ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung 

Ước mong sống tràn đầy hạnh phúc

Nơi từng người trong chúng ta đều có ước muốn một cuộc sống tràn đầy. Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa, nguy hiểm lớn nhất của sự sống là một tinh thần thích nghi xấu

Linh Tiến Khải - Vatican

 Cần có ai đó mời gọi chúng ta đi xa hơn, làm nhiều hơn, nhảy vào điều còn thiếu, duyệt xét cái bình thường để rộng mở cho cái ngoại thường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tu hàng tuần hôm qua. Trước khi bắt đầu ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Anton thành Padova. Ngài hỏi ai có tên thánh là Anton và mời mọi người vỗ tay mừng bổn mạng họ.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các giới răn của Chúa. Ngài giải thích ý nghĩa trình thuật trong chương 10 Phúc Âm thánh Marco kể lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu của người thanh niên nhà giầu muốn có cuộc sống tràn đầy, nên đến quỳ gối hỏi Chúa: “Lậy Thầy, con phải làm gì để có cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giê su đáp: “"Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." ĐTC giải thích:

Trong câu hỏi đó có thách đố của mọi cuộc sống, cả thách đố cuộc sống của chúng ta nữa: ước mong một cuộc sống tràn đầy, vô tận…  Nhưng làm thế nào để đạt được nó đây? Phải theo con đường nào? Sống thực sự, sống một cuộc đời  cao quý… Có biết bao nhiêu người  trẻ tìm “sống” nhưng rồi lại tự hủy hoại mình bằng cách chạy theo những điều phù phiếm mau qua.

** Có vài người nghĩ rằng tốt hơn là dập tắt thúc đẩy này - thúc đầy của sự sống -  bởi vì nó nguy hiểm. Tôi muốn đặc biệt nói với giới trẻ: Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa: nguy hiểm lớn nhất của cuốc sống là một tinh thần thích nghi xấu, không phải là sự hiền dịu hay khiêm nhường, nhưng là sự tầm thường xoàng xĩnh, là sự hèn nhát. Một người trẻ xoàng xĩnh là một người trẻ có tương lại hay không? Không! Anh ta ở lại đó, không lớn lên, anh sẽ không thành công. Sự xoàng xĩnh hay sự hèn nhát. Những người trẻ sợ hãi mọi sự: “Không, tôi thì như vậy đấy…” Những người trẻ này sẽ không tiến tới. Phải hiền dịu, mạnh mẽ, nhưng không hèn nhát, không tầm thường xoàng xĩnh.

Chân phước Pier Giorgio Frarssati, đã là một người trẻ - đã nói rằng cần sống chứ không phải sống vật vờ. Những người xoàng xĩnh thì sống vật vờ. Phải sống với sức mạnh của cuộc sống.

Cầu xin Thiên Chúa Cha trên trời cho giới trẻ ngày nay ơn của sự âu lo lành mạnh. Nhưng ở nhà, trong các nhà của anh chị em, trong mỗi gia đình, khi thấy một người trẻ ngồi đó suốt ngày, đôi khi cha mẹ nghĩ rằng: “Thằng này bệnh, nó có cái gì đó” và cha mẹ mang nó đi bác sĩ. Cuộc sống của ngưởi trẻ là tiến tới, là âu lo, sự âu lo lành mạnh, là khả năng không hài lòng với một cuộc sống không vẻ đẹp, không mầu sắc. Nếu các người trẻ sẽ không đói khát cuộc sống đích thật nữa, thì tôi tự hỏi nhân loại sẽ đi về đâu? Nhân loại sẽ đi về đâu với các người trẻ âu lo và không âu lo?

Câu hỏi của người trẻ trong Phúc Âm chúng ta mới nghe , ở bên trong từng người trong chúng ta: làm thế nào tìm ra sự sống, sự sống tràn đầy, niềm hạnh phúc? Chúa Giê su trả lời: “Anh biết các giới răn” (c. 19) và Ngài trích lại một phần Mười Điều Răn. Đó là một tiến trình sư phạm, qua đó Chúa Giêsu muốn dẫn tới một nơi chính xác; thật đã rõ ràng từ câu hỏi là người ấy không có sự sống tràn đầy, anh ta tìm cái gì hơn nữa, anh âu lo. Như vậy anh ta phải hiểu cái gì? Anh nói: “Lậy Thầy, tất cả những điều này con đã giữ từ tấm bé” (c. 20).

