ĐTC Phanxicô: Lời trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta

Trưa 3/1, Chúa Nhật II sau lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã có một bài huấn dụ ngắn, sau đó đọc Kinh Truyền Tin, được phát đi từ thư viện Dinh Tông Toà. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa trở nên xác thịt để chạm đến sự yếu đuối của chúng ta. Ngài không khinh thường bất cứ điều gì, nhưng chia sẻ mọi sự với chúng ta.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Nhật II sau lễ Giáng Sinh, Lời Chúa không cho chúng ta một giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giê-su, nhưng nói với chúng ta về Ngài trước khi Ngài sinh ra. Lời Chúa đưa chúng ta lùi trở lại, để vén mở điều gì đó về Chúa Giêsu trước khi Ngài đến giữa chúng ta.

Điều này trên hết nằm ở phần mở đầu của Tin Mừng Gioan: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). “Từ nguyên thuỷ”: đây là những lời đầu tiên của Kinh Thánh, cũng giống như bắt đầu những lời tường thuật về sự sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Bài Tin Mừng hôm nay nói rằng Đấng mà chúng ta đã chiêm ngưỡng trong lễ Giáng Sinh, như một trẻ thơ, Chúa Giêsu, đã hiện hữu trước: trước khi khởi đầu vạn vật, trước cả vũ trụ, trước tất cả. Ngài có trước không gian và thời gian. “Ở nơi Người là sự sống” (Ga 1,4) trước khi sự sống xuất hiện.

Thánh Gioan gọi là Lời, là Lời Nói. Điều này muốn nói gì với chúng ta? Lời nói được dùng để giao tiếp: người ta không nói một mình, nhưng nói với ai đó. Giờ đây, việc Chúa Giêsu từ khởi đầu là Lời nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa muốn giao tiếp với chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta. Con Một của Chúa Cha (xem câu 14) muốn nói với chúng ta về vẻ đẹp của việc làm con Thiên Chúa; Ngài là “ánh sáng thật” (câu 9) và muốn đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự dữ; Ngài là “sự sống” (câu 4), Ngài biết sự sống của chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng Ngài luôn yêu sự sống. Ngài yêu tất cả chúng ta. Đây là thông điệp tuyệt vời hôm nay: Chúa Giêsu là Lời, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng luôn nghĩ đến chúng ta và muốn giao tiếp với chúng ta.

Để làm như vậy, Ngài đã đi xa hơn lời nói. Thật vậy, nơi trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được biết rằng Ngôi Lời “đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (c. 14). Ngài đã trở thành “xác thịt”: tại sao Thánh Gioan lại sử dụng cách diễn đạt này, “xác thịt”? Thánh Gioan không thể nói một cách thanh nhã hơn rằng Ngài đã trở thành một người nam sao? Không. Thánh Gioan dùng từ xác thịt vì nó biểu thị tình trạng con người chúng ta với tất cả sự yếu đuối của nó, với tất cả sự mong manh của nó. Điều đó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tự trở nên yếu đuối để chạm vào sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, kể từ khi Chúa trở nên xác phàm, không có gì trong cuộc sống của chúng ta lại xa lạ đối với Ngài. Không có gì Ngài khinh thường, chúng ta có thể chia sẻ mọi điều với Ngài. Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã trở nên xác thịt để nói với bạn rằng Ngài yêu bạn chính ở đấy, trong sự mong manh của chúng ta, mong manh của bạn; Ngài yêu bạn chính ở đấy, nơi chúng ta xấu hổ nhất, nơi bạn xấu hổ nhất. Ngài đi vào nỗi xấu hổ của chúng ta để trở nên người anh em của chúng ta, để chia sẻ cuộc sống chúng ta.

Ngài đã trở thành xác thịt và không tháo lui. Ngài không mang nhân tính của chúng ta như một tấm áo mặc vào rồi cởi ra. Không, Ngài chưa bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta. Và Ngài sẽ không bao giờ tách mình khỏi nó: bây giờ và mãi mãi Ngài ở trên trời với thân thể xác phàm của Ngài. Ngài mãi mãi gắn bó với nhân loại chúng ta, chúng ta có thể nói rằng Ngài đã “kết hôn” với nó. Thật vậy, Tin Mừng nói rằng Ngài đến ở giữa chúng ta. Ngài không đến thăm chúng ta, nhưng Ngài đến cư ngụ với chúng ta, để ở với chúng ta. Ngài muốn gì ở chúng ta? Ngài muốn sự thân mật lớn lao. Ngài muốn chúng ta chia sẻ với Ngài niềm vui và đau khổ, mong ước và sợ hãi, hy vọng và nỗi buồn, con người và hoàn cảnh. Chúng ta hãy làm điều đó, chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với Ngài, hãy nói với Ngài mọi sự. Chúng ta hãy dừng lại trong thinh lặng trước khung cảnh Chúa Giáng Sinh để nếm cảm sự dịu dàng của Thiên Chúa đã tự làm cho mình trở nên gần gũi, tự làm cho mình trở nên xác thịt. Và đừng sợ, chúng ta hãy mời Ngài đến với chúng ta, đến nhà chúng ta, đến với gia đình của chúng ta, với những yếu đuối của chúng ta. Hãy mời Ngài đến xem những thương tích của chúng ta. Ngài sẽ đến và cuộc sống sẽ thay đổi.

Xin Thánh Mẫu của Thiên Chúa, nơi Ngôi Lời trở thành xác thịt, giúp chúng ta chào đón Chúa Giêsu, Đấng gõ cửa trái tim để sống với chúng ta.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

03 tháng một 2021, 14:10

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >