Điểm sách - Ngôn sứ Giôna

Màn kịch của ông Giô-na là vở kịch về người tin tưởng vào suy nghĩ, kinh nghiệm và hành động của mình. Trước tiên là trên biển, sau đó ở Ni-ni-vê, ông Giô-na cho chúng ta thấy hai ví dụ tuyệt vời. Chúng ta hãy nghe ông tuyên bố: “Tôi là người Do Thái, Đấng tôi phụng sự là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng làm ra biển khơi và đất liền”.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Ngôn sứ Giô-na

Nguyên tác: Jonas, Colletion Cahiers Evangile No.36

Tác giả: Vincent Mora

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Diễm

Trích lời dẫn đầu của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên:

Nếu Giô-na bất tuân, tìm cách “trốn khỏi nhan Đức Chúa”, thì Thiên Chúa lại bao dung kiên nhẫn đối với ông. Nếu Thiên Chúa bao dung độ lượng đối với con người, thì con người, mà cụ thể là Ngôn sứ Giô-na lại cố chấp tị hiềm với đồng loại.

Sách Ngôn sứ Giô-na là một tác phẩm vừa lãng mạn, vừa hài hước. Độc giả đôi khi bật cười, khi thấy Thiên Chúa “chọc giận” Giô-na. Nhìn xa hơn, nhân vật Giô-na mang tính tập thể, tức là những người Do Thái đương thời. Cuốn sách đã giải thoát họ khỏi đầu óc cục bộ, tự mãn cho mình là dân riêng, dẫn tới kiêu ngạo và coi thường các dân tộc khác. Tác giả sách Giô-na muốn khẳng định với chúng ta: mọi dân tộc đều được Chúa yêu thương.

Tác giả

Cha Mora, một linh mục dòng thánh Biển Đức ở Giê-ru-sa-lem, người sẽ mời chúng ta đồng hành với ngài qua cuộc hành trình đầy trắc trở của ông Giô-na. Cùng ngài, chúng ta sẽ từng bước khám phá ý đồ của sách Ngôn sứ Giô-na, sự gắn kết với nguồn Kinh thánh cũng như chân lý sâu xa dưới vẻ hài hước của tác phẩm. Nhờ cha, chúng ta mới hiểu rõ rằng tác giả sách Ngôn sứ Giô-na, chỉ muốn dàn dựng một câu chuyện hư cấu giúp phơi bày rõ hơn một hiện thực lịch sử: đất nước Ít-ra-en luẩn quẩn trong những mâu thuẫn của chính mình.

Nội dung 

Có lẽ chẳng mấy ai chưa từng nghe nói đến ông Giô-na, vị ngôn sứ đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, người hùng của cuốn sách cùng tên, sách Ngôn sứ Giô-na? Nhưng ông có phải người hùng thật không? Chưa chắc. Thực vậy, Ngôn sứ Giô-na không hề là anh hùng. Ông không có thành tích cũng như công trạng gì. Ông cũng không phải là một vị thánh: câu chuyện của ông bắt đầu bằng sự bất tuân lệnh Thiên Chúa và kết thúc bằng một cuộc tranh chấp với Người. Không phải là anh hùng hay thánh nhân đã đành, thậm chí ông cũng không phải là nhân vật chính của cuốn sách mang tên mình nữa. Cuốn sách này là một trong những cuốn độc đáo nhất trong bộ Kinh thánh và rất ngắn: chỉ có bốn chương và câu chuyện dồn tất cả trọng tâm và chuyển động vào câu hỏi cuối cùng: câu hỏi của Thiên Chúa về chính Chúa.

Ngôn sứ Giô-na là ai?

Sách Ngôn sứ Giô-na chỉ mang đầy đủ ý nghĩa của nó, nếu ông Giô-na không phải là một nhân vật bằng xương bằng thịt mà là đại diện của một nhóm người! Giả thuyết này sẽ được củng cố khi ta phân tích cuốn sách. Ni-ni-vê và các thủy thủ tượng trưng cho thế giới ngoại giáo. Tác-sít là thành phố chưa hề nghe đến Lời Chúa. Con cá, một đầu máy chuyên chở...Cuốn sách tràn ngập các biểu tượng. Chỉ duy có Thiên Chúa là chính mình trong câu chuyện này.

