Bệnh nhân tâm thần Bệnh nhân tâm thần 

Ông Grégoire Ahongbonon 30 năm đi khắp Tây Phi giúp bệnh nhân tâm thần

Trong 30 năm qua, ông Grégoire Ahongbonon đi khắp Tây Phi để giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần bị lãng quên.

Ngọc Yến - Vatican News

Với nụ cười quảng đại, khuôn mặt sâu lắng và dáng đi ôn hoà, ông Grégoire Ahongbonon hướng ánh nhìn quan sát xung quanh. Ở nơi người đàn ông 70 tuổi này toát ra một sự thư thái bình an, không có gì đặc biệt với dáng vẻ bên ngoài. Tuy nhiên nếu biết những gì ông đã làm trong 30 năm qua cho những người bệnh tâm thần, thì mọi người phải lấy làm cảm phục.

Grégoire nói ông làm như vậy để xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng và huynh đệ hơn. Nói một cách ngắn gọn, theo ông đó là để “xây dựng ở đây, ngay tại bây giờ Vương Quốc Thiên Chúa”.

Khi nhìn vào đôi mắt ông, người ta có thể thấy 2.000 khuôn mặt  của những người bị lãng quên. Đây là những người được ông cùng với hiệp hội Saint-Camille-de-Lellis, thành lập năm 1994, chào đón trong các trung tâm ở Benin, Côte d’Ivoire, Burkina và Togo.

Ở các trung tâm này, mọi người có thể nghe kể lại những câu chuyện thương tâm. Như Janvier, một thanh hiên đã từng bị cha mẹ xích trong bảy năm trước khi được ông Grégoire và hiệp hội giải cứu vào Chúa nhật Lễ Lá 1994. Một phụ nữ đã phát hiện ra tình trạng khốn khổ của anh và cũng biết việc làm của ông Grégoire nên đã xin ông can thiệp. Khi bước vào căn nhà của anh, ông thấy trong bóng tối một thanh niên bị xích ngồi trên nền nhà ẩm ướt, đôi mắt không tỏ thái độ giận dữ nhưng đầy u buồn. Được tự do và được chăm sóc, Janvier qua đời vài ngày sau đó. Nhưng theo ông Grégoire, anh ra đi với sự bình an và xứng nhân phẩm.

Những câu chuyện như thế không thiếu ở Tây Phi. Hiệp hội Saint-Camille-de-Lellis hiện có 21 trung tâm đón tiếp, tái hoà nhập và phát thuốc miễn phí mỗi tháng cho 2.000 người tâm thần. Từ các trung tâm này, rất nhiều người đã được cứu, được phục hồi nhân phẩm. Ông Grégoire nói: “Ở Saint-Camille, chúng tôi muốn giúp người bệnh đứng vững để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng tôi điều trị giúp họ tái hoà nhập xã hội”.

Với Saint-Camille, cuộc chiến của ông Grégoire vượt xa trợ giúp y tế cho bệnh nhân. Thực tế, ngoài giúp điều trị, ông còn làm việc chống lại ma thuật, nạn phù thuỷ đang tàn phá xã hội châu Phi. Do những niềm tin sai lầm này, những bệnh nhân tâm thần bị coi là bị bỏ bùa, bị cô lập, bị trói để không “gây ô uế” cho người khác.

Nhiệt tình và nhanh nhẹn, nhưng Grégoire đã trải qua đau khổ tâm lý đến mức từng có ý định tự tử do thất bại trong công việc và nợ nần chồng chất khi còn tuổi thanh niên. Nhưng nhờ đức tin, ông đã đứng dậy và quyết tâm dấn thân cho những người đau khổ.

Việc làm hàng ngày của ông là thăm bệnh nhân và tù nhân. Ông nói: “Mỗi lần đi thăm tù nhân, Chúa lại soi sáng cho tôi theo một cách mới, thấy con đường mới để theo. Lúc mới vào tù thăm tù nhân là điều không dễ. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta sống theo Tin Mừng, chúng ta sẽ không nề hà điều gì. Có một ai đó đang ở sâu trong bạn tiết lộ cho bạn những gì người đó muốn. Nhà tù đã trở thành Galilê của tôi”.

Đây là cách ông dẫn dắt hiệp hội của ông trong các nhà tù, trên đường phố, với những người phong cùi…và cuối cùng là những người bị bệnh tâm thần. Ông giải thích: “Các bệnh nhân tâm thần là những người rốt hết trong số những người dễ bị tổn thương nhất. Họ sống nhưng như không hiện hữu. Họ bị người khác ném đá, xúc phạm. Họ không có chỗ đứng trong xã hội”.

Ông cho biết thêm, những căn bệnh này thường gây chia rẽ trong các gia đình. Người bệnh thường lên cơn và có thể xúc phạm và chửi bới người thân. Nhưng chính người bệnh lại không quên những gì gia đình đã làm với họ như xiềng xích, cô lập. Vì thế, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, tái hoà nhập xã hội và hoà giải gia đình là ba sứ vụ của Saint-Camille-de-Lellis. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi não trạng bằng hành động, chứ không phải bằng những bài phát biểu. Tôi thường nói rằng nếu thực sự có phép thuật phù thuỷ, tôi sẽ là người đầu tiên bị tấn công. Tôi không thể vừa tin vào Thiên Chúa vừa sợ phù thuỷ. Tôi là nhà tạm di động, tôi luôn có Chúa ở trong tôi”.

Với những dấn thân dành cho các bệnh nhân tâm thần, ông đã nhận được một số giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng Genève về nhân quyền trong lĩnh vực Tâm thần học trong năm 2021. Nhưng ông không tự hào về điều này. Ông nói: “Mỗi ngày tôi cầu nguyện, làm sao để có thể thi hành thánh ý Chúa. Tôi xin Chúa giúp tôi để không phải làm theo ý tôi nhưng theo ý Người. Bạn chỉ có thể cho đi những gì Chúa đã cho bạn. Và khi Chúa ban, bạn không được giữ cho riêng mình. Bạn càng trao ban, thì càng được nhận lãnh, nhưng nếu bạn giữ lại cho riêng mình, Người sẽ không ban cho bạn nữa. Vì thế bạn phải trao ban tất cả”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

09 tháng tư 2022, 10:09