ĐTC trả lời phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Panama ĐTC trả lời phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Panama 

Trả lời phỏng vấn của ĐTC với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Panama

Như thông lệ, trên chuyến bay trở về từ Panama, ĐTC Phanxicô đã có một cuộc trả lời phỏng vấn với các nhà báo đi cùng trên chuyến bay.

Chuyển ngữ: Văn Yên, SJ

Edwin Cabrera Uribe, đại diện các nhà báo Panama: Thưa ĐTC, ĐTC đã nói với các tình nguyện viên “Bây giờ các con biết nhịp đập của trái tim khi sống một sứ mạng.” Vậy, đâu là sứ mạng của ĐTC Phanxicô tại Panama?

ĐTC Phanxicô: Sứ mạng của tôi tại ĐHGT là sứ mạng của Phêrô, đó là củng cố đức tin. Điều này không phải làm bằng mệnh lệnh khô hay có sẵn, nhưng là để mình được đụng chạm và trả lời về những gì xảy ra ở đó. Tôi không hiểu nếu một người có thể thực hiện một sứ mạng chỉ bằng cái đầu. Để thực hiện một sứ mạng thì cần phải lắng nghe, rồi khi lắng nghe thì được đụng chạm. Khi anh đụng chạm cuộc đời, anh sẽ đụng đến các vấn đề. Tại sân bay, khi tôi chào ngài Tổng thống và người ta mang đến một trẻ nhỏ da màu, dễ thương. Ngài Tổng thống nói với tôi: “Đức bé này vượt qua biên giới Colombia, mẹ đã mất, chỉ còn một mình. Cậu bé 5 tuổi, đến từ Châu Phi, nhưng chúng tôi cũng chưa biết nước nào vì không cậu bé không nói tiếng Anh, Pháp hay Bồ; chỉ nói tiếng địa phương. Chúng tôi đã nhận nuôi.” Đó là một đứa bé đẹp, hiền lành… Thảm kịch của một đứa bé bị bỏ rơi vì mẹ mất và cảnh sát đã giao cho giới chức để đảm trách. Điều này đánh động anh, và như thế sứ mạng bắt đầu có màu sắc. Nó làm anh phải nói điều gì đó, phải động lòng. Nó không phải là một lý lẽ. Sứ mạng luôn luôn làm anh phải liên can. Ít nhất nó liên can đến tôi. Tôi luôn nói với người trẻ: Điều các con phải làm trong cuộc sống đó là các con phải bước đi, và bằng ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của con tim và ngôn ngữ của đôi tay. Ba ngôn ngữ này hoà điệu với nhau, theo cách là: nghĩ về điều mình cảm và điều mình làm, rồi cảm điều mình nghĩ và điều mình làm, và cuối cùng là làm điều mình cảm và điều mình nghĩ. Tôi không biết kết toán một sứ mạng. Với tất cả những điều ấy, tôi đến trước Chúa để cầu nguyện, đôi khi tôi ngủ trước Chúa, nhưng vẫn mang tất cả những điều tôi đã sống trong sứ mạng và xin Ngài củng cố cho tôi trong đức tin. Đây là cách tôi sống và thi hành sứ mạng Giáo Hoàng.

Edwin: Cách chung, ĐHGT ở Panama có đáp ứng được những kỳ vọng của ĐTC không?

ĐTC: Chắc chắn rồi. Đồng hồ để đo xem một chuyến tông du cách chung có đáp ứng được kỳ vọng hay không, đó là sự mệt nhoài, và tôi thật sự rã rời.

Edwin: Thưa ĐTC, vấn đề chung của Trung Mỹ, bao gồm cả Panama là phần lớn Châu Mỹ Latinh là việc mang thai của các bé còn rất nhỏ. Chỉ tại Panama thôi năm ngoái đã 10 ngàn, và Trung Mỹ cũng không khác. Những kẻ gièm pha Giáo hội đổ lỗi cho Giáo hội Công giáo là không giáo dục giới tính trong trường học, và Giáo hội Công giáo điều hành nhiều trường học và đại học ở Mỹ Latinh. Xin ĐTC cho biết ý kiến về việc giáo dục giới tính.

