Tìm kiếm

Điểm sách - Giới thiệu Ngôn sứ Thánh Kinh

Trước hết, ngôn sứ của Thánh Kinh, không phải là người bói toán, người sử dụng nhiều kỹ xảo để hy vọng khám phá ý trời, ngôn sứ không phải là kẻ đoán dò tương lai mà chúng ta vẫn thấy một số người tìm đến để hỏi về tình duyên, công việc, tương lai, phú quý. Ngôn sứ cũng không phải là thầy phù thuỷ, người dùng phương thuật riêng để khám phá những bí ẩn. Nhưng ngôn sứ là kẻ được Thiên Chúa kêu gọi (nàbi’ trong nghĩa thụ động) và là kẻ nói với người khác nhân danh Thiên Chúa (nàbi’, nghĩa chủ động)

Văn Cương, SJ - Vatican News

Kính chào quý thính giả,

Tuần này, chúng ta cùng đến với tác phẩm: Giới thiệu ngôn sứ Thánh kinh

Tác giả: Lm. Bernard PHẠM HỮU QUANG, PSS

Kính thưa quý thính giả,

Trong thế giới chúng ta đang sống, nơi cho dù đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi chủ nghĩa duy vật, duy lý; nơi đang bị thống trị, điều hành bởi một nền văn minh khoa học, kỹ thuật rất tối tân…, thì cũng là nơi chúng ta thấy xuất hiện nhan nhản những chiêm tinh gia, những nhà bói toán, những người xem tử vi... Chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy chuyên mục về chiêm tinh hay bói toán trên internet với mục đích là để cho độc giả câu trả lời về công việc hay cuộc sống tương lai . Có không ít người xếp đặt tương lai hay công việc của mình cũng như người thân của mình theo những lời của các nhà bói toán, gieo quẻ, những chuyên gia xem tử vi…

Phải chăng, vấn đề này chỉ tồn tại nơi những người ngoài Công giáo, còn chúng ta là những người Công giáo thì chúng ta luôn luôn trông cậy vào chỉ mình Thiên Chúa?

Tác giả không nghĩ như vậy, cha Phạm Hữu Quang nhận xét:

Ngay cả một số người Công Giáo, dù hằng ngày vẫn đến nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, vẫn thường đi khấn Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Martinô,... nhưng sau đó lại tiếp tục đến với các nhà bói toán! Có nhiều người tay làm dấu, miệng đọc kinh nhưng lòng vẫn hướng đến sự lên đồng, bói quẻ, xin xăm...

Từ quan sát hiện tượng trên, tác giả nhận ra rằng:

Những hiện tượng và thái độ đó, một đàng, nói lên phần nào lối diễn đạt niềm tin của con người, một lối diễn đạt thô sơ, bất toàn của niềm tin vào sự hiện diện của một đấng linh thiêng nào đó. Đàng khác, chúng cũng tỏ cho thấy con người đặt niềm tin vào sự hiện hữu của một vị trung gian nào đó làm công việc chuyển giao thông tin giữa thế giới thần thiêng và thế giới con người.

Và những người làm vị trí trung gian có nhiệm vụ chuyển giao thông tin giữa thế giới con người và thế giới thần thiêng, theo như trong Sách thánh, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta gọi họ là những ngôn sứ của Thiên Chúa như các ngôn sứ quen thuộc trong Cựu Ước: Môsê, Samuel, Êlia, Êlisa... Trong Tân Ước, Gioan Tẩy Giả, Simêon, bà Anna... và nhiều người khác, đặc biệt Chúa Giêsu, được gọi là ngôn sứ.

VẬY THEO THÁNH KINH, NGÔN SỨ CÓ PHẢI LÀ NHỮNG NGƯỜI BÓI TOÁN, GIEO QUẺ. HAY NGÔN SỨ LÀ AI?

