Giáo hội tại Campuchia giúp công nhân giải quyết nạn quấy rối
Trong nỗ lực mới nhất, ủy ban công nhân của Hạt Đại diện Tông Tòa Phnom Penh đã tổ chức một cuộc hội thảo cho 30 công nhân ở thủ đô Phnom Penh, theo tờ Catholic Campuchia, cơ quan truyền thông của Giáo hội địa phương.
Ông Mao Srey Keo, thư ký của ủy ban và điều phối viên của chương trình cho biết họ đã quy tụ người lao động với nhau để hiểu thêm về nạn quấy rối tại nơi làm việc và hướng dẫn người lao động cách bảo vệ bản thân và đồng nghiệp khỏi bị đối xử ngược đãi trong các nhà máy.
Ông cho biết ủy ban đến thăm công nhân trong các nhà máy hàng tháng để biết về những bất bình của họ và để vượt qua những thách thức trong cuộc sống cá nhân, cũng như công việc của họ.
Diễn giả chính bà Neou Sovatha, một quan chức từ tổ chức Chăm sóc Campuchia, một tổ chức phát triển chống đói nghèo quốc tế, khuyên người lao động nhận thức được các quyền hợp pháp của họ để chống lại nạn quấy rối.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Campuchia có luật lao động quốc gia bao gồm hợp đồng lao động, tiền lương, phúc lợi và không phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, dự án Borgen, một nhóm toàn cầu chống lại đói nghèo, lưu ý rằng bất chấp luật pháp, công nhân công nghiệp, đặc biệt là công nhân may mặc, phải đối mặt với hành vi quấy rối và lạm dụng thường xuyên cũng như mất an toàn việc làm do hợp đồng có thời hạn, phân biệt giới tính, môi trường làm việc áp lực cao, vi phạm luật lao động trẻ em và việc chính phủ quản lý các công đoàn lao động.
Chương trình giúp ích cho người lao động
Ou On, 41 tuổi, một công nhân của nhà máy may mặc Quảng Đông, cho biết cô đã học cách đối phó với những hành vi quấy rối như lạm dụng tình dục tại nơi làm việc, “Tôi sẽ động viên các đồng nghiệp của mình và nói với họ rằng: Đừng sợ, chúng ta phải đấu tranh. Chúng ta phải dám cùng nhau giải quyết vấn đề của mình”, cô nói.
Seng Sarith, một thợ điện 28 tuổi, cho biết: “Tôi nghĩ rằng một chương trình như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho người lao động. Chương trình này là một vườn ươm để thay đổi suy nghĩ của chúng ta về quyền lợi của chúng ta với tư cách là người lao động.”
Mao Srey Keo cho biết chương trình sẽ tiếp tục với các cuộc họp ít nhất hai lần một tháng, các cuộc cắm trại và hội thảo. (Ucanews 09/05/2022)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.