ĐTC Phanxicô: Tôi nghĩ là trong trường học cần có giáo dục giới tính. Giới tính là một món quà của Thiên Chúa chứ không phải một điều kỳ dị. Là một món quà để yêu thương; nếu một ai dùng nó để kiếm tiền hay khai thác người khác thì đó là một vấn đề khác. Cần phải giáo dục giới tính cách khách quan, chứ không áp đặt ý thức hệ. Bởi vì nếu trong trường học giáo dục giới tính cách áp đặt ý thức hệ thì phá huỷ con người. Giới tính như là một món quà của Thiên Chúa thì phải được giáo dục, không cứng nhắc. Giáo dục đó là làm nổi lên điều tốt nhất nơi con người và đồng hành với họ trong hành trình bước đi. Vấn đề nằm ở chỗ những người chịu trách nhiệm về giáo dục, cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương, cũng như đối với từng đơn vị trường học: giáo viên đảm trách điều này, sách vở nào… Tôi đã thấy nhiều thể loại, có những điều giúp trưởng thành và có những điều làm hại. Tôi nghĩ, không biết liệu có khách quan hay không, rằng Panama không có giáo dục giới tính. Và tôi nói điều này nhưng không có ý đi sâu vào những vấn đề chính trị của Panama: đó là cần có giáo dục giới tính cho trẻ em. Lý tưởng là bắt đầu từ ở nhà, với cha mẹ của chúng. Không phải lúc nào cũng có thể làm được đối với nhiều hoàn cảnh gia đình, hoặc không biết cách dạy thế nào. Nhà trường bù đắp về điều này và phải làm; nếu không sẽ vẫn để lại một lỗ hổng mà bất cứ ý thức hệ nào cũng có thể tràn vào.

Javier Brocal, từ Romereports: Trong những ngày này, ĐTC nói chuyện với nhiều người, nhiều bạn trẻ. Chắc chắn trong số đó có những bạn trẻ rời xa Giáo hội hay đang gặp khó khăn. Theo ĐTC, đâu là khó khăn các bạn trẻ gặp phải, và đâu là những lý do khiến họ rời xa Giáo hội?

ĐTC: Tôi gặp rất nhiều; một số gặp cá nhân, nhưng phần lớn gặp chung, tôi tin rằng điều đầu tiên đó là vì thiếu đời sống chứng tá của các Kitô hữu, của linh mục, của giám mục. Tôi không nói của giáo hoàng, vì rất nhiều [cười], và giáo hoàng cũng vậy. Thiếu chứng tá. Nếu một mục tử làm người tổ chức về các chương trình mục vụ mà không gần với dân chúng thì mục tử này không mang chứng tá của mục tử; mục tử phải ở với dân, mục tử và đàn chiên. Mục tử phải đi trước đàn chiên để dẫn đường, ở giữa đàn chiên để ngửi được mùi của con người và hiểu được người ta nghĩ gì, cần gì và đi sau đàn chiên để bảo vệ từ phía sau. Nhưng nếu mục tử không sống bằng sự đam mê, thì dân chúng sẽ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc một cảm giác bị coi thường nhất định. Tôi nghĩ là mình đã nhấn mạnh về các mục tử, và cả các Kitô hữu đạo đức giả. Họ đi lễ tất cả các Chúa Nhật, và rồi không trả lương tháng 13, và trả lương kiểu chợ đen và bóc lột người khác… “Không, con là người Công giáo, con đi lễ tất cả các ngày Chúa Nhật!”, nhưng nếu anh làm các điều trên thì anh đang đưa ra một lời phản chứng và theo tôi thì điều này làm cho dân chúng xa Giáo hội hơn. Cả giáo dân, tất cả… Một người có thể nói rằng: “Thôi, đừng có bảo tôi công giáo mà không làm chứng; tôi được học nên giáo dục Công giáo, chỉ có điều tôi hờ hững, tôi thế gian chút, nhưng xin lỗi, đừng nhìn tôi như một mẫu”. Phải nói điều này, tôi sợ người Công giáo kiểu này, họ nghĩ về sự hoàn hảo. Nhưng trong lịch sử đã diễn ra như vậy, Chúa Giêsu đã nói về thầy dạy luật: “Con tạ ơn Chúa vì con không giống như kẻ tội lỗi kia”. Như vậy là không được. Họ đang thiếu đời sống chứng tá. Cũng có những kiểu khác: như là khó tính chẳng hạn.