Trước hết, ngôn sứ của Thánh Kinh, không phải là người bói toán, người sử dụng nhiều kỹ xảo để hy vọng khám phá ý trời, ngôn sứ không phải là kẻ đoán dò tương lai mà chúng ta vẫn thấy một số người tìm đến để hỏi về tình duyên, công việc, tương lai, phú quý. Ngôn sứ cũng không phải là thầy phù thuỷ, người dùng phương thuật riêng để khám phá những bí ẩn. Nhưng ngôn sứ là kẻ được Thiên Chúa kêu gọi (nàbi’ trong nghĩa thụ động) và là kẻ nói với người khác nhân danh Thiên Chúa (nàbi’, nghĩa chủ động). Ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa tại vì ngài rất gắn bó với Thiên Chúa, là “người của Thiên Chúa” (‘ish ha Êlohim) và là kẻ được sai đến (mal’ak) với người khác. Nhiệm vụ của Ngôn sứ là nói cho những người khác những điều mà người khác không thấy, không hiểu, vì các ngài có những cái nhìn hoặc nhìn thấy rõ hơn (ro’eh và hozeh) những người khác.

Từ đây, tác giả khai triển ba nét đặc thù của ngôn sứ Thánh Kinh gồm: Ơn gọi - Mạc khải - Loan báo.

I. ƠN GỌI

Theo tác giả, không ai có thể tự cho mình tước hiệu “ngôn sứ”. Người ta không thể trở thành ngôn sứ bởi sáng kiến của chính cá nhân mình, nhưng bởi sáng kiến của Thiên Chúa, người ta trở thành ngôn sứ lúc nào và ở đâu là tuỳ Thiên Chúa quyết định. Chính Thiên Chúa, qua lời kêu gọi, dẫn đưa ngôn sứ vào một liên hệ mật thiết, riêng tư với Ngài.

Đức Chúa tuyển chọn những người mà Ngài nghĩ là có khả năng hoàn thành sứ mạng ngôn sứ. Như người lính không biện bác vì anh ta hoàn toàn tin thác vào khả năng lãnh đạo của quan chỉ huy mình và biết rằng vị quan chỉ huy mình sẽ luôn luôn sát cánh với mình trong các trận chiến, ngôn sứ cũng chấp nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa không lưỡng lự, bởi vì ngôn sứ tự biết rằng mình luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng luôn luôn bên cạnh mình và cùng chiến đấu với mình.

II. MẠC KHẢI

Tại đây, tác giả tự hỏi, trong định nghĩa về ngôn sứ, chúng ta nói rằng ngôn sứ là “người của Thiên Chúa”. Nhưng làm sao các vị cảm nhận được điều đó?

Thiên Chúa dựng con người và ban cho con người thần khí của Ngài (St 2,7) và thần khí (ruah) của Thiên Chúa cư ngụ trong con người (cf. Ds 27,18).

Chính nhờ thần khí của Thiên Chúa hiện diện trong bản thân mình mà con người cảm thấy được mời gọi, được thúc bách tiến đến một sự thay đổi, một sự siêu nhiên hoá và cho phép con người thụ tạo thông phần vào sự sống trường tồn của Tạo Hoá.

Thần Khí làm cho ngôn sứ bắt đầu một cuộc mạo hiểm tình yêu với Thiên Chúa, qua đó các ngài từ từ khám phá ra sự thu hút, dụ dỗ của Thiên Chúa (cf. Gr 20,7). Và ngôn sứ đang thay đổi thành một người khác, thành “người của Thần Khí” (Hs 9,7), và tự đặt mình trong sự “đồng cảm” (sympathy) với Thiên Chúa. Từ đó, ngôn sứ ý thức được rằng mình không còn một mình nhưng luôn có Thiên Chúa ở cùng. Thiên Chúa và ngôn sứ như hai kẻ cùng đồng hành, trở nên thân mật hơn (cf. Am 3,3-8). Ngôn sứ không chủ ý đi tìm kiếm Thiên Chúa; ngược lại, chính Thiên Chúa kêu gọi ngôn sứ bất chợt như một tiếng sét trong bầu trời trong sáng, như một cú sốc bất thình lình và nóng bỏng, xâm chiếm ngôn sứ.

III. LOAN BÁO: NGÔN SỨ, SỨ GIẢ CỦA THIÊN CHÚA

Nét đặc thù thứ ba của ngôn sứ Thánh Kinh đó là loan báo. Nếu ngôn sứ đã bị Thiên Chúa chiếm hữu để trở thành “người của Thiên Chúa” và “tôi tớ của Đức Chúa”, cũng chỉ vì mục đích phục vụ và hành động nhân danh Thiên Chúa. Được chiếm hữu bởi thần khí (ruah) và hun đúc bởi lời (dabar), ngôn sứ ra đi như kẻ được sai bởi Đức Chúa.

