Người dân Myanmar biểu tình chống độc tài quân sự Người dân Myanmar biểu tình chống độc tài quân sự 

ĐTC cầu nguyện cho Myanmar nhân tròn một năm cuộc đảo chính quân sự

Sau bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng ngày 2/2/2022, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho Myanmar nhân tròn một năm cuộc đảo chính quân sự. Ngài cũng cầu nguyện cho Ngày quốc tế về Tình Huynh đệ nhân loại, 4/2, cho Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic sắp khai mạc tại Bắc Kinh lần lượt vào ngày 4/2 và ngày 4/3/2022.

Hồng Thủy - Vatican News

Trong lời chào các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến kỷ niệm một năm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, với bạo lực gây đổ máu tại nước này. Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi của các giám mục Myanmar kêu gọi cộng đồng quốc tế “hoạt động vì sự hòa giải giữa các bên liên quan. Chúng ta không thể ngoảnh mặt đi trước những đau khổ của rất nhiều anh chị em. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban sự an ủi cho dân tộc đang bị dày vò xâu xé. Chúng ta hãy phó thác cho Người những nỗ lực hòa bình”.

Ngày quốc tế về Tình Huynh đệ nhân loại

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày 4/2 là Ngày quốc tế về Tình Huynh đệ nhân loại. Ngài mong muốn các quốc gia trên toàn thế giới hiệp nhất trong dịp kỷ niệm này, nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn và liên văn hóa, như mong muốn trong Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, vì hòa bình thế giới và sự chung sống, được Đức Thánh Cha và Đại Imam Muhammad Aḥmad al-Tayyib của Al-Azhar ký vào ngày 4/2/2019 tại Abu Dhabi. Đức Thánh Cha nói: “Tình huynh đệ có nghĩa là đưa tay ra với người khác, tôn trọng và lắng nghe họ với trái tim rộng mở. Tôi hy vọng rằng những bước đi cụ thể sẽ được thực hiện cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác và cũng với những người thiện chí để khẳng định rằng ngày nay là thời gian cho tình huynh đệ, tránh xung đột, chia rẽ, đóng cửa. Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân mỗi ngày để tất cả chúng ta có thể sống trong hòa bình, như anh chị em.”

Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic 

Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic sắp khai mạc tại Bắc Kinh lần lượt vào ngày 4/2 và ngày 4/3. Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả tham dự viên. Ngài cầu chúc Ban tổ chức những thành công tốt đẹp và các vận động viên thi đấu hết mình. Ngài nhận định: “Thể thao, với ngôn ngữ phổ quát của nó, có thể xây dựng những nhịp cầu hữu nghị và liên đới giữa con người và các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo. Do đó, tôi đánh giá cao việc Ủy ban Olympic Quốc tế đã thêm từ ‘cùng với nhau’ vào khẩu hiệu lâu đời của Olympic - nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn: để Thế vận hội có thể tạo ra một thế giới huynh đệ hơn. Cùng với nhau.”

Đặc biệt, hướng đến Thế vận hội người khuyết tật Paralympic, Đức Thánh Cha nói: “Tấm huy chương quan trọng nhất mà chúng ta sẽ cùng nhau giành được, đó là khi tấm gương của các vận động viên khuyết tật sẽ giúp mọi người vượt qua định kiến ​​và nỗi sợ hãi, và làm cho cộng đồng của chúng ta chào đón và hòa nhập hơn. Đây là huy chương vàng thực sự. Ngoài ra, tôi theo dõi câu chuyện cá nhân của các vận động viên tị nạn với sự chú ý và xúc động. Chứng tá của họ giúp khuyến khích các xã hội dân sự cởi mở cách tin tưởng nhiều hơn bao giờ hết với tất cả mọi người, không bỏ sót ai. Tôi cầu chúc đại gia đình Olympic và Paralympic được sống trong một trải nghiệm độc đáo về tình huynh đệ nhân loại và hòa bình: phúc cho những ai kiến tạo hòa bình!

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng hai 2022, 12:45