Caroline Pigozzi đến từ Paris Match: Thưa ĐTC, chúng tôi đã thấy trong bốn ngày vừa qua, những người trẻ đã cầu nguyện rất sốt sắng. Và có thể nghĩ rằng sẽ có một số muốn đi tu, và một số có ơn gọi. Và cũng có thể một số nghĩ rằng nếu bước đi mà không lập gia đình thì thật khó. Có thể nghĩ rằng Giáo hội Công giáo, theo nghi lễ đông phương, ĐTC sẽ cho phép những người lập gia đình trở thành linh mục được không?

ĐTC: Giáo hội Công giáo, theo nghi lễ Đông Phương có thể làm điều đó và có thể chọn độc thân hay lập gia đình trước khi chịu chức phó tế.

Caroline Pigozzi: Nhưng bây giờ, với Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Latinh, ĐTC có nghĩ về quyết định đó không?

ĐTC: Về nghi lễ Latinh, tôi chợt nghĩ đến câu nói của Thánh Phaolô VI: “Tôi muốn hiến mạng sống trước khi thay đổi luật độc thân”. Vào lúc này, tôi nghĩ đến và cũng muốn nói như thế, bởi vì đó là một câu can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn lúc này, trong những năm 1968-1970. Cá nhân mà nói, tôi nghĩ rằng độc thân là một món quà cho Giáo hội; thứ đến, tôi không đồng ý cho phép độc thân tuỳ chọn. Không. Chỉ có thể nghĩ đến khả thể tại những nơi hẻo lánh xa xôi - ở ốc đảo Thái Bình Dương chăng… nhưng điều đó nghĩ đến khi thật sự cần thiết về mục vụ, mà ở đó người mục tử phải bận tâm về các tín hữu. Có một cuốn sách của cha Lobinger, rất thú vị. Đây là điều bàn luận giữa các thần học gia, không phải là quyết định của tôi. Quyết định của tôi là: không có tuỳ chọn độc thân trước khi chịu chức phó tế. Đó là điều theo ý cá nhân, và tôi sẽ không làm. Và điều này là rõ ràng. Tôi là một người đóng kín? Có thể. Nhưng tôi không nghĩ sẽ đặt mình trước mặt Chúa với quyết định này. Rồi cha Lobinger nói: “Giáo hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo hội. Nhưng ở những cộng đoàn không có Thánh Thể thì sao?” Những cộng đoàn đó có những người tổ chức như là các phó tế, các nữ tu, giáo dân… Và trong bài luận của mình, cha Lobinger viết: “Có thể phong chức cho một người lớn tuổi, đã lập gia đình”. Có thể phong chức cho một người lớn tuổi đã lập gia đình, nhưng chỉ để thi hành nhiệm vụ thánh hoá, nghĩa là cử hành Thánh Lễ, cử hành bí tích Hoà giải và Xức dầu bệnh nhân. Chức tư tế thì có ba nhiệm vụ: giảng dạy, cai quản và thánh hoá. Điều này đi cùng với chức thánh. Và giám mục chỉ ban cho người ấy năng quyền thánh hoá. Đây là điều viết trong sách, rất thú vị. Có thể điều này giúp suy nghĩ về vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề có thể mở theo nghĩa này: nơi thiếu linh mục. Tôi không nói là nên làm, vì tôi chưa suy nghĩ, tôi chưa cầu nguyện đủ về vấn đề này. Nhưng các nhà thần học phải nghiên cứu. Cha Lobinger là một ví dụ rồi, một fidei donum (hồng ân đức tin) của Nam Phi, là người đã già. Tôi nói điều này làm ví dụ để tạo những điểm cho các nhà thần học biết phải làm gì. Tôi đã nói chuyện với một thư ký, một giám mục, người phải làm việc tại một nước cộng sản từ lúc mới bắt đầu cuộc cách mạng; vào những năm 50, các giám mục, khi họ thấy cuộc cách mạng sẽ kết thúc thế nào, họ đã phong chức chui cho các nông dân tốt lành và thánh thiện. Rồi khủng hoảng qua, ba mươi năm sau, vấn đề cũng được giải quyết. Và giám mục ấy kể cho tôi về cảm xúc của mình khi nhìn thấy những nông dân này mặc áo lễ cùng đồng tế trong Thánh Lễ. Những điều này đã có trong lịch sử Giáo hội. Là điều để nghiên cứu, để suy nghĩ và cầu nguyện.”

