Madeleine Pauliac Madeleine Pauliac 

Vị bác sĩ anh hùng đã giúp đỡ các nữ tu bị tấn công tình dục vào cuối Thế chiến thứ hai

Nữ bác sĩ trẻ tuổi đã giúp đỡ và an ủi các sơ trong tu viện khi họ chịu đựng hậu quả tàn bạo của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hà Mi - CTV Vatican News

[Cảnh báo: Đây là một câu chuyện về cưỡng hiếp và giết người trong thời gian chiến tranh. Độc giả nên cân nhắc trước khi đọc.]

Chiến tranh là hố đen của đau đớn, làm lộ ra những bản năng tồi tệ nhất của nhân tính, nhưng cũng làm sáng lên những tâm hồn can đảm và cao thượng. Đây là một câu chuyện bi đát kể về hành trình chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn, đồng thời tôn vinh sự vĩ đại và tinh thần liên đới của nữ giới.

Phụ nữ luôn là nạn nhân chính của các cuộc xung đột quân sự, trong đó tấn công tình dục là điều tồi tệ nhất mà họ phải trải qua. Dường như các binh sĩ có khả năng thực hiện hành vi tàn bạo như thế trên những người vô tội mà chẳng cần quan tâm những phụ nữ này là ai, người đã có chồng, sinh viên trẻ hay thậm chí là nữ tu.

Vào mùa xuân năm 1945, khi Thế Chiến thứ hai đi đến hồi kết, thì những người lính Nga rút từ Berlin về lại quê hương của họ.

Trên đường về, khi đi ngang qua Ba Lan, thay vì họ mang lại hòa bình mà người dân nơi đây hằng khao khát, họ lại gieo xuống kinh hoàng, trong đó có cả các nữ tu.

Cưỡng hiếp và giết người

Một nhóm lính Xô Viết đã tấn công tu viện tại đó và thay phiên nhau hãm hiếp các nữ tu trong nhiều ngày. Một vài nữ tu thậm chí bị giết sau khi chịu vô vàn sỉ nhục. Còn một số trong những người sống sót thì mang thai. Tất cả phải in hằn nỗi đau đớn, kinh hoàng và nhục nhã.

Trong khoảng thời gian tồi tệ đó, một nữ bác sĩ trẻ người Pháp tên là Madeleine Pauliac đã đến Ba Lan. Cô sinh ngày 16 tháng 9 năm 1912 tại Villeneuve-sur-Lot và đã tham gia nhiều hoạt động chữa lành hậu quả chiến tranh.

Pauliac vừa làm việc không ngừng tại một bệnh viện ở Paris và vừa tham gia vào nhiều tổ chức kháng chiến. Cô giúp những lính dù của Đồng Minh, cho người Do Thái ẩn nấu trong nhà mình, và thậm chí tham gia vào hàng trăm nhiệm vụ của Lữ Đoàn Xanh của Chữ Thập Đỏ. Vào đầu năm 1945, cô là một trong những bác sĩ nổi tiếng của quân đội Pháp, được đích thân tướng Charles de Gaule thăng chức trung úy.

Pauliac được gởi tới Moscow với nhiệm vụ đưa tù binh chiến tranh Pháp hồi hương. Cũng vào tháng Năm năm đó, cô được chuyển đến một bệnh viên của hội Chữ Thập Đỏ Pháp ở Warsaw.

Trong khi điều trị không ngừng nghỉ cho quân lính và chuẩn bị trở về Pháp, cô chứng kiến cảnh tàn phá hỗn loạn ở thủ đô Ba Lan. Những người lính thuộc quân đội Nga dường như phát điên và gây nên mọi thứ tội ác.

Đối diện với thống khổ kinh hoàng

Cô không thể tưởng tượng nổi chuyện những người lính này đã làm với các nữ tu dòng Biển Đức. Các sơ đã đến cầu cứu cô vì cô là một trong rất ít các nữ bác sĩ mà họ có thể nghĩ tới. Pauliac viết trong nhật kí những từ ngữ ngắn gọn mà cay đắng này sau khi cô đến thăm tu viện:

Có tổng cộng 25 nữ tu tại đó, 15 chị đã chết sau khi bị hãm hiếp và bị giết bởi lính Nga. 10 người còn sống đều bị hãm hiếp, người 42 lần, người 35 hay 50 lần... và 5 chị đã mang thai.

Các sơ bị dày vò bởi nỗi đau quá lớn về thể xác lẫn tinh thần. Một số chị cảm thấy đang ở tận cùng tuyệt vọng.

Những chị mang thai phải vác một thánh giá quá khủng khiếp. Vì quá sợ hãi và tuyệt vọng, họ thậm chí nghĩ đến chuyện phá thai. Pauliac đến với họ không chỉ với tư cách của một bác sĩ. Cô lắng nghe, an ủi và bằng mọi cách san sẻ nỗi thống khổ của họ bằng một tấm lòng rộng mở. Cô không đánh giá họ; cô chỉ lặng lẽ ở bên cạnh và cho họ một tia sáng le lói trong bóng tối khủng khiếp đang nhấn chìm ngôi nhà của họ. Cô cũng giúp sinh cho một số chị.

Qua đời khi còn trẻ

Để ở cạnh các sơ bất cứ khi nào họ cần, Pauliac tiếp tục làm việc tại bệnh viện tại Warsaw và tìm kiếm các thương binh trên đất Ba Lan.

Hoạt động của cô kết thúc đột ngột vào ngày 13 tháng 9 năm 1946 trong một tai nạn giao thông. Năm đó cô chỉ mới vừa tròn 34 tuổi. Người ta đưa cô về an nghỉ tại quê nhà. Pauliac được trao tặng hai huân chương cao quý nhất của nước Pháp là Croix de Guerre (Giải thưởng quân sự của Pháp) và Legion of Honor (Bắc Đẩu Bội Tinh).

Năm 2016, đạo diễn Anne Fontaine đã đưa câu chuyện của bác sĩ Madeleine Pauliac và các sơ tại Ba Lan lên màn ảnh rộng trong bộ phim The Innocents. (Aleteia 27/8/2021)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng chín 2021, 17:04