Thiên Chúa gọi bất cứ ai mà Ngài muốn để người này trở thành ngôn sứ và không loại trừ bất cứ loại người nào. Đến lượt mình, các ngôn sứ đi đến với mọi người; không ai bị loại ra khỏi sự mời gọi lắng nghe lời rao giảng ngôn sứ. nhưng thường nhất các vị nói với dân chúng cách chung

Ngôn sứ, người đam mê Thiên Chúa, sống trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, cũng sống trong sự kết hợp với chính dân tộc mình, dù trong đó, ngôn sứ có thể bị giày vò, ghét bỏ, bách hại. Ngôn sứ ý thức rằng những sự kết án hay thảm hoạ mà ngài loan báo cho chính dân mình, chính ngài cũng có phần trong đó.

Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người trong thời đại chúng ta tự cho mình danh hiệu “ngôn sứ” luôn sẵn sàng lên án những yếu điểm của những người khác hay dân tộc khác, đòi hỏi họ phải làm hoặc không làm điều gì đó, nhưng lại từ chối những gì đang xảy ra trong xứ sở, trong cộng đoàn và trong chính bản thân mình. Cũng có rất nhiều “ngôn sứ” chỉ biết lên án anh chị em mình và tự tách mình ra khỏi họ. Khi có chuyện, họ là người chạy trốn trước hết!

Tóm lại, là người kết hiệp với Thiên Chúa, ngôn sứ “đồng cảm” với Thiên Chúa về thế giới được tạo dựng bởi Thiên Chúa và ngôn sứ đang sống trong đó. Ngôn sứ có cảm nhận như Thiên Chúa về: những sự bất công trên thế giới, những lầm than khốn khổ của con người... Thêm nữa, ngôn sứ cũng “đồng cảm” cho Thiên Chúa, Đấng đang đau khổ vì những xúc phạm của con người. Như thế, các ngôn sứ tham dự vào những tình cảm sâu đậm của yêu thương, của lòng trắc ẩn, của sự giận dữ, của đau khổ và vui tươi... mà Thiên Chúa có với thế giới. Các ngài tham dự vào nỗi ưu tư của Thiên Chúa dành cho thế giới. Thực tế là, danh xưng ngôn sứ, tuy rất vinh dự, nhưng cũng không thiếu những thử thách, đau khổ và ngay cả bách hại vì những vai trò họ gánh vác.

Cuốn sách Giới thiệu ngôn sứ Thánh kinh được chia thành 7 phần:

-Phần I: trình bày tổng quát về trào lưu ngôn sứ tại vùng Trung Đông Cổ, và đặc biệt trong Ítrael, với những điểm căn bản như: trào lưu ngôn sứ ngoài Thánh Kinh, danh xưng và ý niệm về ngôn sứ, niên biểu các ngôn sứ Thánh Kinh, những nét đặc thù của ngôn sứ Thánh Kinh, các thể văn trong các sách ngôn sứ, những giáo huấn nền tảng của các ngôn sứ, ngôn sứ thật và ngôn sứ giả.

-Phần II đến phần VII, dựa theo niên biểu, giới thiệu từng ngôn sứ mà tên được gắn liền với một cuốn sách trong Cựu Ước. Mỗi cuốn sách, tác giả sẽ đề cập đến 3 điểm chính bao gồm: sách, con người và sứ điệp. Trong các phần này, ở một số phần phụ lục, chúng tôi sẽ giải thích một số bản văn đặc trưng và quan trọng của một số ngôn sứ.

Thưa quý thính giả,

Tác phẩm “Giới thiệu ngôn sứ Thánh kinh” dày 1181 trang trên khổ giấy 16 x 24 cm với mục đích giúp các sinh viên Thần Học, và những ai yêu mến lời Chúa trong môi trường hiện tại ở Việt Nam hiểu phần nào các ngôn sứ trong Thánh Kinh. Ngoài ra, với ước mong mỗi người khi đọc cuốn sách này, không chỉ có thêm chút kiến thức nào đó thôi về các ngôn sứ, nhưng đặc biệt có được phần nào trải nghiệm của các ngôn sứ khi được Thiên Chúa kêu gọi trở thành “ngôn sứ” của Ngài trong thời đại chúng ta và mỗi người có thể bắt chước ngôn sứ Giêrêmia tâm sự với Chúa: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9).

Kính thưa quý thính giả, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Giới thiệu ngôn sứ Thánh kinh” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

22 tháng ba 2022, 13:11