Sau đó, nhà báo Caroline đã nhắc về những người Tin Lành trở thành Công giáo. Và ĐTC đã nói đến tông hiến Anglicanorum coetibus của ĐTC Benedicto XVI, về những linh mục Anh giáo trở thành Công giáo và vẫn giữ đời sống linh mục, như nghi lễ đông phương.

Lena Klimkeit từ Hãng tin Đức: Thưa Đức Thánh Cha, trong Chặng Đường Thánh Giá hôm thứ Sáu, một bạn trẻ đã đọc lên những lời rất mạnh mẽ về việc phá thai; Tôi muốn nhắc lại một chút: “Có một ngôi mộ khóc trên trời, tố cáo sự tàn ác khủng khiếp của loài người, đó là ngôi mộ mở ra từ tử cung người mẹ, xé nát sự sống vô tội. Chúa thực sự muốn chúng ta sống nhân bản, bảo vệ sự sống một cách mạnh mẽ và đảm bảo rằng những điều luật cho phép giết chết sự sống vô tội sẽ bị xóa vĩnh viễn”. Theo tôi, đây là một quan điểm rất quyết liệt. Tôi tự hỏi, và tôi muốn hỏi Đức Thánh Cha, liệu quan điểm này cũng tôn trọng sự đau khổ của chính người phụ nữ và liệu có tương hợp với thông điệp lòng thương xót của Ngài.

ĐTC: Thông điệp lòng thương xót dành cho tất cả mọi người, ngay cả đối với người phá thai. Nó dành cho tất cả mọi người. Sau khi làm điều này, vẫn có lòng thương xót, nhưng một lòng thương xót khó khăn; bởi vì vấn đề không nằm ở việc ban sự tha thứ, nhưng vấn đề ở chỗ người phụ nữ tự vấn lương tâm về việc phá thai. Đây là bi kịch khủng khiếp. Có lần tôi đã từng nghe một bác sĩ nói về một lý thuyết rằng - tôi không nhớ rõ - một bào thai khi mới được thụ thai đã gắn đến tận tủy của người mẹ và do đó nó gắn vào ký ức, ngay cả về thể lý. Đây là một lý thuyết, nhưng để nói rằng: một phụ nữ khi nghĩ về những gì mình đã làm... Tôi nói sự thật này: cần phải ở trong toà giải tội và anh phải cho sự an ủi, không trừng phạt gì. Vì lý do này, tôi đã mở năng quyền xoá giải về tội phá thai vì lòng thương xót, bởi vì đôi khi – nhưng là luôn luôn – người mẹ phải gặp đứa trẻ. Và nhiều lần, tôi khuyên khi họ khóc và họ có nỗi thống khổ này rằng: "Con chị đang ở trên thiên đàng, hãy nói chuyện với nó, hát những bài hát ru mà chị đã không hát và không thể hát". Như thế có thể tìm được cách để hòa giải giữa người mẹ và đứa trẻ. Với Chúa thì đã có: đó là sự tha thứ của Chúa. Chúa luôn tha thứ. Nhưng lòng thương xót cũng là chính người phụ nữ ấy phải làm nên. Bi kịch về phá thai. Để hiểu rõ về điều này, cần phải ở trong tòa giải tội. Thật kinh khủng.

