Các nữ sinh Namibia thăm đài tưởng niệm các nạn của nạn diệt chủng 1904-1908 Các nữ sinh Namibia thăm đài tưởng niệm các nạn của nạn diệt chủng 1904-1908  (AFP or licensors)

Giáo hội Đức hoan nghênh chính phủ nhìn nhận nạn diệt chủng ở Namibia

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Đức hoan nghênh việc chính phủ Đức nhìn nhận tội ác diệt chủng do Đức gây ra chống lại người Herero và Nama ở Namibia trong thời kỳ thuộc địa.

Ngọc Yến - Vatican News

Từ năm 1904-1908, hàng chục ngàn người Herero và Nama bị tàn sát do đã nổi dậy chống lại người Đức chiếm đất của họ. Các nhà sử học cho rằng đây là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.

Hôm thứ Sáu, 28/5 sau hơn 5 năm đàm phán khó khăn về những sự kiện bi thảm này, Berlin nhìn nhận “đau khổ lớn gây ra cho các nạn nhân” cũng như “trách nhiệm lịch sử và đạo đức” của Đức, và tuyên bố sẽ bồi thường cho Namibia vì những “hành động tàn bạo” đã gây ra. Cụ thể, Đức sẽ hỗ trợ “việc tái thiết và phát triển” của quốc gia châu Phi này qua một chương trình tài chính trị giá 1,1 tỷ euro trong vòng 30 năm.

Đức cha Heiner Wilmer, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, nhận xét: “Thỏa thuận với Namibia, và đặc biệt là sự công nhận chính thức rằng chế độ thực dân Đức đã thực hiện tội ác diệt chủng chống lại người Herero và Nama, là một bước tiến quan trọng, một dấu hiệu cho thấy chính phủ liên bang đang thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình một cách cụ thể và điều này đáng được tôn trọng”. Đức cha Heiner nói: “Chân thành nhìn nhận tội lỗi và trách nhiệm sẽ mở đường cho những bước tiến mới hướng tới hợp tác và hòa giải”.

Theo Đức cha Wilmer, thỏa thuận cũng là một ví dụ cho các cường quốc thuộc địa cũ khác của châu Âu. Hậu quả của lịch sử thuộc địa có tác động lâu dài đến nhiều xã hội và quan hệ quốc tế và thường cản trở khả năng chúng ta cùng nhau hành động. Ngài lập luận rằng, một cuộc kiểm tra trung thực và tự phê bình về lịch sử phức tạp này là điều kiện thiết yếu để thiết lập các mối quan hệ tin cậy. Tuy nhiên, thỏa thuận sẽ chỉ đem lại kết quả nếu các chủ thể xã hội ở Đức và Namibia đưa nó vào cuộc sống, bởi vì việc giải quyết hậu quả của chủ nghĩa thực dân chỉ có thể được thực hiện cùng nhau và hoàn toàn không phải là nhiệm vụ riêng của nhà nước. Giáo hội Công giáo sẽ tham gia vào quá trình này.

Ủy ban Công lý và Hòa bình, được Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương của Người Công giáo Đức hỗ trợ, đang làm việc với các dự án cụ thể trong lĩnh vực này với các tổ chức nhân đạo và các đối tác Giáo hội quốc tế.

Lãnh thổ Namibia ngày nay trở thành thuộc địa của Đức vào năm 1884 và được gọi là Deutsch-Südwestafrika. Hơn 60 ngàn người đã thiệt mạng trong các trại tập trung. Bị Nam Phi xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đến năm 1989, Namibia giành được độc lập.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

31 tháng năm 2021, 12:11