Tìm kiếm

Kitô hữu Ấn Độ Kitô hữu Ấn Độ 

Bách hại Kitô hữu gia tăng ở Ấn Độ

Diễn đàn Kitô Thống nhất có trụ sở tại thủ đô New Delhi cho biết, hiện nay ở một số khu vực của Ấn Độ nạn bách hại Kitô hữu gia tăng mạnh, mức độ gia tăng không chỉ hàng năm nhưng hàng tháng. Tổ chức yêu cầu chính phủ liên bang và tiểu bang có hành động ngay để ngăn chặn xu hướng này.

Ngọc Yến - Vatican News

Trong thông cáo báo chí công bố hôm 26/11 vừa qua, tổ chức nhân quyền cho biết, tính đến ngày 21/11 năm nay, có tổng cộng 511 vụ bách hại Kitô hữu được báo cáo so với 505 vụ vào năm 2021.

Theo dữ liệu thu thập được của Diễn đàn Kitô Thống nhất, những khu vực có sự bách hại Kitô nặng nề nhất gồm: bang Uttar Pradesh ở miền bắc Ấn, có 149 vụ bách hại chống Kitô hữu, trong khi tại bang Chhattisgarh Trung Ấn có 115 vụ. Ở miền nam, tại bang Tamil Nadu và Karnataka, mỗi bang xảy ra 30 vụ.

Trong hầu hết các vụ được báo cáo ở khắp nơi, các cuộc bạo hành chống Kitô hữu có sự tham gia của những nhóm dân bạo động và cả những thành phần cực đoan. Cách thức hành động của họ thường là đưa ra những cáo buộc các Kitô hữu có hoạt động cải đạo các tín đồ của các tôn giáo khác. Họ còn xông vào các buổi cầu nguyện của các Kitô hữu, hay tấn công các cá nhân và các nhóm nhỏ các Kitô hữu.

Tổ chức nhân quyền khẳng định, những vụ bạo động của các nhóm đông những người cuồng tín chống các Kitô hữu thường diễn ra mà không bị trừng phạt. Bởi vì cảnh sát nhắm mắt bỏ qua, không điều tra và truy tố thủ thạm, hoặc nhiều khi chính các nhân viên an ninh này hành động theo đám đông và bắt giữ các Kitô hữu, với lời cáo buộc các Kitô hữu cưỡng ép cải đạo.

Diễn đàn Kitô Thống nhất cho biết thêm, những hành động này xảy ra bất chấp có phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ ra lệnh cho chính phủ phải ngăn chặn các hành vi kinh khủng của đám đông bạo loạn.

Có 79 vụ cáo buộc các mục sư được ghi nhận, cho rằng các vị can dự đến những hoạt động cải đạo, mặc dù cho đến nay không một lời buộc tội nào được chứng minh trước tòa án. Nhiều giáo dân đang bị giam giữ lâu dài trong tù, vì họ bị các tòa án từ chối đưa ra xét xử. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng mười hai 2022, 12:17