống.

Những mất mát “nhỏ” chuẩn bị cho việc đối diện với những chia ly lớn, được đại diện bởi hai cuộc chia ly lớn nhất là: sinh và tử. Cuộc sống luôn có những mất mát khác nhau hoặc những chia ly đặc trưng như: sức khoẻ, những tương quan tình cảm, những giai đoạn phát triển, của cải vật chất, tính cách cá nhân, nhữn giá trị con người và tinh thần, ảo tưởng và kỳ vọng, văn hoá, sự ra đi của người thân,… Vậy chúng ta cùng đi vào tìm hiểu chi tiết hơn về một số hình thức mất mát:

Mất mát những mối tương quan tình cảm: Huyết mạch của cuộc sống là các mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Mỗi người, trong dòng chảy cuộc sống, đều có cơ hội thiết lập những hiểu biết và kết nối các mối quan hệ với nhiều người khác nhau. Có những cuộc chia tay do hoàn cảnh bắt buộc. Có những chia ly do ghen ghét hoặc hận thù. Đôi khi chỉ cần một lời nói không phù hợp, một cử chỉ bất ngờ, một hành vi bất công và mối quan hệ tan vỡ. Niềm tin biến thành ngờ vực và thay vì trìu mến giờ cảm thấy bực bội và bất bình.

Mất căn tính cá nhân: Sự chia ly ít biểu lộ ra bên ngoài, nhưng lại phải chịu đựng rất nhiều bên trong, đó là nhận thức về việc đánh mất căn tính của chính mình. Một người đã từng đánh mất niềm tin vào bản thân, không còn biết mình đang cảm nghĩ gì và muốn gì, người đó khó chấp nhận bản thân ở mức độ thể lý, hoặc ở mức độ suy nghĩ hay cảm xúc, hay việc đánh mất các vai trò xã hội, với các đặc quyền hoặc sự công nhận gắn liền với họ, có thể gây ra các rối loạn về căn tính cá nhân của một người.

Mất những thứ chưa từng có: Mất mát thường được nghĩ về những gì bạn đã có và những gì bạn đã bỏ lỡ. Nhưng có thể nói về sự mất mát ngay cả khi thực tế mơ ước, mong muốn và chưa bao giờ có được. Sự mất mát đó có thể được sống chung bởi một dân tộc khao khát tự do nhưng lại bị áp bức bởi các chế độ độc tài. Cảm giác mất mát này cũng có ở đứa trẻ chưa bao giờ được gặp cha mẹ ruột của mình và sống trong sự thiếu vắng mối dây quan trọng này.

Những gợi ý cho người gặp đau khổ

Việc lựa chọn để yêu một ai đó luôn phải kèm theo điều không thể tránh khỏi đó là sự đau khổ. Sớm hay muộn cũng phải đến lúc nói lời “từ biệt”: như vậy tình yêu luôn có khuôn mặt của sự đau khổ. Nhưng cuộc sống cũng cho chúng ta những danh mục gợi ý dành cho người đau khổ, những chia sẻ dưới đây của tác giả được tạo ra từ kinh nghiệm lắng nghe những giọng nói và lời chứng của những người đang trong đau khổ, để phác thảo một hành trình phát triển dựa trên việc sử dụng tích cực thời gian để phục vụ cho niềm hy vọng.

Học cách từ bỏ: Từ bỏ không có nghĩa là quên đi người thân hay bớt yêu thương họ, mà liên quan đến khả năng giải phóng những cảm giác ràng buộc chúng ta với họ, nhưng cũng có trách nhiệm chấp nhận những nỗi sợ hãi và hy vọng thuộc về chúng ta.

Nói ra những gì mình cảm nhận: Cách để giải tỏa nỗi đau là nói lên phản ứng và tâm trạng của chính mình, tin tưởng vào các biểu đạt của cơ thể trong việc truyền tải cảm xúc của con người: nước mắt truyền tải nỗi buồn, nỗi sợ hãi run rẩy, một cái ôm trìu mến, một nụ cười, sự lạc quan.

Đưa ra những quyết định: Tất cả mọi thứ chúng ta yêu mến đều có thể bị lấy đi khỏi chúng ta; điều không thể tước đoạt khỏi chúng ta là sức mạnh để lựa chọn thái độ nào khi đối diện với những sự kiện này

Và còn nhiều gợi ý khác như: Kiên nhẫn với chính mình – Học cách tha thứ - Tìm đến niềm tin của chính mình – Tin tưởng vào chính mình – Thiết lập những mối quan hệ mới – Nở nụ cười trở lại.

Mục lục

Các chương được viết dựa trên sự giải thích về chủ đề mất mát (chương 1), để dừng lại ở phần sau của quá trình đau buồn đi kèm với bất kỳ cuộc chia ly nào, làm sáng tỏ nguyên nhân và đặc điểm của nó (chương 2). Chương 3 đề cập đến vấn đề cụ thể về sự mất mát một người thân yêu và những sự kiện quyết định trong việc xây dựng nên nỗi đau buồn; chương 4 tóm tắt các phản ứng điển hình của quá trình đau buồn; và chương 5 là những phản ứng tiêu biểu. Chương 6 cung cấp hướng dẫn về những gì cần làm để vượt qua nỗi đau; chương 7 đề cập đến việc phát sinh nỗi đau ở trẻ em, thường ít được quan tâm. Hai chương cuối có một phần thực hành: Chương 8, dành cho những người đang có tang, phác thảo một số hành trình chữa lành thông qua việc chấp nhận các thái độ và hành vi tích cực; chương 9, dành cho những người giúp đỡ người đang đau khổ, đề xuất các chỉ dẫn cụ thể để an ủi người đau khổ. Chương 10 minh họa sự đóng góp của tình liên đới và hy vọng mà Giáo hội có thể hỗ trợ những người đang gặp tang tóc.

Tác phẩm “Đau khổ và sự chữa lành” dày 210 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, Cuốn sách như là cẩm nang giúp mỗi người chúng ta có thể hiểu được những nỗi đau mà con người phải chịu đựng khi mất đi người thân yêu; những triệu chứng thông thường và bất thường, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn để giúp ta có thể đồng hành với những người đang đau khổ.

Sách này có tính chất tâm lý mục vụ, đặc biệt hữu ích cho những ai đang làm công tác mục vụ như các Linh mục, Nam – nữ Tu sĩ, tuyên úy bệnh viện, các nhà tư vấn tâm lý, những ai thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ bệnh nhân,...

Xin lưu ý, đọc cuốn sách sẽ không chữa lành cho ai bị đau buồn, bởi vì mỗi người phải học cách chữa lành bản thân, tuy nhiên, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai phải đối diện với nỗi đau mất mát.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng chín 2022, 10:47