Biểu tình trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 Biểu tình trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 

Các Giáo hội Kitô Thế giới tiếp tục cảnh bảo về biến đổi khí hậu

Với báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6) của Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được công bố hôm thứ Hai 09/8, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) khẳng định: “Đây là hồi chuông cảnh báo cho các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ họp tại Glasgow, Scotland, cho Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)”.

Ngọc Yến - Vatican News

Báo cáo nhấn mạnh việc gia tăng nhiệt độ toàn cầu chỉ có thể được hạn chế bằng cách giảm mạnh và liên tục lượng khí thải CO2 và các khí nhà kính khác. Và như thế thế giới có khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C do Thoả thuận Paris 2015 đề ra, giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050. Đây là vấn đề trọng tâm của Hội nghị Glasgow.

Phó Tổng Thư ký của tổ chức đại kết, ông Odair Pedroso Mateus nói: “Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) cho rằng với báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR 6) của Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được công bố hôm thứ Hai 09/8, phải gióng lên một ‘hồi chuông cảnh báo’ cho các nhà lãnh đạo thế giới tại Glasgow, trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (Cop-26)”.

Nhận xét về báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Phó Tổng Thư ký cho rằng, chưa bao giờ các dấu hiệu thời đại rõ như hiện nay. Đây là một viễn cảnh đáng lo ngại về biến đổi khí hậu đang diễn ra và những tác động thảm khốc đối với hành tinh và nhân loại. Hy vọng duy nhất đối với viễn cảnh này là hành động để giảm phát thải khí nhà kính. Vì thế, Hội đồng yêu cầu các quyết định “cụ thể” và “khẩn cấp” từ COP26 để ngăn cản sự nóng lên toàn cầu.

Theo Hội đồng, các nước giàu có, các nước gây ô nhiễm “lịch sử” của hành tinh phải thực hiện điều này trước tiên. Các Giáo hội kêu gọi các vị lãnh đạo lắng nghe người trẻ, những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự nóng lên toàn cầu. Họ đang yêu cầu người lớn hành động để làm cho xã hội và nền kinh tế có khả năng phục hồi trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Trong dịp này, Phó Tổng Thư ký cho biết để đóng góp vào mối quan tâm chung, tại Đại hội đồng của các Giáo hội Kitô dự kiến sẽ diễn ra tại Karlsruhe, Đức, từ ngày 31/8 đến 8/9 tới đây, các Giáo hội sẽ tập trung thảo luận về cách thức bảo vệ Thụ tạo. Với chủ đề “Tình yêu Chúa Kitô dẫn thế giới đến hoà giải và hiệp nhất”, cuộc gặp gỡ sẽ có một nhóm các thần học gia của Hội đồng nói về một tài liệu đã được công bố gần đây đã thu hút sự chú ý của các khoa học gia về bản chất “không thể đảo ngược” của những thay đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra trong hai thế kỷ qua. (CSR_5453_2021)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng tám 2021, 11:28