Nhà thờ Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều Tabgha bị đốt vào năm 2015 Nhà thờ Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều Tabgha bị đốt vào năm 2015 

Các lãnh đạo Giáo hội cảnh báo mối đe doạ đối với sự hiện diện của Kitô hữu ở Thánh Địa

Các lãnh đạo Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành ở Giêrusalem hợp lực cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự hiện diện của Kitô hữu ở Thánh Địa, đồng thời kêu gọi chính quyền dân sự ở Israel, Palestine và Jordan giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại.

Hồng Thủy - Vatican News

Ngày 13/12/2021 các Thượng phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem đã ký một tuyên bố chung về “Mối đe dọa hiện thời đối với sự hiện diện của Kitô hữu ở Thánh Địa”. Các ngài lưu ý rằng “các nhóm cực đoan nhỏ” đã tăng cường áp lực lên cộng đồng địa phương thông qua “các cuộc tấn công thường xuyên và liên tục”, với mục đích xua đuổi các Kitô hữu ra khỏi Giêrusalem và các nơi khác ở Thánh Địa.

Trong tuyên bố chung, các vị lãnh đạo Kitô giáo viết: “Kể từ năm 2012, đã có vô số vụ tấn công bằng lời nói và thể xác nhằm vào các linh mục và các giáo sĩ khác, các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, các nơi thánh thường xuyên bị phá hoại và xúc phạm, và liên tục đe dọa các Kitô hữu địa phương, những người chỉ đơn giản là tìm cách thờ phượng tự do và sống cuộc sống hàng ngày của họ.”

Các lãnh đạo Kitô giáo công nhận cam kết của chính phủ Israel trong việc cung cấp một “ngôi nhà an toàn và bảo đảm” cho các Kitô hữu, đồng thời bảo tồn cộng đồng như một “phần không thể thiếu trong tấm thảm của cộng đồng địa phương”, qua việc “chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc viếng thăm của hàng triệu Kitô hữu đến các địa điểm linh thánh của Thánh Địa.”

Tuy nhiên, những người đứng đầu các Giáo hội Kitô nói rằng cam kết này “bị phản bội bởi sự thất bại của các chính trị gia, quan chức và cơ quan thực thi pháp luật địa phương” trong việc ngăn chặn các hoạt động của các nhóm cực đoan đe dọa các Kitô hữu. Các vị đưa ra ví dụ việc các nhóm cực đoan mua tài sản trong Khu Kitô giáo của Giêrusalem, bất chấp luật pháp Israel đề cao “đặc điểm văn hóa và tâm linh” của Khu phố Do Thái. Các ngài cáo buộc các nhóm cực đoan dùng các giao dịch mờ ám và các chiến thuật đe doạ để đuổi người dân ra khỏi nhà của họ, nhằm làm giảm sự hiện diện của Kitô hữu tại địa phương và làm gián đoạn “các tuyến đường hành hương lịch sử giữa Bêlem và Giêrusalem”.

Các tổ chức Kitô giáo ở các nơi khác trên thế giới đã nhanh chóng ủng hộ lời kêu gọi của các lãnh đạo Kitô ở Giêrusalem. Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC), một tổ chức đại kết gồm 349 giáo hội, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tuyên bố và cuộc đối thoại mới. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

16 tháng mười hai 2021, 11:21