Tượng thánh Nicôla Tượng thánh Nicôla 

Kẻ trộm đột nhập nhà thờ trộm chiếc nhẫn vàng trên tay thánh Nicôla

Một kẻ trộm đã đột nhập vào đền thờ thánh Nicôla ở thành phố Bari, miền nam nước Ý, vào ban đêm, lấy trộm một chiếc nhẫn vàng từ ngón tay của bức tượng thánh Nicôla được tôn kính tại đền thờ.

Hồng Thủy - Vatican News

Theo Nhật báo “Người Đưa tin chiều” của Ý, cảnh sát thành phố Bari cho biết camera giám sát cho thấy một người đàn ông đội mũ trùm đầu và đeo khẩu trang đã phá cửa bằng kim loại để vào nhà thờ vào sáng sớm thứ Ba 22/3/2022. Các lãnh đạo Giáo hội nói rằng kẻ trộm đã lấy trộm tiền trong hòm các tín hữu dâng cúng và mở một tủ kính trưng bày pho tượng của vị thánh.

Ngoài chiếc nhẫn, kẻ trộm còn trộm cuốn sách được trang trí bằng bạc mà tượng thánh Nicôla cầm trong tay.

Đức tổng giám mục Bari Giuseppe Satriano nói với TV2000, một đài truyền hình Công giáo Ý rằng vụ trộm là cú sốc đối với người dân thành phố và tổn thương đến nền văn hoá của nơi này. Ngài cho rằng những đồ vật bị đánh cắp sẽ khó bán vì chúng nổi tiếng và được xếp vào danh mục.

Thị trưởng Antonio Decaro của thành phố Bari nói rằng vụ trộm là một sự phạm thánh, một hành động kinh tởm.

Thánh Nicôla - cầu nối giữa Tây phương và Đông phương

Thánh Nicôla là vị thánh được các tín hữu Công giáo và Chính Thống giáo tôn kính và thi hài của ngài thu hút rất nhiều khách hành hương từ Nga đến đền thờ ở thành phố Bari. Ngài rất được tôn kính ở thành phố Bari, và sự nổi tiếng của ngài được xem là cầu nối giữa Tây phương và Đông phương. Năm 2003, một bức tượng thánh nhân được dựng lên bên ngoài nhà thờ như món quà của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong bối cảnh chiến tranh xâm lược của Nga tại Ucraina, nhiều người muốn gỡ bỏ tấm bảng kỷ niệm món quà này.

Sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 3, thánh Nicôla là bổn mạng của các thủy thủ. Khi còn trẻ, ngài đã lên một con tàu để đi đến Đất Thánh, và trên đường trở về, con tàu đã bị đe dọa bởi một cơn bão lớn. Sau khi ngài cầu nguyện, sóng đã dần tan. Hài cốt của thánh nhân được lưu kính tại nhà thờ chính toà của thành phố Myra, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau khi thành phố này bị người Thổ Seljuk bao vây, vào năm 1087, các thủy thủ ở thành phố Bari đã đưa hài cốt thánh nhân về thành phố của họ và hài cốt được chôn cất trong hầm mộ của một nhà thờ mới. (AP 22/03/2022)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

24 tháng ba 2022, 10:47