Thật ra, sách Ngôn sứ Giô-na, không hề cung cấp một thời điểm rõ ràng nào. Tuy nhiên, văn phong và từ vựng tiết lộ cuốn sách này có từ khoảng giữa thế kỷ V trước thời đại của chúng ta. Cuốn sách phản ánh cộng đồng Giê-ru-sa-lem thời đó: Ông Giô-na này là một bức chân dung có phần biếm họa về môi trường này và tác giả phản bác môi trường ấy!

Bối cảnh: Giuda thế kỷ V – một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi

Vào thế kỷ V, vương quốc Giu-đa đã biến mất chỉ còn là một tỉnh nhỏ của Đế quốc Ba Tư, tuy nhiên vẫn được giữ hiến pháp riêng của nó là Lề Luật (Torah). Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã khó nhọc vươn lên từ đống tro tàn. Cộng đồng Do Thái nhỏ bé mạnh dạn sống theo chủ nghĩa chính thống, dân tộc và giáo sĩ. Tự thu mình lại, chỉ quan tâm đến sự tinh khiết của giống nòi, hoàn toàn tùy thuộc vào các tư tế và kinh sư. Chân trời hết sức hạn hẹp. Bị tội lỗi ám ảnh và căm thù tà giáo.

Được tuyển chọn không còn để phục vụ nữa mà đã trở thành một đặc ân, một đặc quyền đòi hỏi và khắt khe với phần còn lại: phụ nữ nước ngoài bị trục xuất, người Sa-ma-ri bị loại bỏ, các quốc gia ngoại đạo phải diệt vong. Không có sự thánh thiện nào ngoại trừ ở Giê-ru-sa-lem, và Thiên Chúa cao cả mà các ngôn sứ giới thiệu với chúng ta, có xu hướng trở thành Thiên Chúa của riêng cộng đồng bị giam hãm trong biên giới chật hẹp của một tỉnh bang khốn khổ.

Thái độ cởi mở của tác giả sách Ngôn sứ Giô-na

Đọc cuốn sách từ góc độ ấy ta sẽ thấy sự đào thoát của ông Giô-na khá dễ hiểu. Mang Lời Thiên Chúa đến cho Ni-ni-vê-vĩ-đại, nghĩa là đi nói với các dân tộc ngoại đạo là ngược lại với thần học Chính thực. Nhưng tính hài hước của nó còn đi xa hơn: cuốn sách không hề nhắc đến tên Giê-ru-sa-lem và Giu-đa. Cuốn sách này dường như không hề biết đến những đặc quyền của dân thành Giê-ru-sa-lem. Thiên Chúa của ông Giô-na chỉ có một mối quan tâm duy nhất là sự cứu rỗi của dân thành Ni-ni-vê và Ít-ra-en chỉ duy có một sứ mệnh: trở thành khí cụ cứu rỗi họ. Thật là quá đáng!

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ông Giô-na tìm cách tránh Chúa. Ông không hề quan tâm tới sự cứu rỗi của dân thành Ni-ni-vê. Thật ra, ông Giô-na đủ thông minh để hiểu rằng Thiên Chúa muốn dân thành Ni-ni-vê được cứu rỗi (4,2). Trong mắt ông, đám dân ngoại ấy là ô uế. Và dưới ngòi bút của tác giả chúng ta, những người ngoại đạo được mô tả lại còn sùng đạo hơn cả ông Giô-na và đặc biệt là dễ thương hơn nhiều. Chúng ta thấy dân thành Ni-ni-vê đồng lòng đón nhận Lời Chúa và thay đổi cuộc sống của mình.

