Tìm kiếm

Điểm sách - Cầu nguyện là lẽ sống

• Các bạn đừng chờ đợi cho đến lúc thích cầu nguyện mới cầu nguyện, vì chính lúc các bạn không còn ham thích cầu nguyện nữa lại là lúc các bạn cần phải cầu nguyện hơn cả. • Chỉ có đức tin mới có thể phát sinh ra lòng ước muốn cầu nguyện. Ước muốn cầu nguyện chính là một kết quả của cầu nguyện rồi vậy.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tuần này, chúng ta cùng đến với tác phẩm: Cầu nguyện là lẽ sống

Bản gốc: PRIER POUR VIVRE, 1961

Tác giả: R. VOILLAUME

Việt ngữ: Thanh Bằng

Kính thưa quý thính giả,

Ngày nay nhân loại khám phá ra mình có khả năng tổ chức đời sống trần gian theo một cách dễ dãi và giàu có hơn. Dĩ nhiên công cuộc khám phá này thường kèm theo sự kiêu căng của trí tuệ, sự cám dỗ của quyền lực, và đôi khi cả việc từ khước Thiên Chúa … Tuy nhiên, đó không phải là lý do đích đáng để chúng ta từ chối không hăng hái cộng tác vào công cuộc kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn. Và khi dấn thân vào công cuộc kiến tạo vũ trụ, chúng ta đừng để mình chỉ mải miết vào công cuộc đó. Cho rằng có cần thiết, có hào hứng, và có phong phú đến mấy đi nữa, công việc đó cũng vẫn có tính cách “tạm bợ”. Nó không thể giải quyết vấn đề Tuyệt Đối và thỏa mãn niềm khát vọng không thể hủy diệt khỏi trái tim con người.

Đối với nhân loại hiện đang mơ ước một ngôi nhà đẹp hơn và vui hơn ở trần gian, công cuộc cầu nguyện vẫn chưa lỗi thời. Dù tương lai có thế nào đi chăng nữa, con người cũng vẫn không thể không chiêm ngưỡng những sự đời đời, không thể không nhìn ngắm Thiên Chúa và cầu nguyện với Người. Tuy nhiên, đôi khi chính chúng ta cảm thấy chán nản, uể oải, khó khăn và trốn tránh việc cầu nguyện với Thiên Chúa.

Do đó, chúng ta được mời gọi cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, bởi lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại trực diện với Chúa Cha, một cuộc đối diện không biến hóa và cũng không thể biến hóa được. Đối với Ngài, không có vấn đề khó khăn trong việc cầu nguyện, cũng như không có vấn đề phương pháp cầu nguyện. Tuy nhiên Đức Giêsu đã cầu nguyện thực sự với tư cách là một con người, và là một con người đích thực.

Nơi lời cầu nguyện của Đức Giêsu, chúng ta được thấy, trước hết là lời cầu nguyện của một người con như mọi người con ở trần gian này. Chúng ta thấy Người đi vào cô tịch để cầu nguyện, không phải chỉ để làm gương cho chúng ta, mà còn để chứng tỏ rằng vì là con người như mọi người, Người cảm thấy cần phải cầu nguyện. Tiếp đó, Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện với tư cách là vị Thủ Lãnh của tất cả chúng ta, Ngài đã cầu nguyện nhân danh tất cả chúng ta.

Đến đây, chúng ta có thể quay lại với câu hỏi nền tảng của cuốn sách, cũng như đời sống Kitô hữu, Tại sao tôi cần cầu nguyện?

Theo tác giả, mỗi chúng ta cần cầu nguyện bởi vì:

·         Khi gọi bạn theo Người, Đức Giêsu cũng đã gọi bạn cầu nguyện với Người. Mỗi khi bạn khởi sự cầu nguyện, bạn hãy tự hỏi: tôi sẽ làm gì, và tại sao tôi làm như vậy?

·         Bạn cần cầu nguyện, trước hết vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn; do đó bạn phải trở về với Ngài. Cầu nguyện thực ra không khác gì trọng lực, nguyên nhân phát động và thôi thúc việc trở về với Thiên Chúa, với Sự Thiện tối cao.

·         Bạn cần cầu nguyện, vì Đức Giêsu đã yêu thương bạn trước, và bây giờ bạn yêu mến lại: tình bằng hữu đòi phải có một cuộc trao đổi thân mật trong đó bạn có thể diễn tả tình yêu của mình, và hiểu biết Thiên Chúa qua kinh nghiệm và tình yêu.

·         Bạn cần cầu nguyện, vì bạn là một tạo vật đáng thương hại và bé nhỏ, vì để sống hoàn toàn đích thực là mình, bạn phải biểu lộ thân phận lệ thuộc của mình bằng cách cầu khẩn Thiên Chúa dùng sự sung mãn của Người để lấp đầy sự thiếu thốn của bạn.

·         Sau cùng, vì Đức Giêsu Cứu Thế, bạn phải cầu nguyện để cùng cứu rỗi nhân loại với Người, không phải bằng việc chia sẻ thập giá với Người, mà còn bằng việc cầu nguyện liên tục, bằng việc dự phần vào lời cầu nguyện của Người khi ở vườn Cây Dầu. Bạn cũng là người có trách nhiệm lo đến phần rỗi các linh hồn.

Như vậy, giáo huấn Tin Mừng về việc cầu nguyện có thể tóm lại trong hai đặc tính sau đây.

