Tìm kiếm

ĐTC Phanxicô: Môn đệ được chúc phúc vì sống tinh thần khó nghèo

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 13/02, từ cửa sổ Dinh Tông toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương tụ họp tại Quảng trường thánh Phêrô. Bài giáo lý ngắn của Đức Thánh Cha trước khi cầu nguyện xoay quanh các Mối Phúc của Tin Mừng Luca (Lc 6, 17. 20-26) của Chúa nhật VI thường niên. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến Mối phúc đầu tiên: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6, 23)

Ngọc Yến - Vatican News

Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tâm điểm Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc ( Lc 6, 20-23). Điều thú vị đáng chú ý là mặc dù đám đông bao quanh, nhưng Chúa Giêsu lại tuyên bố với họ bằng cách “nhìn các môn đệ và nói” (c. 20). Chúa nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những ai không phải là môn đệ, nhưng nếu chúng ta tự hỏi môn đệ của Chúa Giêsu là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (c. 20). Phúc cho anh em là những người nghèo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của ngài hai điều: họ có phúc và nghèo khó, họ có phúc vì họ nghèo.

Môn đệ không tìm niềm vui trong của cải vật chất

Có phúc theo nghĩa nào? Theo nghĩa môn đệ Chúa Giêsu không tìm niềm vui trong tiền bạc, trong quyền hành hay trong những của cải vật chất khác; nhưng trong những ân ban mà họ nhận được mỗi ngày từ Chúa: sự sống, thụ tạo, anh chị em, v.v. Họ vui lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo lý luận của Thiên Chúa, đó là tính nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ hướng đến ý nghĩa cuộc sống. Môn đệ Chúa không nghĩ đến việc sở hữu của cải, không nghĩ mình đã biết mọi thứ, nhưng biết mình phải học hỏi mỗi ngày. Sự nghèo khó là ý thức mình phải học mỗi ngày. Môn đệ Chúa là người có thái độ này, là người khiêm tốn, cởi mở, không định kiến​​và cứng nhắc.

Mẫu gương của thánh Phêrô

Trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước có một mẫu gương đẹp về điều này: ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu thả lưới vào một giờ khác thường, và sau đó, hết sức kinh ngạc về mẻ cá kỳ diệu, bỏ thuyền và tất cả tài sản để theo Chúa. Phêrô chứng tỏ là người ngoan nguỳ bằng cách bỏ mọi sự, và theo cách này, ông trở thành một môn đệ. Trái lại, những ai quá vướng mắc vào ý riêng và sự an toàn của chính mình, sẽ khó theo Chúa Giêsu. Họ chỉ theo Chúa trong những gì phù hợp. Những người như vậy không phải là môn đệ Chúa. Và vì vậy, họ trở nên buồn bã, vì không có tài sản, bởi vì thực tế thoát khỏi dự tính của họ và họ không hài lòng. Trái lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.

Môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc

Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc: các Mối phúc tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu nhiều thứ và nhận ra điều này, thì được phúc, tức là hạnh phúc. Chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người nhận được sự khen ngợi và có nhiều người ghen tị. Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi để lại khoảng trống rỗng trong tâm hồn. Trước sự nghịch lý của các Mối Phúc, môn đệ chấp nhận thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa đi vào lý luận của chúng ta, nhưng là chúng ta vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn có niềm vui đi cùng. Vì môn đệ Chúa là người có niềm vui đến từ Chúa. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, lời đầu tiên Chúa nói là: phúc thay. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của việc tự cho mình là trung tâm, giải thoát sự khép kín, làm mềm sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, điều chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta, chứ không phải chúng ta với những dự tính và đòi hỏi của chúng ta. Sau cùng, môn đệ là người để Chúa hướng dẫn, là người mở lòng ra với Chúa Giêsu, lắng nghe và theo Người.

Rồi chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có sẵn sàng trở thành môn đệ Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của người tin rằng mình đúng, tử tế, thành đạt? Tôi có cho phép một sự “đánh đổ bên trong” trước nghịch lý của các Mối Phúc, hay tôi vẫn ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng mình? Và rồi, ngoài những vất vả khó khăn, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm nổi bật của người môn đệ: niềm vui tâm hồn. Chúng ta không được quên điều này: niềm vui tâm hồn. Và đây là dấu hiệu để biết ai là môn đệ Chúa.

Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

13 tháng hai 2022, 13:59

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >