Tìm kiếm

Nhà thờ ở Vườn Gethsemani Nhà thờ ở Vườn Gethsemani 

Thánh lễ đền tạ do hành động phá hoại một nhà thờ ở Vườn Gethsemani

“Một hành động đáng trách làm mọi người bàng hoàng và đau buồn vì nó ảnh hưởng đến một nơi thánh thiêng, một nơi cầu nguyện, một nơi có giá trị biểu tượng cao đối với tất cả các Kitô hữu". Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa nói trong Thánh lễ đền tạ được cử hành vào ngày 06/12 vừa qua tại nhà thờ ở Vườn Gethsemani, Giêrusalem.

Ngọc Yến - Vatican News

Hai ngày trước đó, 04/12, một người đàn ông đã dùng xăng đốt cháy một số đồ đạc trong nhà thờ. Vụ đốt thánh đường này xảy ra trong lúc thánh lễ nhậm chức của Đức Thượng phụ Pizzaballa diễn ra tại Đền thờ Thánh Mộ.

Cảnh sát Israel đã bắt được thủ phạm, là người trước đây đã từng gây ra những tội tương tự. Cuộc tấn công cũng bị chính quyền Jordan lên án và nhắc nhở chính quyền Israle phải tôn trọng nghĩa vụ trong điều kiện bảo vệ các nơi thờ phượng.

Thánh lễ đền tạ do Đức Thượng phụ Công giáo ở Giêrusalem Pizzaballa chủ sự. Trong bài giảng, cha Patton nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chính quyền là thực hiện công lý để ngăn chặn những hành vi như vậy tái diễn, nhưng “chúng ta không thể phản ứng theo tinh thần của thế gian mà theo tinh thần của Tin Mừng. Vì thế, lời cầu nguyện đền tạ của chúng ta có mục đích đưa chúng ta đến sự hòa giải”.

Cha kết luận: “Bằng cách cử hành Thánh lễ đền tạ này, chúng ta muốn kiềm chế sự tấn công của các thế lực hủy diệt vốn đã mang lại quá nhiều tội ác và quá nhiều bạo lực cho các dân tộc, cho các tín hữu, cho những người sống ở Đất Thánh này và trên toàn thế giới”.

Vụ tấn công ở Giêrusalem chỉ là vụ mới nhất trong một chuỗi dài các vụ tấn công ham dọa, mang chữ ký “Cái giá phải trả” và liên quan đến những người định cư Do Thái hoặc những kẻ cực đoan. Trong quá khứ, những người này đã tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, như nhà thờ gần Nhà Tiệc Ly, Vương cung thánh đường Nazareth hoặc các tòa nhà Công giáo, Chính thống Hy Lạp và cả các đền thờ Hồi giáo.

“Cái giá phải trả” là một khẩu hiệu được sử dụng bởi những kẻ cực đoan của Israel đe dọa các Kitô hữu và người Hồi giáo vì đã “cướp đất của họ”. Trước đây, hiện tượng này chỉ phổ biến ở các khu vực giáp Bờ Tây và ở Giêrusalem, nhưng ngày nay nó đã lan rộng ra phần lớn lãnh thổ. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

09 tháng mười hai 2020, 14:11