Mâu thuẫn của ông Giô-na – thảm kịch của người tín hữu

Ở đây, tác giả sách Ngôn sứ Giô-na chắc chắn muốn bêu xấu sự mâu thuẫn trong lối sống nơi những người đồng hương của mình. Ông không chỉ lên án chủ nghĩa dân tộc mà còn cả tôn giáo sai lầm của họ.

Màn kịch của ông Giô-na là vở kịch về người tin tưởng vào suy nghĩ, kinh nghiệm và hành động của mình. Trước tiên là trên biển, sau đó ở Ni-ni-vê, ông Giô-na cho chúng ta thấy hai ví dụ tuyệt vời. Chúng ta hãy nghe ông tuyên bố: “Tôi là người Do Thái, Đấng tôi phụng sự là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng làm ra biển khơi và đất liền”.

Đối với người Do Thái, kính sợ Thiên Chúa không hệ tại thái độ của một nô lệ mà trái lại là thái độ của một người tự do. Sự kính sợ Thiên Chúa là cảm xúc mà mạc khải về Thiên Chúa đích thật gây ra trong lòng người tín hữu để họ thờ phượng và phụng sự Người. Nó không đối lập với tình yêu, mà là hình thức yêu thương sâu sắc và năng động nhất, đó là vâng phục. Nó thực sự chỉ về một “tôn giáo”, miễn là người ta giữ cho nó trọn vẹn ý nghĩa ấy.

Tuy nhiên, chỉ riêng người Do Thái mới có thứ tôn giáo đích thực ấy, bởi vì chỉ có họ mới hiểu biết Thiên Chúa, Đấng duy nhất. Thế là có một vực thẳm ngăn cách người Do Thái và người ngoại giáo: “Tôi là người Do Thái, tôi... và tôi phụng sự Đức Chúa”. Như vậy, ông Giô-na đã đánh dấu khoảng cách vô hạn ngăn cách người Do Thái với những người ngoại giáo đa thần. Nơi ông Giô-na, bộc lộ chính xác sự mâu thuẫn này: ngay lúc thú nhận tôn giáo của mình, khoe khoang niềm gắn bó với Thiên Chúa chân thật, thì ông quên mất rằng mình đang nổi loạn chống lại vị Thiên Chúa mà mình cao giọng tuyên xưng. Chính sự mâu thuẫn này sẽ giải thích cho ta căn nguyên thúc đẩy ông Giô-na muốn chết.

Lòng từ bi của Thiên Chúa

Sự mâu thuẫn cơ bản giữa đức tin và cuộc sống này không chỉ ảnh hưởng đến những hành vi bề ngoài của ông Giô-na. Nó còn phá hỏng trong ông đức tin mà ông tự hào tuyên xưng nữa. Sự hiểu biết về Thiên Chúa nơi ông vừa được chấp nhận vừa bị từ chối. Thật vậy, ta hãy nhớ lời tuyên xưng đức tin của ông: Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu... Ở đây, ông Giô-na đã chạm đến sự mạc khải của Thiên Chúa: nền tảng của bản thể và hành động của Thiên Chúa. Ông thú nhận rằng không phải uy quyền, công bình, hay sự thánh thiện là đỉnh cao của Thiên Chúa mà chính là lòng từ bi và nhân hậu. Một nền thần học tuyệt đối đáng kể, nếu người ta suy nghĩ đến. Nhưng ông Giô-na không đi tới cùng cuộc khám phá này.

Nếu Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa của từ bi và nhân hậu như ông tuyên bố, thì chẳng phải ông nên chấp nhận rằng Người tuyệt đối đúng như vậy, cả ở ngoài biên giới Ít-ra-en và thậm chí cả đối với những kẻ thù của Ít-ra-en nữa hay sao? Chỉ riêng viễn tượng này đã xé nát lòng ông (4,2).