Làm thế nào để từ tuổi trẻ bước sang tuổi trưởng thành? Đó là khi người ta bắt đầu chấp nhận các hạn hẹp của mình. Người ta trưởng thành, khi tương đối hóa mình và ý thức được “điều còn thiếu” (x. c.21). Người đàn ông này bị bó buộc thừa nhận rằng tất cả những gì ông có thể làm được không vượt quá một “mái nhà”, không đi quá một ranh giới.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thật đẹp biết bao các người nam nữ! Thật quý báu biết bao cuộc sống của chúng ta! Thế nhưng có một sự thật đó là trong lịch sử của các thế kỷ cuối cùng con người đã thường khước từ sự thật về các hạn hẹp của nó với các hậu quả thê lương.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói lên điều gì đó có thể giúp chúng ta: “Anh em đừng tin rằng Thầy đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ; Thầy không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giêsu ban tặng sự thành toàn, Ngài đến cho việc này. ĐTC giải thích thêm như sau:

Người đàn ông này phải đi đến ngưỡng của của một nhảy vọt, nơi mở ra khả thể thôi sống vì chính mình, vì các công việc, các của cải riêng và – chính vì thiếu sự sống tràn đầy – nên cần bỏ mọi sự để theo Chúa. Nhìn cho kỹ trong lời mời cuối cùng của Chúa Giêsu – lời mời vô biên tuyệt vời – không có đề nghị của sự nghèo khó, nhưng là sự giầu có, sự giầu có đích thật: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (c. 21).

Khi có thể chọn một bản gốc và một bản sao, ai lại chọn bản sao bao giờ? Đó là thách đố: tìm ra bản gốc của sự sống chứ không tìm bản sao. Chúa Giêsu không cống hiến các thay thế, nhưng cống hiến sự sống thật, tình yêu thật, sự giầu có thật! Làm sao giới trẻ có thể đi theo chúng ta, khi họ không thấy chúng ta lựa chọn bản gốc, nếu họ thấy chúng ta tùy thuộc các mực thước nửa vời?  Thật là xấu tìm thấy các kitô hữu nửa vời, kitô hữu – xin cho phép tôi dùng từ này – kitô hữu lùn; họ lớn lên cho tới một cỡ nào đó rồi thôi, kitô hữu với con tim thu nhỏ lại, đóng kín. Thật là xấu tìm thấy điều này!

Cần phải có gương của một ai đó mời gọi tôi đi xa hơn, làm nhiều hơn, lớn lên một chút. Thánh Ignazio gọi nó là “magis”, “hơn”, “là lửa, là sự  nồng nhiệt của hành động thức tỉnh những người say ngủ”.

Con đường của cái “thiếu” đi ngang qua cái “có”. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ nhưng để kiện toàn. Chúng ta phải khởi hành từ thực tại để làm bước nhảy vọt “vào điều còn thiếu”. Chúng ta phải dò xét cái bình thường để rộng mở cho sự ngoại thường.

Trong các bài giáo lý này chúng ta sẽ lấy hai Tấm Bia của ông Môshê trong tư cách các các tín hữu kitô, nắm lấy tay Chúa Giêsu để từ các ảo tưởng của tuổi trẻ bước vào kho tàng trên trời, bằng cách bước theo Chúa. Chúng ta sẽ khám phá ra trong từng luật lệ cổ xưa và khôn ngoan, cánh cửa do Thiên  Chúa Cha trên trời mở ra, để Chúa Giêsu là Đấng đã bước qua đó, dẫn đưa chúng ta vào sự sống thật. Sự sống của Ngài. Sự sống các con cái của Thiên Chúa.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

13 tháng sáu 2018, 17:24