Giáo dân tham dự một Thánh lễ ngoài trời ở thành phố Nantes, Pháp Giáo dân tham dự một Thánh lễ ngoài trời ở thành phố Nantes, Pháp 

Hạn chế tôn giáo nhân danh đại dịch Covid-19

Tòa Thánh lên tiếng phê bình những hạn chế thái quá của một số nhà cầm quyền, nhân danh các biện pháp chống đại dịch Covid-19, đối với tự do hành đạo của các tín hữu.

 G. Trần Đức Anh O.P

 Hạn chế tự do hành đạo

 Từ hơn 8 tháng nay, cùng với những tin tức về đại dịch Covid-19 cũng có những tin về việc hạn chế các hoạt động phụng tự tôn giáo. Có những nơi chính quyền cấm luôn các buổi lễ tôn giáo suốt 7 tháng trời và mới cho mở cửa lại khi số người bị lây giảm xuống thật thấp, như trường hợp bang Maharashtra bên Ấn độ với quyết định của thủ tướng Uddhav Thackery của tiểu bang hôm 15/11/2020. Bang này có tổng giáo phận Mumbai với vị Tổng Giám Mục là Đức Hồng Y Oswald Gracias, cũng là 1 trong 7 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha. Không thấy tin nào về sự phản đối của giáo quyền Công Giáo hoặc các tôn giáo khác trong thời gian bị giới nghiêm.

 Phản ứng tại một số nơi

 Tại Pháp

 Có những nơi khác, giáo dân và giáo quyền phản đối, như trường hợp tại Pháp mới đây, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã kiện lên tham chính viện, tức là Tòa án tối cao về hành chánh, để khiếu nại về việc chính phủ cấm các buổi lễ tôn giáo và như thế là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Eric de Moulins viết: ”Lệnh của chính phủ Pháp cấm cử hành thánh lễ và các bí tích khác trong cộng đoàn là điều thái quá. Đối với các tín hữu Công Giáo, các buổi cử hành này là điều sinh tử, vì các buổi lễ ấy là một cuộc gặp gỡ Chúa và các anh chị em. Các tín hữu Công Giáo hoàn toàn được động viên chống đại dịch và tôn trọng toàn bộ các qui luật vệ sinh chống dịch từ đầu đến nay”.

 Điều số 47 trong sắc luật về tình trạng y tế khẩn cấp được công bố hôm 29-10-2020 trên công báo của chính phủ Pháp qui định rằng các nơi thờ phượng ... được phép mở cửa, nhưng mọi cuộc tụ tập trong các nơi ấy bị cấm, ngoại trừ lễ an táng với giới hạn tối đa 30 người”.

 Tham chính viện xử cho chính phủ Pháp thắng, nhưng yêu cầu chính phủ phải nói chuyện với các vị lãnh đạo tôn giáo vào ngày 16/11/2020 để thoả thuận với nhau, và sau cuộc họp hôm đó, các biện pháp của chính phủ tiếp tục được áp dụng cho đến đầu tháng 12 tới đây.

 Tại Anh quốc và Mỹ

 Tại Anh quốc, hơn 120 vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô đã phản đối lệnh của chính phủ bắt đóng cửa các nhà thờ vì coi đây là một sự vi phạm tự do tôn giáo và biện pháp này không cần thiết để bài trừ sự lan lây của Coronavirus. Cũng vậy tại giáo phận San Francisco và Brooklyn bang New York Hoa Kỳ, và nhiều nơi khác. Ví dụ hồi tháng 9 năm nay, chính quyền thành phố San Francisco, bang California, chỉ cho phép tối đa 12 người dự các buổi lễ ngoài trời, và cấm các buổi cử hành bên trong thánh đường. Trong khi đó, các khách sạn ở San Francisco được mở lại hoàn toàn; các phòng tập thể dục được mở lại với 10% sức chứa, và hầu hết các tiệm bán lẻ được nhận 50% khả năng trong khi các siêu thị được mở tới 25%.

