Bữa ăn chung của người dân Tigray, Ethiopia sau khi nhận lương thực của WFP Bữa ăn chung của người dân Tigray, Ethiopia sau khi nhận lương thực của WFP 

Hệ thống y tế của Tigray hoàn toàn sụp đổ: bác sĩ địa phương cố gắng “tùy cơ ứng biến”

Hơn một tháng sau lệnh ngừng bắn nhân đạo vào ngày 24 tháng 3 do chính phủ Ethiopia dưới thời Thủ tướng Abiy tuyên bố, đã làm loé lên tia hy vọng lớn cho những người bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đến nay chỉ có 5 đoàn xe đã có thể vào vùng Tigray với khoảng 150 xe tải.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày cần ít nhất 100 xe tải chở thực phẩm và các vật dụng cứu trợ khác để trang trải nhu cầu của sáu triệu người trong khu vực xung đột.

Một nhân viên tham gia chương trình viện trợ nhân đạo cho biết: “Hai tuần mới có một đoàn xe thì không thấm vào đâu. Các container hàng có thể đến các khu vực bị ảnh hưởng, nhưng trên thực tế, chính phủ đang sử dụng hàng viện trợ như một phần của quá trình chính trị”.

Theo các nguồn tin chính thức, chính phủ đã bác bỏ tuyên bố này và trước đó cáo buộc Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) đã cướp các xe tải và chặn tuyến đường mà các đoàn xe nhân đạo sử dụng ở khu vực Afar gần đó.

Theo thông báo gửi tới hãng tin Fides, các nguồn cung cấp y tế và thực phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Chữ thập đỏ chuyển đến Mekelle chỉ có thể cung cấp hỗ trợ ở mức tối thiểu. Thuốc được vận chuyển bằng máy bay chỉ chiếm 4% số lượng cần thiết, và việc thiếu nhiên liệu tại địa phương cũng đồng nghĩa với việc nhiều loại thuốc hết hạn sử dụng trước khi được vận chuyển đến các trung tâm y tế. Một quan chức cấp cao tại sở y tế khu vực của Tigray cho biết: “Điều xảy ra là nếu bệnh nhân may mắn, thì ít nhất họ có thể nhận được những loại thuốc hết hạn sử dụng. Những người khác thì đau đớn và chết mà không có bất kỳ điều trị nào.”

Một nhân viên tại khu phụ sản của bệnh viện ở Ayder cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng ứng biến. Chúng tôi yêu cầu phụ nữ mang quần áo của họ đến bệnh viện để sử dụng như băng và gạc trong quá trình phẫu thuật và sinh nở. Những hành trình dài mà các sản phụ phải di chuyển trong điều kiện khó khăn do thiếu phương tiện chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông đưa ra một số ví dụ: “Một phụ nữ 20 tuổi mất một trong hai đứa trẻ song sinh và các biến chứng nghiêm trọng đã xuất hiện sau khi được khiêng bằng cán gỗ trong 18 giờ. Một phụ nữ khác, 31 tuổi, chết sau khi bị chảy máu trong quá trình chuyển dạ và không có máu để truyền. Một người thứ ba, 28 tuổi, chết vì một bệnh nhiễm trùng có thể điều trị được.” Vị bác sĩ cho biết thêm: “Hầu hết trong số họ chết tại nhà vì họ không được tiếp cận với các cơ sở y tế. Tất cả những điều đó có thể dễ dàng tránh được.”

“Thêm vào đó, việc cắt điện liên tục đã làm tắc nghẽn nguồn cung cấp oxy tại bệnh viện của chúng tôi ở Ayder. Hệ thống oxy tại các cơ sở y tế cũng đã bốc cháy hai lần trong tháng trước. Máy thở của bệnh viện được vận hành bằng máy phát điện. Nhưng trong một số trường hợp, các y tá - và đôi khi cả người nhà bệnh nhân - đã phải tự tay vận hành máy thở vì mất điện. Khi điều này xảy ra, hầu hết các trường hợp đều tử vong. Tất cả đều rất đau thương”, bác sĩ kết luận.

Trong sứ điệp Giáng Sinh trước khi ban phép lành Urbi et Orbi năm ngoái, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hoà bình cho Ethiopia: Cầu xin Thiên Chúa “giúp đất nước này tìm ra con đường hòa giải và hòa bình thông qua các cuộc đàm phán cởi mở, trong đó đặt nhu cầu của người dân lên hàng đầu”. Một lần gần đây, vào ngày 27 tháng 2, sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhớ đến “những cuộc chiến có nguy cơ bị quên lãng.” Bên cạnh cuộc chiến tại Ucraina, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đừng quên “những cuộc chiến đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, như ở Yemen, ở Syria và ở Ethiopia.” (Fides, 27/4/2022)

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

29 tháng tư 2022, 21:51