Tình hình hỗn loạn tại Colombia Tình hình hỗn loạn tại Colombia  (AFP or licensors)

Đức cha Álvarez kêu gọi đối thoại cho hòa bình ở Colombia

Trước các cuộc biểu tình liên quan đến việc cải cách thuế của chính phủ và các vấn đề khác, Đức cha Elkin Fernando Álvarez Botero,Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Colombia kêu gọi một cuộc gặp gỡ cởi mở và đối thoại giữa chính phủ và người dân.

Ngọc Yến - Vatican News

Trong những ngày qua, tình hình tại đất nước Nam Mỹ này vẫn ở trong tình trạng căng thẳng, do các cuộc biểu tình của người dân Colombia phản đối việc sửa đổi thuế và các vấn đề khác, bao gồm cả việc chính phủ xử lý đại dịch Covid-19. Chính phủ và người dân vẫn chưa đạt được một thoả thuận nào, người dân ngày càng bất bình với cách điều hành đất nước của chính phủ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức cha Elkin Fernando Álvarez Botero, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Columbia, và Giám mục của Santa Rosa de Osos bày tỏ hình đáng lo ngại này. Ngài nhấn mạnh rằng, Giáo hội đang nỗ lực thực hiện các cuộc đối thoại để đạt được các thỏa thuận giữa người dân và chính phủ.

Đức cha lưu ý thêm rằng Giáo hội Colombia, cùng với Liên Hiệp Quốc, luôn khẳng định sự cần thiết của đối thoại. Các Giám mục nhắc lại lời của Đức Thánh Cha trong thông điệp Fratelli tutti, rằng khi đối diện với những vấn đề xã hội, phải chọn đối thoại thay vì thờ ơ ích kỷ hoặc phản ứng bạo lực. Nhưng để làm được điều này, phải ý thức tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan tâm chính đáng nảy sinh trong các cuộc biểu tình bằng sự cởi mở để có thể gặp gỡ và hiểu nhau. Với đối thoại người ta có thể hy vọng tìm được những điểm gặp gỡ đưa đến hòa giải và cam kết hòa bình.

Trả lời câu hỏi về những thách thức kinh tế trong nước, Đức cha Álvarez giải thích rằng, khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra, các Giám mục đã gửi một thông điệp, nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha là “hãy thổi hồn cho nền kinh tế hiện tại”. Và lấy cảm hứng từ các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, đất nước có thể hướng đến nền kinh tế vì công ích, cung cấp quyền tiếp cận bình đẳng với hàng hóa và các dịch vụ cơ bản, giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong nước. Đức cha nói: “Đúng là đằng sau những cuộc biểu tình này, các vấn đề không thuộc về bản chất kinh tế, nhưng chúng tác động mạnh đến nền kinh tế. Do đó, điều rất quan trọng là phải lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha vì đó là nền tảng cho con đường tái thiết quốc gia, để đất nước có thể là quốc gia và là quê hương cho tất cả mọi người”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

03 tháng sáu 2021, 10:37