Nguy cơ của khép kín

Xét cho cùng, tại sao ông Giô-na lại từ chối? Không nghi ngờ gì nữa, ông là một tù nhân của nền giáo dục, của môi trường và của những giới hạn tư riêng. Đó là sự thiếu sót của một tôn giáo đầy giả tạo, nói cách khác, tương tự việc thờ ngẫu tượng. Thật vậy, người tín hữu đích thực, khi tiếp xúc với Thiên Chúa của Kinh thánh, được mời gọi để cho Thiên Chúa uốn nắn nhờ đó loại bỏ các ngẫu thần ra khỏi lòng mình, có nguy cơ bị giằng co và tan vỡ. Nhận biết Thiên Chúa đòi ta phải hoàn toàn đồng ý với bất cứ hành động nào của Người, thậm chí cả khi Người, vượt quá những giới hạn của điều không thể và xem ra bất nhân đi nữa. Hãy nghĩ đến sự hy sinh của ông Áp-ra-ham hoặc nỗi thống khổ của ông Gióp. Ông Giô-na còn rất xa thái độ này. Ông chẳng phải là hình ảnh của cộng đồng Giê-ru-sa-lem nhiệt thành và can đảm, chuyên cần và ăn năn, ý thức về một quá khứ nặng nề và gánh vác tương lai mà mối quan tâm hàng đầu là bảo vệ căn tính của mình trước tất cả những gì là ngoại lai này sao! Nhưng nhiệm vụ hợp pháp này liệu có chất chứa nguy cơ tự khép kín (bằng cách mang Chúa vào đó) trong một pháo đài không? Sách Ngôn sứ Giô-na chính là lời cảnh báo nguy cơ này.

Kính thưa quý vị thính giả,

Ông Giô-na hay sự khiêu khích Thiên Chúa là tiêu đề cuốn sách về vị ngôn sứ này. Qua cuốn sách này, Thiên Chúa cũng đang kêu gọi và thử thách chúng ta; giữa con đường của ông Giô-na và chúng ta, dĩ nhiên có khác biệt. Câu chuyện lãng mạn của ông Giô-na, với những chú giải hết sức giá trị của Cha Mora, được Roger Parmentier biên soạn lại1, sẽ khiến chúng ta phải đặt lại những lối hình dung hết sức sai lạc của mình về Thiên Chúa, một Thiên Chúa từ bi và thương xót vô cùng của Kinh thánh.

Mục lục

Cuốn sách sẽ được khai triển theo ba giai đoạn:

1. Đầu tiên nhắc lại các đoạn sách Ngôn sứ Giô-na như duyệt một bộ phim; rồi phân tích cận cảnh bản văn theo dàn bài đã đề xuất.

2. Sau đó, bàn đến ý nghĩa của sách Ngôn sứ Giô-na: Ông Giô-na là ai? Thiên Chúa là ai? Cuốn sách mở ra hướng đi nào?

3. Cuối cùng nói đến nghệ thuật trong sách Ngôn sứ Giô-na và lý do bài Thánh vịnh xuất hiện trên môi miệng ông Giô-na.

Tác phẩm “Ngôn sứ Giô-na” dày 136 trang trên khổ giấy 14.5x20.5 cm không chỉ là một câu chuyện hay một giai thoại, sinh động, nhiều màu sắc và giàu bài học; mà còn là một cuốn sách Kinh thánh, thậm chí còn hơn Kinh thánh gấp hai lần nữa: theo nghĩa nó thuộc về thư quy của những cuốn sách được linh hứng và theo nghĩa cụ thể hơn, nó không ngừng qui chiếu đến các tác phẩm Kinh thánh trước đó, đến độ bất cứ một biểu tượng Kinh thánh nào được cuốn sách này qui chiếu thì chính nó cũng lại được các sách khác qui chiếu đến. Cuốn sách giúp ích cho những ai muốn tìm và hiểu biết hơn về một Thiên Chúa Xót Thương, không chỉ với Do thái giáo, nhưng còn là Ki-tô hữu và mọi dân tộc trên thế giới này, đồng thời mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ của mình, những Ki-tô hữu, khi đứng trước những người không cùng niềm tin. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

10 tháng mười một 2022, 09:44