Valentina Alazraki từ Televisa: Thưa Đức Thánh Cha, Ngài đã nói trong những ngày này ở Panama rằng Ngài gần gũi với Venezuela và hôm nay Ngài đã kêu gọi một giải pháp công bằng, hòa bình và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người. Người Venezuela muốn hiểu rõ hơn một chút về điều này có nghĩa gì, họ chờ đợi tiếng nói của họ, họ muốn biết liệu giải pháp này có thông qua sự công nhận Juan Guaidó, được nhiều nước ủng hộ, những nước khác thì yêu cầu bầu cử sớm và tự do để mọi người có thể bỏ phiếu; Họ thấy rằng Ngài là một Giáo hoàng Mỹ Latinh và họ muốn nhận được sự hỗ trợ, sự giúp đỡ và lời khuyên.

ĐTC: Trong lúc này tôi gần gũi tất cả người dân Venezuela, bởi vì đó là một dân tộc đang đau khổ, dù họ là người bên này hay bên kia, tất cả dân tộc chịu đau khổ. Và nếu tôi nói thì: "hãy lắng nghe những người ở phía này và những người ở phía kia, xem họ nói gì". Tôi có thể đặt mình vào một vị trí mà tôi không biết, đó sẽ là một sự thiếu khôn ngoan mục vụ và sẽ làm hại. Những lời tôi phát biểu hôm nay, tôi đã suy nghĩ và suy nghĩ lại. Tôi nghĩ với những lời đó tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi, những gì tôi cảm thấy. Tôi đau khổ vì những gì đang xảy ra ở Venezuela vào lúc này, và do đó tôi kêu gọi một sự đồng thuận, một giải pháp công bằng và hòa bình. Điều mà tôi sợ là sự đổ máu. Và tôi cũng kêu gọi sự rộng rãi giúp đỡ từ những người có thể giúp đỡ để giải quyết vấn đề. Vấn đề bạo lực làm tôi kinh hoàng. Sau tất cả những nỗ lực ở Colombia, hãy nghĩ về điều đã xảy ra tại trường Cadet mấy ngày trước, thật đáng sợ. Máu không phải là giải pháp. Vì lý do đó, tôi phải là - tôi không thích từ “cân bằng” - tôi phải là mục tử của tất cả. Và nếu họ cần sự giúp đỡ, với sự đồng thuận, họ có thể yêu cầu. Đó là câu trả lời. Cảm ơn!

Junno Arocho Esteves từ Catholic News Service: Trong bữa trưa của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ, một cô gái người Mỹ đã kể với chúng tôi rằng, cô ấy đã hỏi Ngài về nỗi đau và sự căm phẫn của rất nhiều người Công giáo, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, vì khủng hoảng lạm dụng. Nhiều người Công giáo Mỹ cầu nguyện cho Giáo hội, nhưng nhiều người cảm thấy bị phản bội, sau những báo cáo gần đây về sự lạm dụng và che đậy của một số giám mục, và họ đã mất niềm tin vào những người ấy. Thưa Đức Thánh Cha, đâu là những kỳ vọng hay hy vọng của Ngài về cuộc họp vào tháng Hai sắp tới, để Giáo hội có thể bắt đầu xây dựng lại niềm tin giữa các tín hữu và giám mục của họ?