·         Điểm thứ nhất: cầu nguyện là đoan hứa rằng Thiên Chúa sẽ đến gặp chúng ta khi Người muốn và như Người muốn. Đây là phần việc của Thiên Chúa, và là phần việc quan trọng, vì nó làm cho chúng ta có hy vọng lời cầu nguyện của mình sẽ được hoàn tất trong Người. Và chúng ta sẽ không phải thất vọng.

·         Điểm thứ hai: cầu nguyện là một lời mời gọi khẩn thiết phải kiên nhẫn bất chấp những gì sẽ xảy đến, bất chấp cả những điều xem ra bất lợi. Và đó chính là phần việc của chúng ta.

Theo tác giả, nêu muốn biết cầu nguyện, chỉ có một điều cần thiết là hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và luôn luôn biết bắt đầu lại mà không bao giờ chán, cả khi không nhận được “hồi âm”, thậm chí không có một kết quả trông thấy nào. Đức Giêsu đã nhấn mạnh việc phải kiên nhẫn như thế, vì Người biết rằng đó là một điều khó khăn đối với chúng ta là những con người ưa thay đổi và mới mẻ.

Đến đây tác giả cũng khuyên chúng ta, là những người có xu hướng chỉ làm theo những điều mình thích khi có tâm trạng chán nản cầu nguyện như sau:

·         Các bạn đừng chờ đợi cho đến lúc thích cầu nguyện mới cầu nguyện, vì chính lúc các bạn không còn ham thích cầu nguyện nữa lại là lúc các bạn cần phải cầu nguyện hơn cả.

·         Chỉ có đức tin mới có thể phát sinh ra lòng ước muốn cầu nguyện. Ước muốn cầu nguyện chính là một kết quả của cầu nguyện rồi vậy.

·         Thiên Chúa lúc nào cũng mong muốn xem thấy các bạn cầu nguyện, ngay cả lúc các bạn không thích cầu nguyện, và có lẽ nhất vào lúc đó. Các bạn đừng bao giờ quên rằng mình càng ít cầu nguyện thì lại càng cầu nguyện không ra làm sao, và lại càng ít ước muốn cầu nguyện.

Ở đây, tác giả cũng trả lời cho câu hỏi, liệu đức tin có đối nghịch với giác quan, liệu có cần phải ‘đụng chạm’ như thánh Tôma thì mới tin?

Theo tác giả, đức tin không đối nghịch với giác quan, nhưng đức tin đi xa hơn giác quan. Bởi Thiên Chúa đã đề nghị với chúng ta là phải biết yêu mến “những vật hữu hình để có thể yêu mến những vật sự vô hình”. Đây là một lời rất thích hợp mà chúng ta thường đọc trong kinh tiền tụng lễ Giáng sinh và Thánh Thể. Như một ví dụ: Trong đời sống hiến thân cho tha nhân, một đời sống trong đó chúng ta đặc biệt lưu ý tới những lo âu thường nhật, những công việc, những đau khổ và những nhu cầu của tha nhân, chúng ta lại chẳng luôn luôn sống giữa những sự vật và những con người hữu hình đấy thôi.

Chính trong lúc này, tuy chúng ta không nhìn thấy Người, nhưng Người đã cho chúng ta những dấu chỉ khả giác của tình yêu trong Bánh Thánh, trong Tin Mừng, và trong lời giảng dạy của hàng giáo phẩm. Chúng ta phải làm cho đức tin trở nên sống động, hùng mạnh, thường xuyên nằm sâu trong những quyết định, xét đoán, và nhất là lời cầu nguyện của mình.

Tuy nhiên, đức tin không được lệ thuộc vào giác quan và phải biết vượt xa hơn nó mà vẫn bình thản, phải biết lôi kéo nó vào hướng đi của tình yêu phát xuất từ chính đức tin. Các bạn phải là những con người của đức tin trong khi làm việc cũng như trong lúc cầu nguyện, trong thời gian tiếp khách cũng như trong giờ yên lặng.

Tác phẩm “Cầu nguyện là lẽ sống” gồm ba phần chính, trong đó:

Phần thứ nhất - Thờ phượng trong tinh thần và chân lý: Không khí cầu nguyện, Tình bằng hữu với Đức Giêsu, Tình thân mật với Đức Kitô, Nền tảng nhân loại của sự cầu nguyện.

Phần thứ hai - Con đường cầu nguyện: Những chặng đường cầu nguyện, Con đường cầu nguyện, Chiêm niệm, Đọc và Suy niệm Thánh Kinh.

Phần thứ ba -  Cầu nguyện trong đời sống: Những người cầu nguyện thường trực, Lời cầu nguyện của dân nghèo, Tiết điệu đời sống cầu nguyện, Với Đức Giêsu trong sa mạc.

Tác phẩm “Cầu nguyện là lẽ sống” dày 174 trang trên khổ giấy 11.5 x 18.5 cm nhằm chia sẻ những gợi ý giúp cho đời sống cầu nguyện không đơn thuần chỉ là một chuỗi những hành vi rời rạc, nhưng còn là linh hồn của cả đời sống. Làm thế nào để trung thành và tiến tới trong việc cầu nguyện giữa những điều kiện của cuộc sống và công việc như phần đông giáo dân và đặc biệt là người nghèo ? Đó là nội dung của cuốn sách nhỏ này.

Kính thưa quý thính giả, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Cầu nguyện là lẽ sống” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

12 tháng tư 2022, 12:50