Điểm sách - Trung thành và Thích nghi: thần học truyền giáo cho hôm nay

Trung thành và Thích nghi: thần học truyền giáo cho hôm nay, một nghiên cứu truyền giáo học rất đáng giá, đã tích hợp cách “hoàn hảo” giữa hai lãnh vực lịch sử Giáo hội và truyền giáo học nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về những truyền thống khác nhau trong các giai đoạn lịch sử Giáo hội suốt hai ngàn năm qua.

Văn Cương, SJ - Vatican News

 

Tác phẩm: Trung thành và Thích nghi: thần học truyền giáo cho hôm nay

Tác giả: Stephen B. Bevans, SVD, Roger P. Schroeder, SVD

Nguyên tác: Constants in Context - A Theology of Mission for Today

Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên

Kính thưa quý thính giả,

Tác giả

Stephen B. Bevans và Roger Schroeder, hai linh mục người Mỹ, Dòng Ngôi Lời (SVD), thuộc số những nhà thần học và truyền giáo học nổi tiếng thế giới hiện nay.

Stephen B. Bevans thụ phong linh mục năm 1971 và tốt nghiệp cử nhân thần học (Licentiate in Theology) tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Roma, năm 1972. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được cử đi truyền giáo ở Philippines 9 năm, sau đó theo học tại Đại học Notre Dame, tốt nghiệp cao học (M.A.) và tiến sĩ thần học (Ph. D.) vào năm 1986. Từ đó ngài dạy học tại Catholic Theological Union ở Chicago và một số học viện thần học khác cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015.

Cha Stephen B. Bevans đã đảm nhiệm nhiều trách vụ quan trọng trong các hội đồng về Truyền giáo. Ngài cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm như: Models of Contextual Theology (2002); An Introduction to Theology in Global Perspective (2009); Mission and Culture: The Louis J. Luzbetak Lectures (2012) và Essays in Contextual Theology (2018).

Roger Schroeder thụ phong linh mục năm 1979 và theo học môn Truyền giáo tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Roma, nhận bằng tiến sĩ (Ph.D.) năm 1990. Cha Roger Schroeder là tác giả của hằng trăm bài viết cũng như những công trình nghiên cứu truyền giáo học nổi tiếng: What is the Mission of the Church? A Guide for Catholics (2008), Prophetic Dialogue: Reflections on Christian Mission Today (2011), Dialogo Profetico: La Forma della Missione per il nostro Tempo (2014). Cha Roger Schroeder cũng là thành viên đồng thời đảm nhận nhiều trách vụ quan trọng trong các học viện cũng như tổ chức quốc tế của các nhà thần học và truyền giáo học.

Tác phẩm

Trung thành và Thích nghi: thần học truyền giáo cho hôm nay, một nghiên cứu truyền giáo học rất đáng giá, đã tích hợp cách “hoàn hảo” giữa hai lãnh vực lịch sử Giáo hội và truyền giáo học nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về những truyền thống khác nhau trong các giai đoạn lịch sử Giáo hội suốt hai ngàn năm qua. Để thực hiện điều đó và để tìm ra hướng truyền giáo trong thế kỷ thứ 21, các tác giả đã sử dụng ba “kiểu” (type) thần học trong lịch sử truyền giáo, đồng thời chỉ ra những thách đố, khó khăn mà mỗi kiểu phải đương đầu và vật lộn để trung thành với sứ mạng.

Mỗi kiểu thần học nói trên đều chứa đựng sáu hằng tố (constants), được lập đi lập lại bằng nhiều cách thức khác nhau trong quá trình truyền giáo của Giáo hội, nhằm trả lời các vấn nạn 1) Kitô học: Đức Kitô là ai và Ngài có ý nghĩa gì với chúng ta? 2) Giáo hội học: Căn tính của Giáo hội là gì? 3) Cánh chung học: Giáo hội quan tâm đến tương lai chung cuộc của mình thế nào? 4) Cứu độ học: Đâu là bản chất ơn cứu độ mà Giáo hội đang rao giảng? 5) Nhân chủng học: Nhãn quan của Giáo hội về con người như thế nào? và 6) Văn hóa học: Đâu là giá trị văn hóa của nhân loại trong bối cảnh mà, nơi đó, Tin mừng được rao giảng?...

