2020.10.05 banner fratelli tutti 2020.10.05 banner fratelli tutti 

Vài dư âm về Thông điệp mới ”Fratelli tutti” của ĐTC

Trong những ngày qua, đã có nhiều phản ứng ca ngợi từ phía các HĐGM, các giáo phận, các phong trào và tổ chức, kể cả từ phía Hồi giáo đối với Thông điệp mới Fratelli tutti - Tất cả anh em - của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng bên cạnh đó cũng có một số ý kiến phê bình Thông điệp này.

 G. Trần Đức Anh OP

1 tuần đã trôi qua từ sau khi Thông điệp thứ ba của ĐTC Phanxicô với tựa đề là ”Fratelli tutti”, tất cả anh chị em, về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, được ngài ký tại Assisi chiều thứ bẩy 3/10/2020 và được công bố trong cuộc họp báo sáng chúa nhật 4/10/2020 tại Vatican. Đó đây, người ta thấy có những phản ứng đề cao tầm quan trọng, tính cách thời sự của thông điệp Fratelli tutti và nhiều khi rút ra ngay những áp dụng cho địa phương của mình.

 Tại Pháp

 Ví dụ, Ban thường vụ Hội đồng giám mục Pháp gồm 11 vị đã công bố thông cáo sau khóa họp từ ngày 5-6/10 vừa qua về tình hình đất nước. Các vị nhắc đến thông điệp mới của ĐTC và nhấn mạnh đến những điểm có thể áp dụng vào hoàn cảnh của Pháp, như sự kiện chính quyền đang lo âu vì hoạt động của một số phe nhóm muốn biến một số khu phố trong các thành thị của Pháp thành những khu vực không phải tuân theo các luật lệ điều hành xã hội nữa. Các GM Pháp khẳng định rằng ”Cuộc chiến chống bạo lực và sự canh chừng những thái độ của một số người chắc chắn là điều cần thiết, nhưng chúng vẫn không đủ và bất lực, nếu tất cả chúng ta không hoạt động để kiến tạo những tương quan huynh đệ, chẳng vậy tự do và sự bình đẳng sẽ mất ý nghĩa. Tình huynh đệ có thể mạnh mẽ hơn những thủ đoạn ly khai, nếu nó được sống trong sự thật, không thơ ngây và có sự kiên trì.

 Nhắc đến sự việc từ vài ngày nay, Thượng Viện Pháp bắt đầu thảo luận về việc tu chính các đạo luật về đạo đức sinh học, các giám mục Pháp tái bày tỏ lo âu về những điều khoản đã được Quốc hội Pháp thông qua. Ngoài ra, từ vài tuần nay có những áp lực gia tăng đòi Quốc hội Pháp phải nới rộng thời hạn phá thai từ 12 lên 14 tuần lễ, nhân danh các quyền của phụ nữ và sự bình đẳng. Các GM Pháp nhận xét khi đòi như thế, người ta coi việc sinh con chỉ là một hành vi tùy thuộc ý muốn của những người muốn trở thành cha mẹ. Một trẻ em không còn được đón nhận nữa, nó được mong muốn, sản xuất và chọn lựa. Các giám mục đặt câu hỏi: ”Phải chăng một xã hội có thể trở nên huynh đệ hơn khi nó không có gì tốt hơn để đề nghị với các bà mẹ đang ở trong tình trạng khó khăn ngoài biện pháp loại trừ người con mà họ đang cứu mang sao? Một xã hội có thể là huynh đệ hay không khi nó sắp xếp sự sinh ra của các trẻ em không có cha, cùng lắm chỉ là một người sinh ra về sinh lý? (HDGM Pháp 6-10-2020)

 Tại Ailen

 Tại Ailen, ngay trong tuần đầu tháng 10 này, Hội đồng giám mục đã thảo luận về Thông điệp mới của ĐTC trong khóa họp mùa thu tại Học Viện Maynooth gần thủ đô Ailen, dưới dạng trực tuyến. Các vị nhận định rằng thật là điều ý nghĩa khi ĐTC Phanxicô đã soạn và công bố thông điệp này giữa thời kỳ thế giới bị đại dịch, nhắc nhở chúng ta không những về mối liên hệ với nhau và với toàn thế giới, nhưng cả sự mong manh của chúng ta và nhu cầu chung cần có sự cảm thông, tình thương và hy vọng mà niềm tin nơi Thiên Chúa có thể mang lại. Thông điệp Fratelli tutti nói trực tiếp về trách nhiệm của đức tin và của các vị lãnh đạo dân sự trong xã hội chúng ta. Và các giám mục Ailen khuyến khích tất cả các tín hữu hãy học hỏi Thông điệp này để được sự hướng dẫn của ĐTC trong thời điểm lịch sử hiện nay.