ĐTC: Ý tưởng về điều này được nảy ra từ C9 (Hội đồng Hồng y), bởi vì chúng tôi thấy rằng một số giám mục không hiểu rõ hoặc không biết phải làm gì, hoặc làm điều này là đúng, điều khác là sai. Và chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm đưa ra một bài "giáo lý" về vấn đề này cho các hội đồng giám mục. Vì thế, các chủ tịch được gọi đến [cuộc họp tháng hai tới]. Một bài giáo lý để trước tiên, người ta nhận thức được thảm kịch: một đứa trẻ bị lạm dụng nghĩa là gì, một đứa trẻ bị lạm dụng. Tôi thường tiếp những người bị lạm dụng. Tôi nhớ một trường hợp: bốn mươi năm không thể cầu nguyện. Thật khủng khiếp, đau khổ, thật khủng khiếp. Vì vậy, đầu tiên: các vị cần nhận thức được điều này.

Thứ hai: họ biết phải làm gì, thủ tục thế nào. Bởi vì đôi khi giám mục không biết phải làm gì, vì đây là điều phát triển rất mạnh và [kiến thức về việc xử lý] có thể nói chưa đến mọi nơi. Và sau đó là lập các chương trình, tổng quát, để đến tất cả các Hội đồng Giám mục: những gì giám mục phải làm; những gì tổng giám mục phải làm; những gì chủ tịch Hội đồng Giám mục phải làm. Nhưng điều này rõ, theo thuật ngữ pháp lý một chút - các chuẩn thức (protocol) rõ ràng. Đây là điều chính. Nhưng trước tất cả những điều phải làm, những điều tôi nói ở trước, thì: tự vấn lương tâm. Sau đó, [trong cuộc họp tháng Hai] sẽ có cầu nguyện, sẽ có một số lời chứng để giúp xét mình, và sau đó là một số phụng vụ sám hối để xin sự tha thứ cho toàn Giáo hội. Người ta đang làm tốt việc chuẩn bị này.

Cho phép tôi nói rằng tôi kỳ vọng có phần hơi quá, cần giảm bớt kỳ vọng một chút về những điểm mà tôi nói. Bởi vì vấn đề lạm dụng vẫn tiếp tục, nó là vấn đề của con người, mà con người khắp nơi! Tôi đã từng đọc một thống kê, nói rằng: 50% được báo cáo, trong số 50 này, chỉ 20% được lắng nghe và giảm xuống còn 5% bị kết án. Thật khủng khiếp, khủng khiếp. Đó là một thảm kịch nhân loại mà chúng ta phải tự vấn lương tâm. Và chúng tôi, giải quyết vấn đề trong Giáo hội, tự vấn lương tâm, và cũng sẽ giúp giải quyết nó trong xã hội, trong gia đình, nơi sự xấu hổ che đậy mọi thứ. Nhưng trước tiên chúng ta phải tự vấn lương tâm, làm tốt các chuẩn thức (protocol) và tiếp tục.

Manuela Tulli từ hãng tin Ansa: Trong ĐHGT này, ĐTC đã nói rằng thật vô lý và vô trách nhiệm khi coi người di cư là người mang điều xấu xa xã hội. Ở Ý, các chính sách mới đối với người di cư đã dẫn đến việc đóng cửa trung tâm CARA di Castelnuovo di Porto, mà Ngài biết rõ. Đó là một kinh nghiệm, nơi có thể nhìn thấy những hạt giống hội nhập, những đứa trẻ đi học, và bây giờ chúng có nguy cơ bị bứng đi. Ngài đã chọn dâng lễ với họ vào Thứ Năm Tuần Thánh 2016. Tôi muốn hỏi Ngài thấy thế nào về quyết định đóng trung tâm CARA di Castelnuovo di Porto. Và bây giờ, với nguy cơ phân tán những đứa trẻ...

