Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin 5/3: Chiêm ngắm Chúa biến hình dẫn đến hành động

Trưa Chúa Nhật ngày 5/3, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu của Chúa nhật thứ II Mùa Chay về việc Chúa biến hình trước sự chứng kiến các môn đệ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khuôn mặt rạng ngời của Chúa biến hình và khuôn mặt biến dạng của Chúa trên Thập giá là một. Vì vậy, không phải chạy theo vẻ hào nhoáng, nhưng bước theo một Thiên Chúa thật.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Tin Mừng về Chúa Biến Hình được công bố: Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, và tỏ mình ra cho các ông với tất cả vẻ đẹp của Con Thiên Chúa (x. Mt 17:1- 9). .

Chúng ta hãy dừng lại một chút ở khung cảnh này và tự hỏi: vẻ đẹp này bao gồm những gì? Các môn đệ thấy gì? Một hiệu ứng trình diễn? Không, không phải vậy. Họ nhìn thấy ánh sáng thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa trên khuôn mặt và y phục của Chúa Giêsu, là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Người mặc khải sự vĩ đại của Thiên Chúa, vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu, và do đó, các môn đệ đã tận mắt chứng kiến ​​vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô. Một sự hưởng nếm trước của thiên đàng. Thật là điều bất ngờ cho các môn đệ! Từ lâu họ đã tận mắt chứng kiến khuôn mặt của Tình yêu, và họ chưa bao giờ nhận ra khuôn mặt ấy đẹp như thế! Chỉ đến bây giờ họ mới nhận ra điều đó, với niềm vui vô hạn.

Thực tế, với kinh nghiệm này Chúa Giêsu đang huấn luyện họ, đang chuẩn bị họ cho một bước còn quan trọng hơn. Thật vậy, chẳng bao lâu nữa, họ sẽ phải biết cách nhận ra cùng một vẻ đẹp ở nơi Người, khi Người bị treo trên thập giá và khuôn mặt của Người bị biến dạng. Phêrô khó khăn để hiểu: ông muốn thời gian dừng lại, muốn đặt mọi khung cảnh ở trạng thái “tạm dừng”, muốn ở lại đó và kéo dài trải nghiệm tuyệt vời này; nhưng Chúa Giêsu không cho phép. Thật sự, ánh sáng của Người không thể bị giảm xuống thành một “khoảnh khắc kỳ diệu”! Nếu như thế, ánh sáng ấy trở thành một thứ nhân tạo và giả tạo, tan biến trong làn sương mù của những cảm giác thoáng qua. Trái lại, Chúa Kitô là ánh sáng dẫn lối hành trình, như cột lửa cho dân chúng trong sa mạc (x. Xh 13,21). Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không làm cho các môn đệ xa rời thực tại cuộc sống, nhưng ban cho họ sức mạnh để theo Người lên Giêrusalem, đến tận thập giá. Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không phải là bỏ trốn thực tại, nhưng thúc đẩy bạn bước tới.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng này chỉ ra một con đường cho chúng ta: Tin Mừng dạy chúng ta biết tầm quan trọng của việc ở với Chúa Giêsu, ngay cả khi không dễ để hiểu được mọi điều Người nói và làm cho chúng ta. Thật vậy, chính nhờ ở với Người mà chúng ta học cách nhận ra, nơi khuôn mặt của Người, vẻ đẹp rạng ngời của tình yêu trao ban, ngay cả khi mang dấu thập giá. Và chính tại trường học của Người, chúng ta học cách cảm nhận cùng một vẻ đẹp trên khuôn mặt của những người cùng bước đi bên cạnh chúng ta hàng ngày: các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người chăm sóc chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Bao nhiêu khuôn mặt sáng ngời, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nếp nhăn, bao nhiêu nước mắt và vết sẹo nói lên tình yêu xung quanh chúng ta! Chúng ta học cách nhận ra và lấp đầy con tim bằng những điều ấy. Sau đó chúng ta lên đường, mang ánh sáng mà chúng ta đã nhận được cho những người khác, bằng những việc làm cụ thể của tình yêu (x. 1 Ga 3,18), dấn thân một cách quảng đại hơn vào những công việc hàng ngày của chúng ta, yêu thương, phục vụ và tha thứ với lòng nhiệt thành và sẵn sàng hơn. Chiêm ngắm sự kỳ diệu của Thiên Chúa, chiêm ngắm khuôn mặt của Thiên Chúa phải đưa đến việc phục vụ người khác.

Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có biết nhận ra ánh sáng tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có nhận ra điều đó với niềm vui và lòng biết ơn trên khuôn mặt của những người yêu mến chúng ta không? Chúng ta có đang tìm kiếm xung quanh mình những dấu hiệu của ánh sáng này, ánh sáng lấp đầy trái tim chúng ta và mở rộng chúng ra để đón nhận tình yêu và sự phục vụ không? Hay chúng ta thích những ngọn lửa rơm thần tượng, vốn khiến chúng ta xa lánh và khép kín chính mình? Chúng ta yêu thích ánh sáng thật của Chúa hay ánh sáng giả tạo của các thần tượng?

Xin Mẹ Maria, Đấng luôn giữ trong lòng ánh sáng của Con Mẹ, ngay cả trong bóng tối của đồi Canvê, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tình yêu.

---

Sau Kinh Truyền Tin, trước hết Đức Thánh Cha chia buồn và bày tỏ sự gần gũi với những người bị thương và gia đình của những người thân qua đời trong vụ tai nạn tàu ở Hy Lạp.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự đau buồn về thảm hoạ đắm tàu ở vùng nước Cutro thuộc tỉnh Crotone, với nhiều người chết. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Ngài cũng gởi lời cảm ơn đến những người dân địa phương đã liên đới, hỗ trợ và đón tiếp những anh chị em sống sót. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi sự dấn thân của mọi người để thảm hoạ này không xảy ra nữa.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào thăm mọi tín hữu hiện diện trong buổi đọc Kinh Truyền Tin. Ngài chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

05 tháng ba 2023, 12:54

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >