Tìm kiếm

Điểm sách - Hồng ân hoán cải

Hẳn chúng ta đã có kinh nghiệm sâu sắc về nỗi khổ đau do tội lỗi mình vấp phạm, bởi sự bất trung hay đổ vỡ trong mối tương quan đối với Chúa và tha nhân. Nhưng kinh nghiệm đó chắc không làm ta phải tuyệt vọng hay thoái lui, trái lại càng cho ta biết nhìn nhận xác thực hơn về bản chất mỏng dòn lầm lỗi nơi phận người của mỗi chúng ta (x.1Ga 1,8), và tràn đầy hy vọng, vì chúng ta có Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng vô tội và giàu lòng xót thương đã hy sinh chết trên Thập giá đem lại ơn cứu rỗi và tha tội.

Vatican News

Tác phẩm: Hồng ân hoán cải

Tác giả: Đan sĩ linh mục M. Anselmo Hồ Sỹ Chức, O.Cist

Kính thưa quý độc giả,

Hẳn chúng ta đã có kinh nghiệm sâu sắc về nỗi khổ đau do tội lỗi mình vấp phạm, bởi sự bất trung hay đổ vỡ trong mối tương quan đối với Chúa và tha nhân. Nhưng kinh nghiệm đó chắc không làm ta phải tuyệt vọng hay thoái lui, trái lại càng cho ta biết nhìn nhận xác thực hơn về bản chất mỏng dòn lầm lỗi nơi phận người của mỗi chúng ta (x.1Ga 1,8), và tràn đầy hy vọng, vì chúng ta có Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng vô tội và giàu lòng xót thương đã hy sinh chết trên Thập giá đem lại ơn cứu rỗi và tha tội.

Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang bị chi phối bởi một thế giới tục hóa của nền văn minh hưởng thụ. Một xã hội có quá nhiều trào lưu văn hóa duy vật, quá phức tạp bởi những đam mê thấp hèn đã làm nhiều người đánh mất cảm thức về tội. Lương tri con người xem ra mất sức đề kháng trước sự dữ bởi những đam mê bất chính, và thế giới tục hóa ấy cũng đang len lỏi vào đời sống của người tín hữu.

Chính “trào lưu tục hóa” đó đã không ít chi phối đời sống đức tin của người tín hữu, nhất là mối nguy hại này làm chúng ta mất dần khả năng phản tỉnh về chính mình và đức tin của mình, có khi đánh mất cảm thức tôn giáo, tầm quan trọng của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người, những nhu cầu tâm linh và ý thức về tội lỗi nơi bản thân mình. Đó là một thực trạng đáng âu lo của thời đại hôm nay. Nhưng chúng ta lại cảm thấy thật ngại khi nói về những mối nguy hại của trào lưu tục hóa đó mang lại, và nhất là ngại nói về sự hoán cải ăn năn hơn bao giờ hết.

Thế nhưng hoán cải vẫn là một trong những điểm then chốt của đời sống Ki-tô giáo, nó bàng bạc trong giáo huấn của Kinh Thánh. Lời đầu tiên mà Đức Giê-su nói với người Do-thái trước khi rao giảng Tin Mừng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mt 1,15), trước cả “bài giảng trên núi” của Ngài. Lời kêu gọi sám hối còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Ngài cho tới lúc sắp về trời là: “Kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

Nội dung (Chương III - Bản chất, tầm quan trọng và đối tượng hoán cải)

Ăn năn về các lỗi phạm (ý thức tội lỗi)

Tội lỗi là sự đi ngược lại với ơn gọi thật của con người, “khước từ anh em mình”, là sự vong thân không hiệp thông với Chúa (x.Lc 15,11), đe dọa tới sự cứu độ của mỗi người, vì “mọi tội lỗi đều có liên hệ với Thiên Chúa và người phạm tội là người nói ‘không’ với Thiên Chúa. Không phải chỉ là những hành động đối nghịch với tôn giáo mà cả những xúc phạm tới anh em cũng là xúc phạm tới Thiên Chúa”. Vì thế, tội lỗi sẽ để tội nhân sống trong hoàn cảnh bất hạnh và khốn khổ, ít là về lâu về dài. Tội tác động lên con người, làm cho người ấy rơi vào trình trạng khốn khổ và cô độc.

Việc ăn năn tội

Trong việc ăn năn tội, có hàm chứa ba thái độ khác nhau của tội nhân: lòng buồn phiền, gớm ghét tội, và từ giã quãng đời xấu xa trong quá khứ.

Lòng buồn rầu và phiền muộn là do nhận ra được các hậu quả đáng tiếc và tai hại, do kinh nghiệm nỗi bất hạnh và thiếu thốn do tội gây ra (Đn 9,4-19). Rơi vào tình trạng tội lỗi, đánh mất ơn cứu độ và sự thánh thiện, xa lạ với Thiên Chúa và với cộng đồng dân Chúa, đó là những động cơ khiến cho lòng buồn phiền chân thành và trọn vẹn.

Từ chỗ buồn phiền về tội đã phạm và về những hậu quả chua chát của nó, tội nhân đâm ra gớm ghét tội. Người ấy sẽ gạt bỏ và lên án tội như một nguồn sinh ra toàn bộ cuộc đời tội lỗi của mình. Từ chỗ buồn phiền về tội đã phạm và về những hậu quả chua chát của nó, tội nhân đâm ra gớm ghét tội. Người ấy sẽ gạt bỏ và lên án tội như một nguồn sinh ra toàn bộ cuộc đời tội lỗi của mình.

Giã từ quá khứ tội lỗi rốt cuộc là tránh mọi cám dỗ và quyến rũ phỉnh phờ của ma quỉ để quay về đường chân lý, vì luôn ý thức rằng: Quá khứ đen tối đã có lúc làm cho mình xa lìa tình thương Thiên Chúa, xa cách anh em và xa lạ với chính mình.

Như vậy có thể nói rằng, ý thức về tội là biểu hiện của một lương tâm lành mạnh. Nhìn nhận sai lỗi của mình, nhưng không lấy mình làm chính, trái lại đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa, nhìn Thiên Chúa hơn là nhìn chính mình. Nhìn Thiên Chúa để nhận ra lòng yêu thương bao la của Người và đau xót vì lầm lỗi của mình đã làm cho tình yêu đó thất bại.

Khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi

Khiêm tốn là điều kiện phải có để biết mình tội lỗi thật sự, để hoán cải thật sự (Tv 51,3; Xh 9,27; Ds 14,39-40; Gr 7,20; 1Sm 14,24-25; Mt 27,3-4). Chỉ những người khiêm tốn mới can đảm nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Không bào chữa, không đòi hỏi, không tự mãn huyênh hoang. Đồng thời, còn nhìn nhận mình không có khả năng để tự thoát khỏi tình trạng tội lỗi ấy và cần tuyệt đối đến quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su “họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Dcr 12,10; Ga 19,37).

Tự ái sẽ khiến ta quên đi sự việc tội lỗi xấu xa của mình để trấn an hay thậm chí bào chữa. Thánh Âu-tinh đã tuyên bố rất mạnh mẽ rằng, bước thứ nhất để được giải thoát khỏi tội là: Khiêm tốn, bước thứ hai cũng là khiêm tốn và bước thứ ba cũng là khiêm tốn. Nếu ai có hỏi tôi nhiều đến đâu, tôi cũng trả lời như thế: khiêm tốn.

Mở lòng đón nhận ân sủng

Không thể có sự hoán cải nếu không có sự cộng tác tự nguyện của con người, nhưng sự hoán cải đồng thời là một ơn do Chúa ban. Tiếng gọi của ân sủng không bao giờ có tính cưỡng bức, không làm mất sự tự do của con người. Tội nhân có thể làm ngơ không biết tới ân huệ của Chúa và để mặc không thèm đáp lại lời mời gọi của Chúa. Nhưng để được cứu độ thì về phía con người, không thể không có sự cộng tác với ơn Chúa. Nơi người hoán cải, họ chấp nhận một bậc thang giá trị mới để phán đoán về chính mình và về thế giới bên ngoài.

Sự trở về như vậy không hẳn là kết quả của những điều dốc lòng, mà cũng không hẳn là kết quả của những nỗ lực kéo dài, mà rõ ràng là do ơn Chúa. Ơn cứu độ của Chúa tràn vào con người của họ, tác động trên họ, xâm nhập vào các tài năng của họ. Các ngài nhận thấy thật rõ chân lý Phúc Âm này: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Mục lục

Chương I: Khái quát về hoán cải

Chương II: Tiếng gọi hoán cải trong Kinh thánh - Cựu ước: các Ngôn sứ rao giảng, Tân ước: ông Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su rao giảng, hoán cải trong truyền thống Hội Thánh

Chương III: Bản chất, tầm quan trọng và đối tượng hoán cải

Chương IV: Những phương thức thực hành hoán cải - làm việc đền tội, tinh thần sám hối, một đời sống mới, nhiệt tâm trong việc tông đồ - truyền giáo

Chương V: Đan sĩ sống hồng ân hoán cải theo tinh thần thánh Biển Đức

Tác phẩm “Hồng ân hoán cải” dày 99 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, đề cập đến hoán cải là một điều rất quan trọng trong đời sống người tín hữu. Vì trong con người ta dễ có khuynh hướng lạc xa Chúa và ơn gọi đích thực của mình. Nhưng đồng thời, mỗi khi lạc xa Chúa và đánh mất ơn gọi của đời mình, ta lại nghe được ân sủng Chúa tác động từ trong tâm hồn, gọi là “Hồng Ân Hoán Cải” (x.Gr 31,18). Hãy giã từ con đường xấu xa của mình và quay về với kế hoạch cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

07 tháng 3 2023, 15:03