Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin 

Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành

Trên con đường của Chúa Giêsu tất cả mọi người đều được chấp nhận. Để có thể đến với trái tim Chúa chỉ cần một điều thôi đó là cảm thấy cần được chữa lành và tín thác nơi Ngài.

Linh Tiến Khải - Vatican

 Tuy không phải là môn đệ của Chúa nhưng người cha của bé gái và người đàn bà bị bệnh đã được nhận lời chỉ vì lòng tin của họ. Chúa Giêsu là suối nguồn sự sống cũng như là Đấng trao ban trở lại sự sống cho người hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1-7-2018.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 5,21-43) giới thiệu với chúng ta hai điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm, bằng cách miêu tả chúng hầu như trong một loại diễn hành chiến thắng tiến về sự sống.

Trước hết thánh sử kể về một ông Jairo nào đó, một trong các thủ lãnh hội đường do thái, đến với Chúa Giêsu và khẩn nài Ngài đến nhà ông ta vì đứa con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối. Chúa Giêsu chấp nhận và đi với ông. Nhưng dọc đường có tin cô bé đã chết. Chúng ta có thể tưởng tượng được phản ứng của người cha ấy. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông: “Đừng sợ, hãy chỉ tin thôi!” (c. 36). Khi tới nhà ông Jairo, Chúa Giêsu cho dân chúng đang khóc ra ngoài, và cũng có có các phụ nữ được trả tiền để khóc lóc gào thét. Ngài vào phòng một mình với cha mẹ bé gái và ba môn đệ, rồi hướng về người đã chết và nói: “Bé gái, Ta truyền cho con, hãy đứng đậy!” (c. 41). Và lập tức cô dứng dậy, như vừa tỉnh sau một cơn ngủ say (c. 42).

Bên trong trình thuật phép lạ này thánh sử Marco lồng vào một phép lạ khác: đó là việc chữa lành một phụ nữ bị băng huyết, vừa khi bà ta đụng vào áo choàng của Chúa Giêsu (c. 27). Ở đây đánh động sự kiện lòng tin của người đàn bà này lôi kéo – và tôi muốn nói là “ăn trộm” - quyền năng cứu rỗi của Thiên  Chúa hiện hữu nơi Chúa Kitô, là Đấng, khi cảm thấy một sức mạnh phát xuất ra từ Ngài” (c. 34), tìm hiểu xem ai đã chạm vào gấu áo mình. Và khi người đàn bà tiến lên thú nhận tất cả với biết bao xấu hổ, Chúa nói với bà: “Hỡi con gái, lòng tin của con đã cứu con” (c. 34).

Đây là một câu chuyện lồng khung vào một câu chuyện khác, với một trung tâm duy nhất: đó là lòng tin; và nó chúng cho thấy Chúa Giêsu như suối nguồn sự sống, như Đấng tái trao ban sự sống cho ai hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài. Cả hai nhân vật, nghĩa là người cha của bé gái và người đàn bà bị bệnh, không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng vì lòng tin của họ họ được nhận lời. Từ đó chúng ta hiểu rằng trên con đường của Chúa mọi người đều được chấp nhận: không có ai phải cảm thấy mình là một người bất hợp pháp, lạm dụng hay không có quyền. Để đến với trái tim của Chúa Giêsu chỉ có một đòi hỏi thôi: cảm thấy mình cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa.

Tôi xin hỏi anh chị em từng người trong chúng ta, chúng ta có cảm thấy cần sự chữa lành không? Chữa lành khỏi điều gì đó, khỏi tội lỗi nào đó, khỏi vấn đề nào đó? Và nếu cảm thấy, thì có tin nơi Chúa Giêsu không? Đó là hai đòi buộc để được chữa lành, để có thể đến với trái tim của Chúa: cảm thấy cần được chữa lành và tín thác nơi Chúa.

Chúa Giêsu sẽ khám phá ra các người này giữa đám đông, và đưa họ ra khỏi sự vô danh, giải thoát họ khỏi sự sợ hãi sống và dám làm. Ngài làm với một cái nhìn và với một lời nói đặt để họ trở lại trên đường cuộc sống, sau biết bao nhiêu khổ đau và nhục nhã. Cả chúng ta cũng được mời gọi học hiểu và noi gương các lời giải thoát này và các cái nhìn tái trao ban trở lại ý muốn sống cho người không có nó.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong trang tin mừng này giao thoa các đề tài đức tin và cuộc sống mới, mà Chúa Giêsu đã đến để cống hiến cho tất cả mọi người. Sau khi vào trong nhà nơi bé gái nằm chết, Ngài đuổi ra ngoài những người giao động và than khóc (c. 40) và nói: “Bé gái không chết, nhưng nó ngủ” (v. 39). Chúa Giêsu là Chúa, và trước Ngài cái chết thể lý giống như một giấc ngủ: không có lý do để tuyệt vọng. Có một cái chết khác cần phải sợ: đó là cái chết của con tim, bị sự dữ làm cho chai cứng. A! khỏi cái chết đó thì, vâng, chúng ta phải sợ! Khi chúng ta cảm thấy có con tim chai cứng, con tim chai cứng, và tôi cho phép mình dùng từ này con tim đã bị ướp xác. Chúng ta phải sợ con tim ấy. Đây là cái chết của trái tim. Nhưng cả tội lỗi, cả con tim bị ướp xác, đối với Chúa Giêsu cũng không bao giờ là tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài đã đem đến cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Và cả khi chúng ta quỵ ngã xuống sâu đi nữa, tiếng nói dịu hiền và mạnh mẽ của Chúa vẫn tới với chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy đứng dậy!”. Thật là đẹp lời Chúa Giêsu nói với từng người trong chúng ta: “Ta truyền cho cọn: hãy chỗi dậy!. Hãy bước đi. Hãy đứng lên, can đảm lên. Hãy chỗi dậy!” Và Chúa Giêsu trao ban sự sống trở lại cho bé gái, và trao ban sự sống trở lại cho người đàn bà được lành bệnh: sự sống và lòng tin cho cả hai người.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường lòng tin và tinh yêu thương cụ thể, đặc biệt đối với những ai đang cần được giúp đỡ. Và chúng ta hay khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ cho các anh chị em đang đau khổ trên thân xác và trong tinh thần.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

01 tháng bảy 2018, 17:03