Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin (1/11): Mừng tất cả các Thánh

Lúc 12 giờ trưa thứ Ba, 1/11, lễ Trọng Kính tất cả Các Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Như thường lệ, trước khi đọc kinh, ĐTC đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng được đọc trong ngày lễ. Đức Thánh Cha khai triển một trong các mối phúc của Tin Mừng hôm nay, đó là: Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, mừng lễ tất cả Các Thánh, chúng ta có thể có một ý nghĩ sai lầm: chúng ta có thể nghĩ đến việc đang mừng những anh chị em, những người hoàn hảo trong cuộc sống, luôn luôn thẳng lối, chính xác, đúng hơn là “cứng nhắc”. Ngược lại, bài Tin Mừng hôm nay bác bỏ cái nhìn rập khuôn này, “sự thánh thiện như tranh vẽ” này. Trên thực tế, các Mối Phúc của Chúa Giêsu (x. Mt 5,1-12), là căn tính của các thánh, cho thấy điều hoàn toàn ngược lại: chúng nói về một cuộc sống ngược dòng và cách mạng! Các thánh là những người thực sự cách mạng.

Chúng ta hãy lấy ví dụ về một mối phúc rất thực tế: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (câu 9), và chúng ta thấy sự bình an của Chúa Giê-su rất khác so với những gì chúng ta tưởng tượng. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, nhưng thường những gì chúng ta muốn là ở trong hòa bình, được yên ổn, không có vấn đề gì ngoài sự tĩnh tại. Trái lại, Chúa Giê-su không nói phúc cho những ai đang ở trong sự bình an, nhưng phúc cho những ai tạo nên hòa bình và đấu tranh để tạo nên hoà bình, những người xây dựng, những người làm nên hòa bình. Thật vậy, hòa bình phải được xây dựng và cũng giống như bất kỳ công trình xây dựng nào, nó đòi hỏi sự dấn thân, cộng tác và kiên nhẫn. Chúng ta muốn hòa bình như mưa rơi xuống từ trên cao, ngược lại Kinh Thánh nói đến “hạt giống hòa bình” (Dcr 8,12), để nó nảy mầm từ đất sự sống, từ hạt giống trong lòng chúng ta; nó phát triển trong im lặng, ngày này qua ngày khác, qua các công việc của công lý và lòng thương xót, như những nhân chứng sáng ngời mà chúng ta ca tụng hôm nay cho chúng ta thấy. Chúng ta được thuyết phục để tin rằng hòa bình đi kèm với sức mạnh và quyền lực: đối với Chúa Giê-su thì ngược lại. Cuộc đời của Người và của các thánh cho chúng ta biết rằng hạt giống hòa bình, để lớn lên và đơm hoa kết trái, trước hết phải chết đi. Hòa bình không đạt được bằng cách chinh phục hoặc đánh bại ai đó, nó không bao giờ là bạo lực, nó không bao giờ được trang bị vũ khí. Tôi đã xem chương trình “Theo Hình ảnh của Người”, có nhiều vị thánh nam nữ đã phải chiến đấu để xây dựng hoà bình, với công việc của họ, cho đi chính cuộc sống của họ.

Làm thế nào để trở nên những người kiến​​tạo hòa bình? Điều trước hết cần là loại bỏ vũ khí khỏi trái tim. Đúng vậy, bởi vì tất cả chúng ta đều được trang bị với những suy nghĩ gây hấn, chống lại người khác, và với những lời sắc bén, và chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang tự bảo vệ mình bằng những hàng rào thép gai của sự phàn nàn và những bức tường bê tông của sự thờ ơ; với sự phàn nàn và thờ ơ, chúng ta bảo vệ mình nhưng đây không phải là hoà bình, mà là chiến tranh. Hạt giống của hòa bình đòi hỏi việc loại bỏ vũ khí khỏi con tim. Bằng thế nào? Bằng cách mở trái tim cho Chúa Giêsu, Đấng là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14); đứng trước Thập giá của Người, là ngai toà của hòa bình; nhận từ Người, nơi Bí tích Hoà giải, “sự tha thứ và bình an”. Từ đây chúng ta khởi đầu, bởi vì trở thành người xây dựng hòa bình, là thánh, không phải do khả năng của chúng ta, nhưng là món quà của Người, là ân sủng.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào mình và tự hỏi: chúng ta có phải là những người xây dựng hòa bình không? Nơi chúng ta sống, học tập và làm việc, chúng ta có mang đến căng thẳng, lời nói tổn thương, tám chuyện gây độc hại, tranh cãi chia rẽ không? Hay chúng ta mở ra con đường hòa bình: chúng ta có tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, chăm sóc những người bên lề, chúng ta có chữa lành một số bất công bằng cách giúp đỡ những người có ít hơn? Đây được gọi là xây dựng hòa bình.

Tuy nhiên, một câu hỏi cuối cùng có thể nảy sinh, áp dụng cho mọi mối phúc: tôi sống thế này có ổn không? Có mất mát gì không? Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời: những người xây dựng hòa bình “sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9): ở thế gian, họ có vẻ bị lạc ra bên ngoài, vì họ không chịu khuất phục trước luận lý quyền lực và lấn át; ở Thiên đàng, họ sẽ là người gần với Thiên Chúa nhất, giống Người nhất. Nhưng, thực tế, ngay cả ở đây, những kẻ bắt nạt vẫn trắng tay, trong khi những ai yêu thương mọi người và không làm tổn thương ai lại là người chiến thắng: như Thánh Vịnh nói, “người của hòa bình sẽ có dòng dõi”(x. Tv 37,37).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của tất cả các thánh, giúp chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình trong cuộc sống hàng ngày.

Kinh Truyền Tin 1/11

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói rằng ngày 3/11 ngài sẽ viếng thăm Vương quốc Bahrain và ở đó đến Chúa Nhật. Ngài gởi lời cảm ơn giới chức chính quyền, các tín hữu và người dân của đất nước, đặc biệt là những người làm việc để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này. Đức Thánh Cha xin mọi người đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện, để mỗi cuộc gặp gỡ là một cơ hội hữu ích cho việc xây dựng tình huynh đệ và xây dựng hoà bình, mà thời đại của chúng ta đang hết sức cần đến.

Ngày 2/11 được dành để tưởng nhớ tất cả các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu thăm viếng mộ của những người thân yêu, nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trong Thánh lễ.

Cuối cùng Đức Thánh Cha mừng lễ Các Thánh đến tất cả mọi người và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng mười một 2022, 15:05

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >