Tìm kiếm

Giới trẻ ở Jakarta Giới trẻ ở Jakarta 

Ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, từ Jakarta đến toàn thế giới

ROMA, - Bảo vệ chủ nghĩa đa nguyên như "ân sủng của một Thiên Chúa Duy nhất", thúc đẩy tình huynh đệ và cuộc đấu tranh chính trị hóa đức tin tôn giáo: đây là một số chủ đề được bàn thảo trong một hội nghị với chủ đề "Đối thoại liên tôn trong cộng đồng người Indonesia ở châu Âu".

Ngọc Yến - Vatican

Buổi hội thảo được Đại sứ quán Cộng hòa Indonesia cạnh Tòa thánh tổ chức, quy tụ khoảng 50 đại biểu trẻ, đến từ các cộng đoàn người Indonesia thuộc 23 quốc gia ở châu Âu. Buổi hội thảo cũng có sự tham dự của một số quan chức cấp cao của chính phủ Jakarta và đại diện của sáu tôn giáo được nhà nước Indonesia công nhận: Hồi giáo, Công giáo, Tin lành, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Khổng giáo. Đại sứ Antonius Agus Sriyono nói với Hãng tin Công giáo châu Á rằng trong tám điểm được thảo luận, dự định đề xuất một "mô hình khoan dung, giúp vượt qua sự hiểu lầm giữa các tín đồ của các tôn giáo”.

Thực vậy, Indonesia muốn đảm nhận một vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo. Trong quốc gia này, có số người Hồi giáo đông nhất trên thế giới với hơn 260 triệu dân, hơn 600 dân tộc cùng sống chung, tạo thành cơ cấu xã hội, mỗi dân tộc có ngôn ngữ và truyền thống riêng. Đại sứ Indonesia cạnh Tòa thánh nhấn mạnh: "Tôi tin rằng sự hòa hợp và đa văn hóa là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa của người dân chúng tôi". Ông nói thêm: "Chúng tôi là những người hòa bình", mặc dù "nghiên cứu của tôi về chủ nghĩa cực đoan và thái độ cấp tiến đã cho thấy 7 phần trăm dân số tuyên bố theo hệ tư tưởng này. Tỷ lệ này thấp nhưng vẫn liên hệ đến 260 triệu người. Chúng tôi phải thận trọng và góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự hiểu biết lẫn nhau trong xã hội. Theo nghĩa này, những người trẻ sống ở nước ngoài chắc chắn là một phương sách".

Về phần mình, Nur Syam, Tổng thư ký Bộ các vấn đề tôn giáo nhắc lại rằng: "Tất cả chúng tôi là người Indonesia. Hồi giáo dạy tôn trọng và khái niệm về tình huynh đệ được nối kết trên ba cấp độ: giữa người Hồi giáo, giữa đồng hương và giữa tất cả mọi người. Là người, chúng ta đều là anh em. Trách nhiệm của chúng tôi là làm cho mọi người biết rằng đạo Hồi được kêu gọi dạy mọi người cách sống hài hòa, khoan dung và tôn trọng lẫn nhau».

Có mặt tại hội nghị, Henriette H. Lebang, đại diện cho các giáo phái Tin Lành, chủ tịch sự hiệp thông các Giáo hội Indonesia tuyên bố: "Xã hội của chúng ta là một xã hội đa nguyên nhưng chúng ta phải quan tâm đến sự đồng thuận của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn nhưng cũng phải yêu mọi con người, như chúng ta yêu chính mình; để vượt qua những định kiến và làm việc cùng nhau vì hòa bình và công bằng trong cộng đồng, tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt. Số đông là một món quà từ Thiên Chúa, nó không phải là gốc rễ của mọi vấn đề".

Vào cuối buổi gặp gỡ, tất cả các tham dự viên đã đến Vatican để gặp Đức ông Khaled Akasheh, người đứng đầu văn phòng Hồi giáo thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Trong cuộc họp, do cha Markus Solo Kewuta điều phối, Đức Ông Akasheh đã làm nổi bật những thành quả của sự dấn thân của Giáo hội Công giáo đối với một cuộc đối thoại "dựa trên sự chân thành và tôn trọng". Ngài giải thích: "Sự thật và tình yêu là đôi chân trên đó cuộc đối thoại của chúng ta di chuyển". Sau đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo Indonesia đã trình bày cho Đức ông Akasheh về kinh nghiệm về mối quan hệ liên tôn ở Indonesia, thúc đẩy và quản lý sự chung sống hòa bình giữa các cộng đồng khác nhau. (L’Osservatore Romano 11/07/2018)

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng bảy 2018, 14:49