 Phản ứng của Tòa Thánh

 Tòa Thánh phản ứng thế nào về những hiện tượng trên đây? Trước tiên là Đức Ông Janusz Urbanczyk, Đại diện Tòa Thánh cạnh tổ chức an ninh và cộng tác Âu Châu, OSCE, tại thủ đô Vienne bên Áo. Trong bài tham luận hôm 10/11/2020 tại khóa họp của tổ chức OSCE, Đức Ông Urbanczyk kêu gọi các chính quyền hãy tôn trọng quyền tự quyết của các cộng đoàn tôn giáo, tránh ban hành những thứ luật chống kỳ thị có thể giới hạn quyền thu nhận và sa thải nhân viên hợp với quan điểm và lợi ích của các cộng đoàn tôn giáo. Ngoài ra người ta thấy rõ các biện pháp khác nhau do nhà nước áp đặt để chống đại dịch Covid-19, có ảnh hưởng sâu đậm đến quyền tự do được biểu lộ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, và thu hẹp các hoạt động tôn giáo, giáo dục, từ thiện của các cộng đồng tín ngưỡng. Các nhà lập pháp phải luôn ý thức về những hậu quả trầm trọng của những qui luật họ lập ra cho các cộng đoàn tôn giáo, các cộng đoàn này có một vai trò quan trọng trong việc bài trừ cuộc khủng hoảng hiện nay, không những nhờ những hỗ trợ tích cực của các tôn giáo trong lãnh vực sức khỏe, nhưng còn nhờ sự ủng hộ tinh thần và các sứ điệp liên đới và hy vọng của các tôn giáo nữa” (OSCE 10-11-2020).

 Ngoại trưởng Tòa Thánh lên tiếng

 Và mới đây hơn, hôm 16/11/2020, tại hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng về việc đẩy mạnh tự do tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã nói: ”Điều đã rõ là những hạn chế khác nhau do các nhà nước áp đặt để bài trừ đại dịch có những ảnh hưởng quan trọng đối với quyền tự do được biểu lộ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của một người và hạn chế các hoạt động tôn giáo, giáo dục và từ thiện của các cộng đồng tôn giáo. Về vấn đề này, các chính quyền cần ý thức về những hậu quả nghiêm trọng mà các biện pháp hạn chế có thể tạo ra cho các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng, các cộng đồng này vốn giữ một vai trò quan trọng trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng, không những vì họ tích cực hỗ trợ trong lãnh vực săn sóc sức khỏe, nhưng còn vì sự hỗ trợ luân lý và tình thần cũng như những sứ điệp liên đới và hy vọng của họ.”

 ”Đặc biệt trong Công Giáo, việc lãnh nhận các bí tích là một dịch vụ thiết yếu. Theo nghĩa này, cần nhắc lại rằng quyền tự do phụng tự không phụ thuộc vào quyền tự do hội họp, nhưng là thành phần thiết yếu của tự do tôn giáo. Trong khi tìm cách bảo vệ các sinh mạng khỏi sự lan lây virus, chúng ta không được đặt chiều kích tinh thần và luân lý của con người tùy thuộc cuộc sống trần thế này”.

 Các nhà chức trách thiếu ý thức về tầm quan trọng của tôn giáo

Hai bài tham luận trên đây của các chức sắc Tòa Thánh phản ánh một thực tại: có những chính quyền hoặc cố ý, hoặc không am tường vai trò của tôn giáo trong đời sống người dân, nên đã đề ra các biện pháp không cần thiết hạn chế sinh hoạt tôn giáo một cách thái quá, mà không để ý đến nguyện vọng chính đáng của các tín hữu và không ý thức rằng tôn giáo có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc chống lại sự lan lây của đại dịch. Như cuộc thăm dò dư luận do Tổ chức Becket Bênh Vực tự do tôn giáo ở Mỹ thực hiện và công bố hôm 17/11/2020 trong Phúc trình thường niên thứ 2 về chỉ số tự do tôn giáo, theo đó đa số dân Mỹ muốn rằng trong việc hạn chế các hoạt động để tránh lây nhiễm Coronavirus, các nhà thờ không thể bị đối xử ngặt hơn các hoạt động thương mại.

 Đa số những người được hỏi ý kiến trong cuộc thăm dò dư luận đều nói rằng chính quyền và các quan chức y tế công cộng phải đối xử với các nơi thờ phượng ít nhất cũng với sự ưu tiên mở cửa giống như các doanh vụ khác như siêu thị, tiệm ăn, và các tiệm bán lẻ.

 Ông Luke Goodrich, cố vấn cấp cao của tổ chức Becket và là đồng biên soạn phúc trình chỉ số tự do tôn giáo, nói rằng: ”Dân Mỹ coi tín ngưỡng là một sức mạnh thiết yếu, có sức kiến tạo ổn định giữa một đại dịch và họ muốn các đại biểu dân cử hoạt động tốt hơn trong việc bảo vệ tự do tôn giáo... Tất cả chúng ta sẽ được tốt đẹp hơn nếu các vị lãnh đạo và các quan chức chính quyền tôn trọng hơn giá trị nền tảng của tự do tôn giáo” (CNA 17-11-2020)

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

22 tháng mười một 2020, 06:33