 Các giám mục Hoa Kỳ

 Các giám mục Hoa Kỳ cũng nhiệt liệt chào mừng Thông điệp mới của ĐTC và gọi đây là một giáo huấn sâu xa và rất đẹp về phẩm giá con người. Đức tổng giám mục Jose Gomez của Giáo phận Los Angeles, Chủ tịch Hôi đồng giám mục Mỹ, gọi thông điệp Fratelli tutti là một đóng góp quan trọng cho đạo lý xã hội Công Giáo: ”Thiên Chúa là Cha chúng ta đã tạo dựng mỗi người với phẩm giá và sự thánh thiêng đồng đều, các quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng, và Đấng Tạo Hóa kêu gọi chúng ta họp thành một gia đình nhân loại duy nhất, trong đó chúng ta sống như anh chị em với nhau”. ĐTC cũng trình bày cho chúng ta một cái nhìn mạnh mẽ và cấp thiết về sự canh tân luân lý cho chính trị, các tổ chức chính trị và kinh tế từ cấp địa phương đến cấp hoàn cầu, kêu gọi chúng ta xây dựng một tương lai chung, thiện ích đích thực của mỗi người.” ĐTC Phanxicô cũng thúc giục chúng ta hãy vượt thắng chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa ngày nay, và phục vụ những người láng giềng trong tình yêu thương, nhìn thấy Chúa Giêsu nơi mỗi người”.

 Trong bầu không khí tuyển cử

 Cũng tại Hoa Kỳ, trong bầu khí chuẩn bị bầu cử Tổng thống hiện nay, có những người nhìn Thông điệp mới của ĐTC qua lăng kính thực tại ở Mỹ. Chẳng hạn nhóm ”Đức Tin trong hành động đời sống công cộng” (Faith in Public Life Action) nhìn thấy trong thông điệp Fratelli tutti những lời khiển trách tổng thống Donald Trump vì chính sách của ông. Theo ông John Gehring, lãnh tụ nhóm Công Giáo này, sự việc ĐGH lên án rõ ràng xu hướng quốc gia chủ nghĩa, và thái độ mị dân khi chống những người nhập cư, là nhắm đánh vào chủ trương ”America First” của Tổng thống Trump, mọi ưu tiên phải được dành cho người Mỹ trước tiên!

 Thực ra, trong thông điệp, ĐTC Phanxicô không hề nhắc đến tổng thống Trump hay nước Mỹ, nhưng theo ông Gehring, ĐGH phê bình ”cách cường điệu hóa, thái quá, cực đoan và phân cực đã trở thành công cụ chính trị”.

 Còn nữ tu Simone Campbell, giám đốc tổ chức Công Giáo ”Network” coi thông điệp mới của ĐGH là một lời buộc tội chống cá nhân chủ nghĩa vô độ, khai thác kinh tế. Đây là một sự thất bại về luân lý của giới lãnh đạo Hoa Kỳ hiện nay mà người Công Giáo không thể chấp nhận được.

 Về phần ký giả Công Giáo Dionne Junior của tờ ”Washington Post” thì nhận xét rằng trong Thông điệp, ĐGH củng cố đạo lý của Hội thánh về việc bảo vệ sự sống, nhưng không dùng đích thị từ ”phá thai”. Trái lại 12 lần trong thông điệp, ĐGH lên án án tử hình. Điều này làm cho các tín hữu Công Giáo bảo thủ và hữu phái khó hiểu, vì theo họ, tiếng nói duy nhất đúng ở đây là tiếng của Tổng thống Trump (KNA 8-10-2020)

 Vài phản ứng phê bình

 Cũng có những người phê bình quan niệm về kinh tế trong Thông Điệp mới của ĐTC và cho là không đúng, như một kinh tế gia nổi tiếng ở Đức, hoặc cho rằng chiều kích siêu nhiên hoàn toàn vắng bóng trong thông điệp, như thể đây là một bản văn của những người tam điểm, cổ võ thái độ dửng dưng về tôn giáo, đạo nào cũng như nhau.

 Quan tâm chủ yếu của ĐTC

 Nhưng thực ra, mối quan tâm của ĐTC trong Thông điệp là, sau khi trình bày trong chương I những bóng tối của một thế giới khép kín, đầy ích kỷ, ngài muốn đề ra một con đường để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, bằng cách cổ võ mọi người hãy xác tín: thế giới là một đại gia đình nhân loại, trong đó tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau, là ”đồng bào” của nhau, là ”tứ hải giai huynh đệ”. Với xác tín đó, con người sẽ chăm sóc nhau hơn; một người anh thấy đứa em mình bị cướp đánh và bị bỏ mặc bên vệ đường, thì không thể không hành động như người Samaria nhân lành; một người chị chế được vắc-xin, thấy những đứa em có thể bị virus corona đe dọa, không thể không chia xẻ vắc-xin đó cho các em.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

11 tháng mười 2020, 06:08