ĐTC:  Vâng, tôi đã nghe nói về những gì đang xảy ra ở Ý, nhưng tôi dấn mình vào chuyến tông dù này, nên không thực sự biết rõ về điều đó, nhưng tôi có thể hình dung được. Đúng là vấn đề về người di cư là một vấn đề phức tạp, rất phức tạp. Vấn đề này đòi hỏi một ký ức. Đất nước của tôi đã được lập nên từ những người di cư. Chúng tôi người Argentina: tất cả là người di cư. Hoa Kỳ: tất cả là người di cư. Một ký ức như thế. Một giám mục, một hồng y - tôi không nhớ ai - đã viết một bài tuyệt vời về vấn đề "thiếu trí nhớ". Đó là một điểm. Kế đến, những từ mà tôi sử dụng: đón tiếp, trái tim rộng mở để chào đón, đồng hành, làm phát triển và hội nhập. Và tôi cũng nói: người cầm quyền phải sử dụng sự khôn ngoan, bởi vì sự khôn ngoan là nhân đức của người cầm quyền. Vâng, đây là một bài toán khó. Tôi nhớ đến trường hợp của Thụy Điển, đó là vào những năm bảy mươi, với nền chuyên chế - trong Chiến dịch Kền kền (Operazione Condor) tại Mỹ Latinh -, đã nhận rất nhiều người di cư, rất nhiều, nhưng tất cả đều hội nhập được. Tôi cũng thấy những gì cộng đoàn thánh Egidio làm là một ví dụ: hội nhập ngay lập tức. Nhưng năm ngoái người Thụy Điển đã nói: "Các bạn dừng lại một chút, bởi vì chúng tôi chưa thể hoàn tất bước đi". Và đây là sự khôn ngoan của người cầm quyền. Và đây là vấn đề của đức ái, của tình yêu, sự liên đới. Và tôi nhắc lại rằng các quốc gia hào phóng nhất trong khía việc này, việc tiếp nhận, – ở khía cạnh khác họ không thành công lắm – đó là Ý và Hy Lạp. Và một chút ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Hy Lạp rất quảng đại. Và Ý cũng rất nhiều. Tôi đã đến thăm đảo Lampedusa, từ thời đầu, vào năm 2013. Nhưng đúng là chúng ta phải suy nghĩ một cách thực tế. Sau đó, có một điều quan trọng khác cần phải tính đến khi giải quyết vấn đề di cư đó là giúp đỡ các quốc gia từ đó họ ra đi. Họ đến từ nơi đói kém hoặc chiến tranh. Giúp đỡ những nơi đang gặp đói kém, Châu Âu có khả năng làm điều đó, để giúp họ phát triển. Nhưng luôn có, tôi đang nói về Châu Phi, luôn có một cảnh tượng chung mà chúng ta không ý thức, đó là Châu Phi bị khai thác. Điều này là lịch sử và điều này làm tổn thương. Những người di cư từ Trung Đông đã tìm ra những con đường khác để trốn chạy. Lebanon đã hết sức quảng đại: có cả hơn một triệu người Syria. Jordan cũng vậy: họ mở cửa và làm những gì họ có thể, với hy vọng tái hội nhập. Rồi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận một ít. Và chúng ta ở Ý cũng đã nhận một ít. Nhưng đây là một vấn đề phức tạp mà phải nói không được thành kiến. Đó là những điều tôi nghĩ đến.

Để kết buổi phỏng vấn, ĐTC cảm ơn và kể câu chuyện với các nhà báo:

Cảm ơn anh chị em rất nhiều về công việc đang thực hiện! Tôi chỉ muốn nói điều này về Panama: Tôi cảm được một cảm giác mới. Tôi biết về Mỹ Latinh, còn về Panama thì không. Và tôi nghĩ đến từ này: Panama là một đất nước "quý tộc". Tôi nhận thấy sự quý phái. Tôi muốn nói về một điều khác, mà tôi đã nói khi trở về từ Colombia, về kinh nghiệm ở Cartagena và các thành phố khác, một điều mà chúng ta ở châu Âu không thấy: niềm tự hào là gì, trường hợp này là người Panama? Họ sẽ nâng những đứa trẻ lên và nói: “Đây là chiến thắng của tôi, đây là tương lai của tôi, đây là niềm tự hào của tôi!”. Điều này khiến chúng ta phải nghĩ: niềm tự hào của tôi là gì? Du lịch, biệt thự, chó, hay nuôi con? Cảm ơn! Xin cầu nguyện cho tôi, tôi rất cần.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

31 tháng một 2019, 17:47