Tìm kiếm

1569146517819.JPG

Đọc Kinh Truyền Tin: Khi Đức Thánh Cha dạy cách dùng tiền

Dụ ngôn người quản gia bất lương trong Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nói với chúng ta rằng những điều có giá trị hơn không phải là thành công thế gian mà là sự sống đời đời, không phải tiền bạc và giàu sang phú quý mà là con người và các mối tương quan.

Trần Đỉnh, SJ - Vatican

Trong dụ ngôn được Tin Mừng thánh Luca thuật lại hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta: Hãy khôn ngoan và trung thực, biết "tạo nên bước ngoặt" bằng cách chọn điều tốt và không xấu. Dưới cơn mưa nhẹ trong tiết đầu thu tại Roma, Đức Thánh Cha đã nói như thế với đông đảo các tín hữu hiện diện tại quảng Trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh truyền tin vào trưa Chúa Nhật 22.09.2019 hôm nay.

Tham nhũng đang ngày càng phổ biến

Trung tâm của dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng hôm nay là hình ảnh của người quản lý có phần thông minh nhưng lại bất lương. Ông bị tố cáo là đã phung phí tài sản của chủ, và sắp bị sa thải. Đối mặt với một tình huống ngày càng khó khăn như thế, ông không nhụt chí hay nản lòng nhưng "cố tìm ra một lối thoát". Đầu tiên, "với sự tinh anh", ông nhận ra những giới hạn của mình khi không thể làm được các việc khác. Sau đó "với sự xảo quyệt", ông quyết định "lấy cắp lần cuối". Ông ta đã làm gì? "Ông gọi các con nợ của chủ lại và giảm các khoản nợ mà họ đã nợ ông chủ trước đó". Chính điều này giúp ông biến họ thành bạn bè và vì thế mà được đền ơn. Đức Thánh Cha vừa dùng tay để diễn tả như cách người Ý vẫn thường làm và thêm rằng: thật không may, có được lòng biết ơn bằng cách tham nhũng đang trở thành điều thông thường hiện nay. Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúa Giêsu đưa ra ví dụ này chắc chắn không phải để khuyến khích sự xảo quyệt hay bất lương nhưng là sự khôn khéo và tinh anh. Thực thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng "Ông chủ ca ngợi người quản lý bất lương ấy, vì ông ta đã hành động khôn khéo" (c.8). Đó là sự kết hợp giữa trí thông minh và mánh khoé, điều thường giúp người ta vượt qua những trạng huống khó khăn. Chìa khóa để đọc dụ ngôn này hệ tại ở lời mời gọi của Chúa Giêsu ở cuối dụ ngôn: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (c.9). Nhưng dường như ở đây có một điều khiến chúng ta bối rối: Tiền Của bất chính ở đây chính là tiền bạc – mà nhiều khi người ta gọi là “phân của quỷ” - khi muốn nói tới của cải vật chất.  

Bước ngoặt: biến sự giàu có thành tương quan

Vậy “dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè” nghĩa là gì? Và việc sử dụng của cải mà Chúa Giêsu đã nói liên quan gì đến "nơi ở vĩnh cửu"? Bằng chính những câu hỏi ấy, Đức Thánh Cha đã cho chúng ta những lời giải thích rất quý giá. Ngài nói: sự giàu có dễ làm chúng ta tạo ra "những bức tường", gây ra " chia rẽ", hoặc "phân biệt đối xử". Trái lại, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta kết bạn bằng Tiền Của. Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ là một "bước ngoặt" thực sự:

"Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè". Đó chính là lời kêu gọi chúng ta biết biến tiền của và sự giàu có thành các tương quan, bởi con người có giá trị hơn mọi sự và được đong đếm nhiều hơn của cải mà chúng ta đang có. Trong thực tế, người sinh nhiều hoa trái không phải là những người có quá nhiều của cải, mà là những người biết tạo ra và gìn giữ nhiều tương quan, nhiều bạn bè. Chính điều ấy giúp hướng tới những "sự giàu có" phong phú khác nữa, là những món quà và ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho người ấy.

Vì vậy, chỉ khi chúng ta có thể thực hiện "bước ngoặt" này, dám biến "sự giàu có, dám biến tiền của thành công cụ của tình huynh đệ và liên đới", cùng với việc quản lý tốt của mình, chúng ta sẽ được đón nhận vào Nước Chúa, nơi chúng ta chẳng những tìm thấy Thiên Chúa mà còn tất cả những ai chúng ta đã giúp đỡ, những ai chúng ta đã sẻ chia những món quà mình đã lãnh nhận. Chính vì thế, tác giả Tin Mừng mới viết: "hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.".

Hãy mong đạt được sự sống đời đời, chứ không phải thành công thế gian

Vậy dụ ngôn hôm nay và cả đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ XXV Thường Niên này đặt ra cho chúng ta câu hỏi gì? Đôi khi, chúng ta có thể thấy chính cuộc đời mình không có lối thoát, như người quản lý bất lương hôm nay, ông thực sự bị ông chủ của mình dồn vào chân tường. Và chúng ta, chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Mình sẽ làm gì đây?” Và chính với câu hỏi này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hướng đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đoạn Tin Mừng này vang lên một câu tự vấn của người quản lý bất lương, người đang có nguy cơ bị ông chủ của mình sa thải: Mình phải làm gì đây? (c.3). Đối diện với những thiết sót, sai lầm và thất bại của chúng ta, Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta luôn có thời gian và cơ hội để sửa điều ác bằng cách làm điều thiện. Ai đã từng làm cho người khác phải đau khổ, hãy làm cho ai đó hạnh phúc. Ai đã từng chiếm đoạt hoặc tham ô, hãy giúp đỡ người thiếu thốn. Làm như vậy, chúng ta sẽ được Chúa ca ngợi "bởi vì chúng ta đã hành động khôn khéo", nghĩa là với sự khôn ngoan của người nhận biết mình là con cái Thiên Chúa và dám đánh liều đời mình vì Nước Trời.

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời mời gọi hướng về Đức Trinh Nữ Maria.

Vì thế, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ rất thánh cho chúng ta biết "trở nên khôn ngoan lựa chọn những bảo đảm của sự sống đời đời, chứ không phải thành công thế trần; để đến ngày phán xét chung cục, những người đã từng cần đến sự giúp đỡ của chúng ta chứng thực rằng chúng ta đã chiêm ngưỡng và phục vụ Thiên Chúa.

Sự gần gũi và cầu nguyện cho người di cư và người tị nạn

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các vận động viên tham gia cuộc chạy đua marathon với tên gọi Via Pacis dù khí hậu không được thuận lợi. Họ đã mang đến một thông điệp về hòa bình và đối thoại trên các đường phố tại Roma sáng nay; Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc gặp gỡ nhân Ngày Người di dân và tị nạn Thế giới sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 9 sắp tới. Ngài cũng mời các tín hữu đến tham dự Thánh lễ mà ngài sẽ chủ sự tại Quảng trường Thánh Phê-rô "để cùng với lời cầu nguyện, chúng ta diễn tả sự gần gũi với những người di dân và tị nạn khắp nơi trên thế giới ".

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

22 tháng chín 2019, 16:47