Nội dung

Theo tác giả, quyển sách này, vừa là một thần học lịch sử có tính hệ thống. Một mặt, chúng tôi đã muốn viết quyển sách này như là một sách thần học hệ thống, lấy truyền giáo làm trọng tâm; mặt khác, chúng tôi đã viết một lịch sử giáo hội, không chỉ là một tập hợp những sự kiện, con người và biến cố, mà còn là một lịch sử được định hình bởi những truyền thống Thánh Kinh và giáo lý Kitô giáo bất biến nhưng luôn luôn thích nghi với bối cảnh.

Hoạt động truyền giáo của Kitô giáo vừa gắn chặt vào tính trung thành với quá khứ vừa thách thức tính trung thành trong hiện tại. Nó phải bảo tồn, bảo vệ và tuyên bố những điều bất biến của những truyền thống giáo hội; đồng thời nó phải đáp ứng một cách sáng tạo và táo bạo với những bối cảnh mà trong đó nó tìm thấy chính mình. Lịch sử Kitô giáo là một câu chuyện của giáo hội trong sứ mệnh truyền giáo. Tức là, mượn câu nói hùng biện của Harvie Conn, một câu chuyện về sự gặp gỡ của Thế Giới Vĩnh Hằng với những thế giới đang thay đổi. Như chúng tôi thể hiện nó trong quyển sách này, đó là một câu truyện về những hằng tố trong bối cảnh, nghĩa là về sự trung thành và thích nghi.

Mục lục

Toàn bộ tác phẩm gồm 12 chương, được chia thành 3 phần xoay quanh những hằng tố nói trên. Phần thứ nhất, các tác giả trình bày nền tảng sứ vụ truyền giáo của Giáo hội qua việc đọc lại sách Công vụ Tông đồ. Cộng đoàn của Chúa Giêsu, những người theo Đạo (x Cv 9,2; 24,22) là một nhóm thuộc dân Do thái (x Cv 24,5) đã dần dần làm nổi bật căn tính riêng của họ bằng chính hoạt động truyền giáo. Sứ mạng loan báo Tin mừng vượt ra khỏi biên giới Israel đã làm cho các Kitô hữu thời sơ khai xem mình là “dân mới”, Giáo hội, và căn tính của dân đó bắt nguồn từ sứ mạng truyền giáo. Cộng đoàn tín hữu nhận ra căn tính truyền giáo của mình, đồng thời, cần có những cách thức mới để diễn tả căn tính ấy trong bối cảnh mới, do đó, Giáo hội không ngừng tự canh tân sự hiện diện nơi mình.

Phần thứ hai, các tác giả tóm tắt lịch sử truyền giáo của Giáo hội qua 6 giai đoạn, trong đó các hằng tố đã hình thành nên và được định hình bởi bối cảnh lịch sử-văn hóa cũng như tư tưởng thần học tương ứng với không gian và thời gian cụ thể. Các giai đoạn đó gồm: 1) Giáo hội thời sơ khai (100-301); 2) phong trào các dòng tu (331- 907); 3) phong trào khất thực (1000-1453); 4) thời kỳ khám phá (1492-1773); 5) thời kỳ tiến bộ (1792-1914) và 6) giai đoạn thế kỷ 20 (1919-1991). Các giai đoạn này đều có những mô hình truyền giáo, những cấu trúc (paradigm) thần học và các hằng tố riêng.

Phần thứ ba trình bày về thần học truyền giáo cho hôm nay, trong đó ba chương đầu đề cập đến ba hướng suy tư thần học truyền giáo đã được phát triển trong thời hậu bán thế kỷ 20. Các tác giả tin tưởng rằng ba hướng suy tư này có thể kết hợp với nhau thành một hướng tổng hợp với tiêu đề “đối thoại ngôn sứ” (prophetic dialogue). Sự đối thoại này được thể hiện qua sáu điều (component) vốn được khởi đi từ chính Thiên Chúa.

Tác phẩm “Trung thành và Thích nghi: thần học truyền giáo cho hôm nay” dày 750 trang trên khổ giấy 15x23 cm, các tác giả muốn nhấn mạnh rằng suốt dòng lịch sử truyền giáo hơn hai ngàn năm qua, Giáo hội luôn trung thành với sứ vụ (căn tính, sứ điệp Tin mừng) và thích nghi trong những hoàn cảnh khác nhau để Tin mừng được rao giảng.

Đây là tác phẩm danh tiếng về thần học và truyền giáo học. Chính vì thế, hai năm sau khi xuất bản, Constant in Context được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Indonesia (2006), tiếng Tây Ban Nha (2009), tiếng Ý (2010), tiếng Trung Hoa (2011), tiếng Hàn (2011) và bản tiếng Việt được phổ biến nội bộ từ năm 2017.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng mười hai 2022, 09:42