Tìm kiếm

Một em bé châu Phi Một em bé châu Phi 

Sơ Wakibiru và Trung tâm Limuru Cheshire Home trợ giúp các thiếu nữ khuyết tật ở Kenya

Kể từ khi chính phủ Kenya ra lệnh đóng cửa tất các các tổ chức giáo dục nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, sơ Rose Catherine Wakibiru, giám đốc tổ chức bác ái Limuru Cheshire Home phải ngưng mọi hoạt động trợ giúp các thiếu nữ bị khuyết tật về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành tông đồ và quảng đại của sơ Wakibiru đối với các thiếu nữ bị khuyết tật không dừng lại.

Ngọc Yến - Vatican News

Thăm gia đình: Một cách phục vụ khác

Để tìm ra sáng kiến khác cho sứ vụ của mình khi không thể đến trung tâm, sơ Wakibiru đã tìm hiểu kỹ các tài liệu của chính phủ quy định liên quan đến đại dịch. Cuối cùng, sơ đã hài lòng về kết quả tìm kiếm của mình. Với sự hiểu biết này, giờ đây sơ có thể tiếp hoạt động bác ái, nhưng không vi phạm các quy định của chỉnh phủ: sơ đi thăm viếng các thiếu nữ khuyết tật tại gia đình của các em. Trong mỗi lần thăm các gia đình, sơ cung cấp không những cho các em khuyết tật mà cả gia đình thực phẩm cần thiết để họ có thể dùng trong một tháng, tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình. Các gia đình cũng được cung cấp khẩu trang, chất khử trùng giúp bảo vệ bản thân trong thời điểm đại dịch.

Ứng phó khi các thiếu nữ khuyết tật bị gia đình từ chối

Có một số gia đình không muốn cho con của họ trở về nhà trong thời điểm đại dịch. Vì thế sơ Wakibiru đã phải tìm những người thiện chí, những người muốn nhận thêm các thiếu nữ bị khuyết tật làm con. Sơ giải thích: “Ở đây, tôi biết rõ những gia đình nào đã có con gái và tôi có ý tưởng đề nghị họ nhận nuôi thêm các thiếu nữ khuyết tật. Tôi liên lạc và gợi ý với họ về việc nhận nuôi các thiếu nữ bị gia đình từ chối. Và kết quả có 5 thiếu nữ được nhận hỗ trợ”.

Nghèo đói, thánh đố lớn nhấn đối với các thiếu nữ bị khuyết tật

Theo sơ Wakibiru, nghèo đói là thách đố lớn nhất trong thời điểm khủng hoảng sức khỏe này đối với các gia đình có con bị khuyết tật. Các gia đình không quan tâm đến các em bị khuyết tật. Khi có ít thức ăn để chia sẻ, các em khuyết tật không được hưởng. Sơ Wakibiru kể: “Tôi đến thăm một gia đình, trong nhà này có một em khuyết tật trước đây được chúng tôi chăm sóc. Tôi thấy em ngồi nhìn các các chị em của mình ăn. Khi tôi hỏi một trong các em đang ăn là tại sao em khuyết tật này không được ăn. Tôi nhận được câu trả lời ‘Vì trong nhà còn rất ít thức ăn’. Các em bị khuyết tật bị coi như hạng hai trong gia đình. Mọi người chỉ nghĩ đến các em khi những người khác đã được hưởng đầy đủ”.

Giữa sự thiếu thốn và nhu cầu sống còn

Giám đốc Trung tâm bác ái cho biết thêm: Trong một gia đình khác, cha mẹ và những người khác sử dụng đồ dùng của các em khuyết tật, những thứ mà Trung tâm cung cấp cho các em. Sơ Wakibiru nói: “Chúng tôi không thể trách các thành viên của gia đình vì đã quan tâm đến họ nhiều hơn các em khuyết tật”. Sơ giải thích, chính vì nghèo đói đã thúc đẩy họ làm như thế. Nhưng sơ cũng hy vọng với sự viếng thăm và nhắc nhở của sơ, các gia đình sẽ chú ý đến các em khuyết tật hơn.

Tại sao không giữ các em ở lại Trung tâm?

Nữ tu giám đốc cho rằng, chính vì biết khi trở về nhà các em khuyết tật không những không được chăm sóc mà lại còn bị thiệt thòi nhiều hơn, mà sơ không muốn gửi các em về nhà trong thời điểm đại dịch. Ngoài ra còn lý do khác: “Chúng tôi rất khó kiểm soát sự tương tác giữa các em với các nhân viên của chúng tôi. Hơn nữa, bảo các em giữ khoảng cách xã hội sẽ không hiệu quả, bởi vì các em thích ôm hôn. Các em bị thiểu năng trí tuệ và không thể hiểu Covid-19 là gì”.

Niềm hy vọng

Với nhóm cộng tác, đến nay sơ Wakibiru đã thực hiện được tám cuộc viếng thăm đến các vùng khác nhau và thăm các ngôi nhà khác ở ngoại ô Nairobi. Sơ nói: “Trong những ngày tiếp theo, tôi sẽ đi đến tất cả các gia đình khác ở Nairobi và tiếp theo là các gia đình ở Nakuru, nơi có những hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi rất vui vì chính quyền cấp giấy phép cho tôi được đi viếng các em bị khuyết tật, mà tới nay tôi coi như những đứa con của mình. Những gì chúng tôi có hiện nay đã đủ cho các gia đình sống thêm một tuần nữa, nhưng chúng tôi phải có kế hoạch nâng cao nhận thức cho những tuần tiếp theo. Chúng tôi hy vọng sẽ có những người thiện chí tham gia với chúng tôi trong việc chăm sóc các em bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong các gia đình”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

13 tháng năm 2020, 11:13