Một vụ thử vũ khí hạt nhân Một vụ thử vũ khí hạt nhân 

ĐHY Parolin kêu gọi giải trừ vũ khí để an ninh được bảo đảm sau đại dịch

Trong bài tham luận tại hội thảo về chủ đề “Thúc đẩy giải trừ toàn diện vũ khí trong thời điểm đại dịch” do Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện tổ chức, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh: “Thúc đẩy an ninh toàn diện có nghĩa là chuyển đổi các công cụ thù hận thành các công cụ của hòa bình”.

Ngọc Yến - Vatican News

Đi từ câu hỏi “Đâu là những mối liên hệ giữa việc giải trừ toàn diện vũ khí và đại dịch?”, và qua khái niệm về an ninh toàn diện, Đức Hồng y Parolin đề nghị các tham dự viên của cuộc hội thảo tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi tiếp theo: Chúng ta mong muốn loại an ninh nào, và loại phương tiện nào có thể đem lại hiệu quả để đảm bảo an ninh đó?

Quốc vụ khanh Tòa Thánh giải thích rằng, đại dịch đã làm cho chúng ta hiểu rằng không ai được cứu một mình, một khái niệm đã được Đức Thánh Cha nhắc lại nhiều lần. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ không cứu được mình nếu chúng ta chạy đua vũ trang, xây tường thành. Việc sản xuất vũ khí phải nhường chỗ cho việc phân phối lương thực cho tất cả mọi người.

“Thúc đẩy an ninh toàn diện có nghĩa là chuyển đổi các công cụ thù hận thành các công cụ của hòa bình. Nghĩa là từ chối việc phổ biến vũ khí và chấp nhận việc thúc đẩy công ích và xóa đói giảm nghèo”, Đức Hồng y giải thích đồng thời nhấn mạnh rằng “Các cuộc khủng hoảng đang xảy ra trên các khu vực của hành tinh chỉ có thể giải quyết được nếu tất cả chúng ta cùng nhau hành động. Vì khi cùng nhau hành động chúng ta mới có thể đưa ra các giải pháp để giải quyết các thách đố, tất cả đều có sự liên kết sâu sắc với nhau”.

Theo Quốc vụ khanh Tòa Thánh, an ninh phải được gắn liền với tình liên đới, công lý, sự phát triển con người toàn diện, quyền cơ bản của con người và việc chăm sóc thụ tạo. Do đó, cần phải loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, xóa bỏ nạn buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ và nhẹ, và chú ý đến các công cụ chiến tranh mới chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Ngoài ra còn phải cam kết giáo dục vì hòa bình và giải trừ vũ khí, không bỏ qua những nỗ lực thúc đẩy văn hóa sự sống, hòa bình và chăm sóc. 

Đức Hồng y Parolin kết luận: Đại dịch cho thấy tính ích kỷ chỉ lo cho chính mình là điều rất nguy hiểm. Do đó thời gian này là một cơ hội không thể lãng phí để tăng cường cách tiếp cận của chúng ta đối với an ninh toàn diện.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

25 tháng ba 2021, 10:40