Cảnh sát Indonesia gác bên ngoài nhà thờ sau vụ nổ bom ở nhà thờ chính tòa Makassar hôm 28/3/2021 Cảnh sát Indonesia gác bên ngoài nhà thờ sau vụ nổ bom ở nhà thờ chính tòa Makassar hôm 28/3/2021  (AFP or licensors)

Các lãnh đạo các Giáo hội lên án vụ tấn công bằng bom hôm lễ Lá ở Indonesia

Các vị lãnh đạo thuộc các Giáo hội khác nhau đã lên án vụ tấn công bằng bom tại nhà thờ chính tòa Makassar trên đảo Sulawesi của Indonesia hôm Chúa Nhật lễ Lá, khiến cho ít nhất 20 người bị thương.

Hồng Thủy - Vatican News

Các giám mục Indonesia

Trong thông cáo được ký bởi Đức cha Yohannes Harun Yuwono, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Liên tôn của Hội đồng giám mục Indonesia, các giám mục Indonesia bày tỏ “sự lo lắng, cầu nguyện và đau buồn sâu sắc về vụ tấn công”. Các ngài nói rằng “nó không chỉ tấn công cộng đồng Công giáo mà còn tấn công toàn bộ Quốc gia và Nhà nước Indonesia”. Nó “làm suy giảm phẩm giá con người, hủy hoại các giá trị con người và thêm vào một danh sách dài các hành động khủng bố ở quần đảo thân yêu của chúng ta.” Các ngài kêu gọi người Công giáo và tất cả người dân Indonesia “giữ bình tĩnh” và “cảnh giác”.

Thông cáo cũng bày tỏ sự “tin tưởng hoàn toàn” của các giám mục đối với chính phủ Indonesia, lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia, và hy vọng “cuộc tấn công sẽ không gây tổn hại và làm suy yếu mối quan hệ” đã được xây dựng trong nhiều năm giữa các tín đồ của các tôn giáo.

Lãnh đạo Hồi giáo

Tổng thống Joko Widodo đã lên án vụ tấn công và nói rằng khủng bố là tội ác chống lại loài người. Ông Anwar Abbas, Phó chủ tịch Hội đồng Ulama Indonesia, chỉ trích vụ tấn công và nói rằng nó mâu thuẫn với các giá trị tôn giáo. Theo nhà lãnh đạo Hồi giáo, cuộc tấn công có liên quan đến việc lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã bắt giữ hàng chục phần tử khủng bố ở một số khu vực ở Indonesia kể từ tháng Giêng.

Hội đồng các Giáo hội Ki-tô thế giới 

Hội đồng các Giáo hội Ki-tô thế giới hiệp nhất cầu nguyện cho các các nạn nhân và gia đình của họ, cầu nguyện cho các thủ phạm, “những người trở thành mồi của ý thức hệ cực đoan đến mức sẵn sàng hủy hoại bản thân để làm tổn thương người khác.” Hội đồng cũng kêu gọi thế giới liên đới trong việc mang lại hòa bình, an ninh và công lý cho mọi người và mọi quốc gia.

Indonesia là quốc gia đông tín hữu Hồi giáo nhất nhưng có truyền thông bao dung và đa nguyên lâu đời, được thể hiện qua năm nguyên tắc sáng lập, được gọi là “Pancasila”. Tuy nhiên, từ hai thập kỷ qua, truyền thống này bị hủy hoại bởi các nhóm khủng bố và Hồi giáo cực đoan.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

30 tháng ba 2021, 11:59